Bước vào tiệm hớt tóc quen, có khách đang làm nên tôi quơ tờ báo ngồi chờ. Đang lơ đễnh lướt lướt tờ báo thì câu chuyện của người khách và bác thợ hớt tóc làm tôi chú ý. Ông khách than phiền về việc ông vừa phải to tiếng và làm căng với một anh tài xế xe ghép chở ông từ Đà Nẵng ra. Lý do chỉ vì… cái điện thoại.
- Nó lái xe chở mình mà cứ nhoáy nhoáy cái điện thoại suốt. Thoạt tiên, cứ ngỡ nó có chuyện chi quan trọng, đến khi lắng tai, té ra toàn tán gẫu với “mái”. Buộc tôi không thể không lên tiếng nhắc nhở.
- Rồi hắn có chịu nghe không?- bác thợ hớt tóc hỏi.
- Nó phớt lờ, tôi mới điên chứ!
- Điên, rồi eng mần chi hắn?- người thợ thủng thẳng.
- Mần chi à? Tôi quát: Nì, tau chưa đến nỗi điên để vừa đưa tiền cho mi lại vừa giao tính mạng cho mi đùa giỡn, nghe chưa! Không nghe thì mi tấp vô để tau xuống đi xe khác. Thời buổi ni, chán vạn chi xe chứ có phải chắc mi có xe mô?!!
- Eng mần căng rứa là đúng quá. Sau cùng thì tay tài xế hắn răng?
- Răng với lợi chi, lo xuống nước giả lả “Gọi chút điện chi mà bác mần căng rứa. Tui tắt rồi tề…”. Mà nó cũng tái mặt bởi khách trên xe đồng tình đòi xuống, có người còn đòi báo công an. Cú ni chắc tởn! Không phải mình khó khăn chi, nhưng nghề tài xế tui biết, lơ đễnh một giây thôi là hối không kịp. Nhất là ba dịp tết nhứt ni nữa. Xe trên đường ngược xuôi như bươm bướm, không ba lơn được.
Không khó để bắt gặp các trường hợp vừa lái xe vừa bấm điện thoại thế này
Ngồi nghe câu chuyện của ông khách hớt tóc, tôi thấy hết sức thú vị. Nếu hành khách nào cũng trực tính như ông, sẵn sàng phản ứng với những hành vi thiếu tôn trọng luật lệ giao thông, thì số vụ tai nạn, số người chết và bị thương vì tai nạn giao thông - một vấn nạn nhức nhối lâu nay của toàn xã hội- chắc chắn sẽ kéo giảm đáng kể.
Cũng cần nói thêm, trong số những hành vi gây mất an toàn giao thông (ATGT), thì việc vừa lái xe, vừa sử dụng điện thoại là một trong những nguyên nhân tiềm ẩn nguy cơ mất ATGT hàng đầu. Vậy nhưng lâu nay ra đường, việc vừa lái xe, vừa nghe, thậm chí vừa bấm điện thoại lại hết sức phổ biến, cả đối với người điểu khiển ô tô lẫn mô tô, xe máy. Nghị định 100/2019/NĐ-CP có hiệu lực từ 1/1/2020 đã tăng mức xử phạt đối với hành vi này lên đến 2 triệu đồng đối với ô tô; 600 ngàn - 1 triệu đồng đối với xe máy; 80-100 ngàn đồng đối với xe đạp. Mức xử phạt tăng, và nếu có thêm sự nhắc nhở nghiêm khắc của hành khách nữa, chắc chắn hành vi phản cảm, nguy hiểm này sẽ tiết giảm, cũng đồng nghĩa niềm vui của nhiều gia đình sẽ tăng lên.