15.000 cây xanh gãy, đổ sau bão số 5 tại Huế:“Bài toán” quy hoạch cây xanh hay quy hoạch đô thị?
Cập nhật 01/10/2020

Cơn bão số 5 gây thiệt hại nặng nề cho tỉnh Thừa Thiên Huế, và đã khiến dân cư địa phương tỏ ra lo ngại về công tác quy hoạch, chăm sóc và quản lý cây xanh ở địa phương này. Dù chỉ bão cấp 8, song đã có khoảng 15.000 cây xanh bị bật gốc, gãy đổ khiến cho không gian đô thị của TP Huế trở nên “hoang tàn”.

Những ngày này, gần như 100% nhân lực của Trung tâm Công viên cây xanh Huế luôn có mặt ở các tuyến đường để kiểm tra, khảo sát, đánh giá mức độ để có hướng phục hồi các cây xanh bị hư hại, gãy đổ. Bên cạnh đó, gần 30 nhân viên và các phương tiện từ các đơn vị chuyên về chăm sóc cây xanh ở TP.HCM, Đà Nẵng, Quảng Bình, Quy Nhơn (Bình Định) cũng có mặt tại Huế để hỗ trợ công tác “chữa vết thương” cho cây xanh.

Nghiên cứu trồng cây xanh bền vững với gió bão

Trước khi cơn bão số 5 đến, TP Huế có khoảng 65.200 cây xanh (với hơn 60 chủng loại) được trồng ở các tuyến đường, các khu đô thị, công viên và những điểm công cộng. Đây là địa phương có sự đa dạng cây xanh đô thị bậc nhất, và tỷ lệ “phủ” cây xanh đô thị của Huế cũng được xem là số 1 của Việt Nam, với khoảng 13m2/người. Nếu tính thêm cả xây xanh do các đơn vị di tích quản lý, các khu nhà vườn, diện tích mặt nước… thì tỷ lệ này ở TP Huế phải gần 20 m2/người. Con số thống kê của đơn vị quản lý cây xanh đô thị tại Huế cho thấy, cây phượng (bao gồm cả phượng đỏ, vàng) được trồng nhiều nhất, với khoảng 19% trên tổng số cây; tiếp đó là bằng lăng, nhội, hoàng yến, dáng hương… Và phần lớn những cây bị bật gốc, gãy đổ vừa qua cũng là phượng vàng, bằng lăng, sò đo cam… Trong đó, phần lớn những cây phượng đỏ đã được trồng từ 35-40 năm, và hệ rễ bị hư hại nhiều do điều kiện mưa ẩm của Huế.

Ông Đặng Ngọc Quý, Phó Giám đốc Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho biết, thống kê 15.000 cây bị gãy đổ trong bão số 5 là bao gồm cây xanh đô thị ở các huyện, thị xã. Riêng tại khu vực TP Huế, chiếm khoảng 10.000 cây, trong đó qua khảo sát có gần 1.000 cây xanh đô thị bị bật gốc, thân nghiêng ngả, số còn lại bị gãy cành, đứt nhánh… “Các cây bị bật gốc, đổ phần lớn do hệ thống rễ đã bị hư hại. Các cây bị gãy cành, đứt nhánh là loại thân giòn, khó chống chịu được bão lớn. Cơn bão này không mạnh, nhưng gió giật xoắn rất khó chịu. Và có một số cây khi đưa vào trồng thì đường kính quá lớn, buộc phải cắt bớt rễ, nên phần trên thân cây thấy rất phát triển nhưng rễ thì không trụ vững được...”, ông Quý giải thích.

