Những điểm sáng tích cực, lạc quan của nền kinh tế
|
Infographic xuất nhập khẩu (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Theo Tổng cục Thống kê, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý I/2021 ước tính tăng 4,48% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn tốc độ tăng 3,68% của quý I/2020. Trong mức tăng chung của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 6,3; khu vực dịch vụ tăng 3,34%.
Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản trong quý I/2021 tăng cao so với cùng kỳ 2020 do năng suất lúa, sản lượng cây lâu năm đạt khá, dịch tả lợn châu Phi được kiểm soát tốt, sản lượng thịt hơi xuất chuồng tăng khá, đồng thời thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Trong đó, ngành nông nghiệp tăng 3,19%, chỉ thấp hơn mức tăng của quý I các năm 2011 và 2018 trong giai đoạn 2011-2021; ngành lâm nghiệp tăng 3,78%; ngành thủy sản tăng 2,90%, cao hơn mức tăng 2,79% của cùng kỳ 2020.
Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp quý I/2021 tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020 nhưng thấp hơn nhiều so với mức tăng 10,45% của quý I/2018 và 9% của quý I/2019. Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%. Ngành khai khoáng tăng trưởng âm 8,24%, ngành xây dựng tăng 5,17%, cao hơn mức tăng 4,37% của quý I/2020.
Khu vực dịch vụ trong quý I/2021 tăng trưởng tích cực khi dịch COVID-19 được kiểm soát chặt chẽ, doanh nghiệp xuất khẩu đã tận dụng tốt các Hiệp định thương mại tự do được ký kết.
|
Infographic tốc độ tăng trưởng GDP và đóng góp của 3 khu vực với tăng trưởng kinh tế
(Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Về cơ cấu nền kinh tế quý I/2021, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,71%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 36,45%; khu vực dịch vụ chiếm 42,20%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 9,64%.
Sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản quý I năm 2021 diễn ra trong điều kiện thời tiết tương đối thuận lợi: rét đậm, rét hại, hạn hán và xâm nhập mặn không diễn ra gay gắt như cùng kỳ năm 2020. Năng suất lúa và sản lượng cây lâu năm đạt khá; đàn lợn tiếp tục đà hồi phục. Sản xuất lâm nghiệp phát triển, thị trường xuất khẩu các mặt hàng gỗ và lâm sản được mở rộng. Sản xuất thủy sản khả quan hơn so với cùng kỳ năm trước, giá cá tra và tôm thương phẩm có xu hướng tăng.
Ngành công nghiệp quý I/2021 đạt mức tăng khá 6,5% so với cùng kỳ 2020; trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 9,45%, cao hơn tốc độ tăng 7,12% của cùng kỳ 2020 nhưng thấp hơn tốc độ tăng 14,30% của quý I/2018 và 11,52% của quý I/2019; sản xuất và phân phối điện tăng trưởng ổn định; ngành khai khoáng giảm sâu chủ yếu do khai thác dầu thô và khí đốt tự nhiên giảm mạnh. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng 3/2021 tăng 24,1% so với tháng 2 và tăng 5,3% so với cùng kỳ 2020. Tính chung quý I/2021, chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 5,8% so với cùng kỳ 2020. Tuy nhiên, chỉ số tồn kho toàn ngành công nghiệp chế biến, chế tạo ước tính tại thời điểm 31/3/2021 tăng 22,5% so với cùng thời điểm 2020.
Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới trong 3 tháng đầu năm 2021 giảm 1,4% so với cùng kỳ 2020 nhưng có vốn đăng ký tăng 27,5%, nguyên nhân do gia tăng số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký trên 100 tỷ đồng (tăng 36,8%) và giảm số lượng doanh nghiệp có vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng (giảm 3,3%). Số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn tăng 28,2% so với cùng kỳ năm 2020; doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể tăng 26,4%, đây phần lớn là doanh nghiệp trẻ, quy mô nhỏ, dễ chịu tổn thương do tác động tiêu cực từ bên ngoài. Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cho thấy các doanh nghiệp kỳ vọng sản xuất kinh doanh trong quý II/2021 khả quan hơn quý I/2021.
Vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội quý I/2021 theo giá hiện hành ước đạt 507,6 nghìn tỷ đồng, tăng 6,3% so với cùng kỳ 2020, mức tăng này cho thấy tín hiệu tích cực trong việc huy động và sử dụng vốn đầu tư cho phát triển kinh tế trong bối cảnh dịch COVID-19 đã cơ bản kiểm soát thành công tại Việt Nam. Đây cũng là động lực quan trọng để việc huy động và sử dụng vốn đầu tư toàn xã hội sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh trong các quý tiếp theo của năm 2021.
|
Infographic tốc độ tăng các ngành nông nghiệp, công nghiệp, xây dựng (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Tổng vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam tính đến ngày 20/3/2021 bao gồm vốn đăng ký cấp mới, vốn đăng ký điều chỉnh và giá trị góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 10,13 tỷ USD, tăng 18,5% so với cùng kỳ 2020. Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài trong quý I/2021 có 14 dự án được cấp mới giấy chứng nhận đầu tư với tổng số vốn của phía Việt Nam là 140,2 triệu USD, gấp 6 lần so với cùng kỳ 2020; có 6 lượt dự án điều chỉnh vốn với số vốn tăng thêm 431,9 triệu USD. Tính chung tổng vốn đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài (vốn cấp mới và tăng thêm) đạt 572,1 triệu USD.
Quý I năm 2021 ghi nhận sự phục hồi mạnh mẽ của hoạt động xuất, nhập khẩu. Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa quý I năm 2021 ước tính đạt 152,65 tỷ USD, tăng 24,1% so với cùng kỳ 2020, trong đó kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 77,34 tỷ USD, tăng 22%; nhập khẩu hàng hóa đạt 75,31 tỷ USD, tăng 26,3%. Cán cân thương mại hàng hóa quý I năm 2021 ước tính xuất siêu 2,03 tỷ USD.
Đáng chú ý là lạm phát được kiểm soát, cân đối ngân sách được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 3 tăng 1,16% so với cùng kỳ năm trước, thấp nhất kể từ năm 2016. CPI bình quân quý I chỉ tăng 0,29%. Tiến độ thu ngân sách khả quan, tổng thu ngân sách quý I đạt 30,1% dự toán, cao hơn các năm trước. Nhiều chỉ số tín nhiệm quốc gia tiếp tục gia tăng, thể hiện sự công nhận, đánh giá cao của quốc tế đối với những cải thiện vững chắc về tài khóa, nợ công, nợ nước ngoài... cũng như những cải cách mạnh mẽ về thủ tục hành chính, môi trường đầu tư, kinh doanh, phản ánh triển vọng tăng trưởng kinh tế đầy hứa hẹn của đất nước.
Thị trường tiền tệ, tín dụng ổn định. Lãi suất tiếp tục được duy trì ở mức thấp, thị trường ngoại hối hoạt động hiệu quả, thanh khoản thị trường được bảo đảm, các dịch vụ thanh toán trực tuyến, thanh toán không dùng tiền mặt được đấy mạnh. Trong tháng, Hãng Moody cũng đã nâng mức tín nhiệm của 15 ngân hàng, phản ánh sức khỏe của nền kinh tế, năng lực, điều hành tốt của toàn hệ thống.
Chủ động cập nhật kịch bản tăng trưởng GDP cả năm 2021
Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, dịch bệnh COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp trên thế giới, căng thẳng giữa các quốc gia lớn ngày càng gia tăng. Tăng trưởng kinh tế tích cực nhưng vẫn chưa đạt được tốc độ tăng cùng kỳ của các năm ở thời điểm trước dịch và các kịch bản đã đề ra; một số ngành, lĩnh vực tiếp tục gặp nhiều khó khăn do tác động của dịch bệnh. Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống quý I giảm 3% so với cùng kỳ năm trước, doanh thu du lịch lữ hành giảm sâu, lên đến 60,1%; hoạt động vận tải, hàng không bị tác động nghiêm trọng. Tình hình đăng ký doanh nghiệp vẫn cho thấy tác động dai dẳng của dịch bệnh.
|
Infographic tốc độ tăng ngành dịch vụ (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Bên cạnh những mặt tích cực của nền kinh tế, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đã cảnh báo tình trạng giá bất động sản nhiều khu vực tăng mạnh, Nguồn vốn tập trung vào một số lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hơn là để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh.
Cũng theo Bộ trưởng, một điểm cần lưu ý khác nữa là thị trường trái phiếu phát triển nhanh nhưng chủ yếu là trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản và ngân hàng, sự tham gia của các doanh nghiệp sản xuất còn hạn chế. Tương tự, tổng mức huy động vốn vào thị trường chứng khoán tăng cao, tuy nhiên, giá trị phát hành cổ phiếu giảm, cho thấy nguồn vốn vào thị trường không thực sự để phục vụ mở rộng sản xuất, kinh doanh. Trong thời gian tới, cần chú trọng theo dõi sát diễn biến các thị trường trên, không để xảy ra tình trạng bong bóng thị trường, tiềm ẩn nhiều rủi ro, ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Thêm nữa, chi phí logistics còn cao, ảnh hưởng đến sức cạnh tranh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Xuất khẩu vẫn phụ thuộc chủ yếu vào khu vực có vốn đầu tư nước ngoài, nhập khẩu tập trung cao vào một số thị trường. Cổ phần hóa, thoái vốn của doanh nghiệp nhà nước chậm, không đạt kế hoạch, hoạt động của doanh nghiệp nhà nước còn nhiều khó khăn, vướng mắc, chưa được giải quyết triệt để, hiệu quả, đóng góp chưa tương xứng với quy mô tài sản, nguồn lực đang nắm giữ. Vướng mắc của nhiều doanh nghiệp tư nhân, FDI, đầu tư công chưa được quan tâm xử lý, tạo điều kiện để khơi thông các điểm nghẽn, giải phóng nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển.
|
Infographic cơ cấu kinh tế và GDP theo phương pháp sử dụng (Nguồn: Tổng cục Thống kê) |
Cập nhật kịch bản tăng trưởng kinh tế, Bộ trưởng cho biết, tốc độ tăng trưởng GDP quý I đạt 4,48%, tuy cao hơn mức tăng trưởng dự báo trong Báo cáo tháng 1/2021 nhưng vẫn thấp hơn 0,64 điểm phần trăm so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết 01/NQ-CP.
Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2021 là 6,5% thì GDP quý II/2021 cần đạt mức tăng trưởng 7,19% (cao hơn 0,08 điểm phần trăm so với Nghị quyết 01); quý III cần tăng 6,78% (cao hơn 0,07 điểm phần trăm) và quý IV cần tăng 7,16% (cao hơn 0,49 điểm phần trăm).
Để đạt mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nhiệm vụ đặt ra là khá nặng nề. Tuy nhiên, xu hướng phục hồi kinh tế thế giới và trong nước đã rõ ràng hơn, do vậy ngoài việc hỗ trợ các ngành, lĩnh vực còn gặp khó khăn, cần tập trung các giải pháp để kích thích tăng trưởng, thúc đẩy phục hồi toàn diện nền kinh tế bao gồm: thực hiện quyết liệt các biện pháp kiểm soát, phòng chống dịch bệnh, đẩy mạnh việc mua và triển khai tiêm vaccine COVID-19; Tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế; Xem xét điều chỉnh hợp lý việc tăng giá, phí một số mặt hàng do nhà nước quản lý theo lộ trình; Đẩy mạnh cải thiện môi trường kinh doanh, cắt giảm chi phí cho các doanh nghiệp; Đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, giảm bớt việc phụ thuộc vào một thị trường. Tập trung hỗ trợ phát triển thị trường trong nước. Nghiên cứu, xây dựng các chính sách kích cầu tiêu dùng sản phẩm, hàng hóa sản xuất trong nước…/.
Lê Nguyễn