Tàu phải đậu ở Đà Nẵng
Năm 2014, khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai được đầu tư xây dựng tại thôn Đông Hải, xã Lộc Trì (Phú Lộc) cho ngư dân trong vùng, với tổng kinh phí trên 58 tỷ đồng, nhằm đáp ứng nhu cầu neo đậu tàu thuyền đánh cá tránh trú bão, hạn chế thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, kết hợp bến cá phục vụ việc mua bán nguồn lợi thủy hải sản khai thác được cho ngư dân trong vùng.
Tuy nhiên, 4 năm trở lại đây, khu neo đậu kết hợp bến cá này không phát huy tác dụng do tàu thuyền của ngư dân đã được đầu tư, cải hoán nâng công suất lớn hơn so với thiết kế công trình ban đầu. Luồng lạch chật hẹp và tình trạng bồi lắng cửa biển Tư Hiền khiến tàu thuyền của ngư dân không thể vào neo đậu.
Giám đốc Ban Quản lý dự án (DA) đầu tư xây dựng khu vực huyện Phú Lộc, ông Nguyễn Văn Hiệp cho biết: Quy mô công trình đáp ứng cho khoảng 420 tàu có công suất từ 35-200 CV; đồng thời, tính đến việc đáp ứng cho 300 tàu có công suất 300 CV về lâu dài. Để khai thác hiệu quả công trình khu neo đậu tàu thuyền này, DA cũng đã tiến hành nạo vét khu neo đậu rộng 9,3ha, nạo vét luồng tàu dài 850m với chiều rộng đáy khoảng 25m, cao độ -2,5m.
Theo ông Cái Trọng Như, Chủ tịch UBND xã Lộc Trì, hiện tại, địa phương có hơn 80 chiếc tàu công suất từ 400 CV đến 1.100 CV, tất cả đều đậu nhờ tại Đà Nẵng với chi phí mỗi tàu 1 triệu đồng/tháng.
Ông Trần Vinh, ở thôn Đông Hải, có 2 tàu công suất lớn trên 800 CV làm dịch vụ hậu cần nghề cá trên biển, bày tỏ: 2 chiếc tàu là tài sản lớn, nhưng mỗi năm vào thời gian biển động, không ra khơi được, phải vào đậu ở Đà Nẵng 4-5 tháng.
Ông Văn Xoàn, người cùng thôn Đông Hải, cũng có 2 tàu công suất 750 CV và 850 CV làm nghề khai thác thủy hải sản trên vùng biển quần đảo Hoàng Sa. Một tàu của ông đang đi biển và một tàu đang nằm tại Đà Nẵng. “Gửi mỗi tàu 1 triệu đồng/tháng nhưng xảy ra cháy nổ, hư hỏng gì mình phải tự chịu, nên rất khó khăn trong việc bảo vệ tài sản”, ông Xoàn bày tỏ.
Cần nâng cấp âu thuyền, nạo vét luồng lạch
Thời gian qua, các khu neo đậu tàu thuyền, vùng cửa biển đều được bố trí kinh phí, nạo vét và nâng cấp âu thuyền, tuy nhiên, qua các đợt bão lụt cùng với ảnh hưởng biến đổi khí hậu, nhiều cảng, cửa biển sau khi nạo vét được vài năm lại bị bồi lắng. Nếu không có giải pháp chỉnh trị, nâng cấp hiệu quả sẽ ảnh hưởng lớn đến việc neo đậu tàu thuyền và hậu cần nghề cá của ngư dân.
Điển hình như DA xã hội hóa nạo vét cửa biển Tư Hiền kết thúc năm 2017, đến nay liên tục xảy ra tình trạng bồi lắng luồng lạch gây nguy hiểm trên đường ra vào cửa biển của ngư dân. Đây là tuyến giao thông đường thủy thông thương giữa biển với hệ đầm phá Tam Giang - Cầu Hai.
Anh Trần Cơ, ngư dân ở thôn Đông Hải, xã Lộc Trì cho biết, trước đây luồng lạch ra vào cửa biển Tư Hiền có độ sâu từ 8-10m, nay chỉ được vài mét, thậm chí có thời điểm một số đoạn cạn trơ đáy. Nhiều vụ tai nạn tàu thuyền đã xảy ra tại cửa biển này.
“Chỉ cần nâng cấp âu thuyền, nạo vét luồng lạch là ngư dân có chỗ neo đậu an toàn, giải quyết được lượng lớn tàu thuyền tại địa phương. Mùa mưa bão, ngư dân không phải lái thuyền đi tìm nơi đỗ ở tỉnh khác, vừa nguy hiểm vừa tốn chi phí và khó khăn trong việc bảo vệ tài sản”, anh Trần Cơ bày tỏ.
Theo đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, đơn vị đã đề xuất chủ trương đầu tư nhiều DA liên quan đến chỉnh trị luồng lạch và nâng cấp các âu thuyền, cầu cảng phục vụ hậu cần nghề cá trong giai đoạn 2021-2025. Các cơ quan chức năng sẽ nghiên cứu triển khai hạng mục nạo vét, chỉnh trị luồng lạch tại cửa biển Tư Hiền nhằm đảm bảo an toàn cho tàu, thuyền ra vào tránh trú bão, đảm bảo lưu thông nguồn nước và tạo thuận lợi để trao đổi hàng hoá.
Xã Lộc Trì của huyện Phú Lộc là một trong những địa phương có thế mạnh về phát triển khai thác thủy hải sản với gần 90 tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ tại vùng biển Hoàng Sa, cùng với hàng trăm phương tiện ghe vùng bãi ngang. Nghề biển đã mang lại nguồn thu nhập lớn cho ngư dân nơi đây, vì vậy nhu cầu neo đậu tàu thuyền, ra vào đánh bắt của ngư dân địa phương rất cao. Việc chỉnh trị, nạo vét luồng lạch ở cửa biển Tư Hiền, đảm bảo lưu thông cho các tàu công suất lớn không chỉ phát huy tác dụng khu neo đậu tàu thuyền tránh trú bão kết hợp bến cá Cầu Hai, mà còn đảm bảo hạ tầng phát triển hậu cần nghề cá cho các địa phương khác trong vùng Tam Giang - Cầu Hai.