Con số thống kê về cây xanh đô thị bị gãy, đổ trong bão số 5 vừa qua khiến dư luận lo ngại vấn đề quy hoạch cây xanh hiện nay của địa phương. Mới đây, qua kiểm tra hệ thống cây xanh gãy đổ, ông Phan Ngọc Thọ, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cũng yêu cầu UBND TP Huế và Trung tâm Công viên cây xanh Huế đánh giá nghiêm túc công tác quản lý và bảo vệ cây xanh trong thời gian qua, nghiên cứu phương án trồng cây xanh công cộng theo hướng bền vững, chọn loại cây phù hợp với khí hậu và cảnh quan của Huế để trồng thay thế. Một số loại cây không phù hợp tại một số tuyến đường cần sớm được thay thế…


  Các lực lượng ra quân dọn cây xanh gãy đổ sau bão số 5 tại Huế

Bất cập từ quy hoạch đô thị?

Theo ông Đặng Ngọc Quý, việc quy hoạch và quản lý cây xanh đô thị trên địa bàn TP Huế được thực hiện theo Nghị định 64/2010/NĐ-CP và Quyết định số 06/2014/QĐ-UBND của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Do việc quy hoạch cây xanh đã thực hiện trước đó nên đối với các tuyến đường có cây bật gốc thì cũng buộc trồng lại chủng loại cây đó, với các giải pháp kỹ thuật, chăm sóc kỹ càng. Nếu một tuyến đường mà nhiều cây bật gốc, gãy đổ rồi chọn trồng lộn xộn nhiều loại cây vào sẽ phá vỡ cảnh quan. Riêng với các tuyến đường mới, nếu số lượng cây bị bật gốc, gãy đổ nhiều thì đơn vị sẽ xem xét không trồng loại cây đó nữa, mà nghiên cứu chọn loại cây phù hợp hơn với điều kiện thời tiết.

Đại diện lãnh đạo Trung tâm Công viên cây xanh Huế cho rằng, điều khó khăn là nhiều khu dân cư, khu đô thị khi quy hoạch thì dành lại khoảng diện tích cho bo ô cây rất nhỏ, khó đảm bảo cho sự phát triển của cây về lâu dài. Một số tuyến đường, khu đô thị khi mới đào xuống đã bắt gặp hệ thống dây cáp, đất đá cấp phối không đảm bảo được sự sinh trưởng của cây xanh. Đơn vị đã từng kiến nghị nhiều lần việc quy hoạch cây xanh ở khu đô thị cần thực hiện song song và phải đảm bảo các yếu tố diện tích, độ sâu, tránh bị ảnh hưởng hạ tầng bên dưới. Nhưng trên thực tế, nhiều đơn vị thi công cứ đếm khoảng cách để trừ lại các bo ô cây mà ít chú ý đến phía bên dưới bị “vướng” gì hay không...

Điển hình như mới đây, việc chỉnh trang tuyến đường Hùng Vương (TP Huế), đoạn từ ngã 6 đến đầu cầu Trường Tiền, đơn vị thi công để dành hơn 50 bo ô cây, nhưng khi đơn vị đi đào để đưa cây đến trồng thì chỉ có hơn 30 ô trồng được; còn lại các ô khác đều bị vướng phải hệ thống dây cáp, thoát nước nên không thể đào sâu và đành phải lấp ô. Việc này cũng xảy ra tương tự ở đường Lê Quý Đôn, nằm ngay cạnh Trung tâm Văn hóa- Điện ảnh tỉnh. Và một khu đô thị khá lớn trên địa bàn cũng thuê đơn vị quy hoạch cây xanh, nhưng khi bàn giao quản lý thì các bo ô cây lại quá nhỏ, không đủ cho cây phát triển lâu dài…

Việc khắc phục thiệt hại, chăm sóc và “cứu” các cây xanh bị hư hại trong đợt bão số 5 vừa qua sẽ còn làm “trường kỳ”, vì số lượng cây quá lớn. Song, dư luận địa phương đang mong rằng tỉnh hoặc đơn vị quản lý cây xanh sẽ có một cuộc “trưng cầu dân ý” để tham khảo ý kiến cộng đồng, các chuyên gia cho việc điều chỉnh quy hoạch, thay thế cây xanh hợp lý hơn. 

Theo baovanhoa.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày