Những ngày này, các ứng cử viên đại biểu Quốc hội (ĐBQH) và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp (HĐND) đã và đang tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử. Đây là giai đoạn hết sức quan trọng để các ứng cử viên và cử tri gần nhau hơn, hiểu nhau hơn. Tại các buổi tiếp xúc cử tri, các ứng cử viên đã đưa ra những cam kết bằng chương trình hành động cụ thể của mình. Ở đó, thể hiện sự sâu sắc, tâm huyết, bản lĩnh, trình độ, năng lực và trách nhiệm của mỗi ứng cử viên. Dù chương trình hành động được xây dựng nội dung, mục tiêu khác nhau, tùy thuộc vào chuyên môn, lĩnh vực công tác, tùy thuộc vào vấn đề họ quan tâm nhưng tựu chung lại tất cả đều hướng tới sự phát triển của đất nước, sự ấm no, hạnh phúc của người dân và cụ thể hơn là giải quyết những yêu cầu bức thiết tại địa bàn mà ứng cử viên tham gia ứng cử.
Chương trình hành động không phải diễn ra ngày một ngày hai, mà đó là cam kết chính trị, là định hướng hoạt động trong suốt cả nhiệm kỳ nếu ứng cử viên trúng cử. Do đó, bên cạnh tiểu sử thể hiện phẩm chất, năng lực, bề dày công tác của các ứng cử viên, thì chương trình hành động này chính là cơ sở quan trọng để giúp cử tri cân nhắc, lựa chọn đúng ứng cử viên xứng đáng nhất, người tiêu biểu về đức, tài, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của Nhân dân. Cử tri đặt niềm tin của mình thông qua từng lá phiếu và cũng đặt niềm tin của mình vào chính chương trình hành động của từng ứng cử viên.
Trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 4/5, tại tổ bầu cử số 2 (địa bàn quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ của TP Hồ Chí Minh), cử tri Nguyễn Thị The (phường Tân Quy, quận 7) đã thẳng thắn nêu rõ: "Các ứng viên đều nêu chương trình hành động rất sâu sắc, thỏa đáng…Nhưng chúng tôi đề nghị các vị lưu ý là lời nói phải đi đôi với việc làm, người dân cần những điều cụ thể, thiết thực, chứ không phải lời hứa này nọ".
Đây có lẽ không phải là nguyện vọng riêng của cử tri Nguyễn Thị The mà còn là của hàng triệu cử tri trên cả nước muốn gửi gắm tới các đại biểu. Mỗi nhiệm kỳ, đã có biết bao chương trình hành động của các ứng cử viên được đưa ra. Trên thực tế, phải công nhận, cũng đã có rất nhiều ứng cử viên sau khi trúng cử “nói được làm được”. Với vai trò đại biểu, họ đã có giải pháp, cách làm cụ thể để những cam kết nhanh chóng biến thành hành động và việc làm hết sức thiết thực, hiệu quả, nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân. Qua đó, củng cố thêm niềm tin, tình cảm của cử tri bởi bà con đã chọn đúng người để gửi gắm. Tuy nhiên, cũng không ít ứng cử viên, trong lúc vận động bầu cử đã đưa ra chương trình hành động rất hay, vô cùng ấn tượng và hấp dẫn, nhưng khi trúng cử đại biểu thì lại không thực hiện được đúng như lời đã hứa, khiến cử tri khá thất vọng.
Ảnh minh họa
Vận động bầu cử chỉ là bước khởi đầu cho một nhiệm kỳ mới. Vẽ ra một bức tranh đẹp, lung linh và rực rỡ nhưng tất cả mới chỉ là “lý thuyết” còn đang nằm trên giấy. Điều người dân cần đó chính là hành động cụ thể ở thực tiễn cuộc sống.
Xin đừng “hứa suông”! Cử tri cần một đại biểu nói phải đi đôi với hành động chứ không phải “đánh trống bỏ dùi”, hứa cho có, hứa rồi để đó. Một lá phiếu, 100 lá phiếu hay 1.000 lá phiếu là những con số, có thể sẽ giúp ứng cử viên giành chiến thắng hôm nay, nhưng chiến thắng ý nghĩa hơn mà chúng ta không thể nào cân, đo, đong, đếm được chính là tình cảm, sự yêu mến, niềm tin của cử tri dành cho đại biểu. Nó nằm ở trái tim của cử tri. Sáng suốt lựa chọn và cử tri cũng sáng suốt trong giám sát, theo dõi quá trình hoạt động của đại biểu ở cả nhiệm kỳ công tác. Cử tri giám sát để đánh giá cụ thể những cam kết chính trị mà đại biểu đã đưa ra trong chương trình hành động của mình được thực hiện tới đâu? Những kiến nghị của cử tri có được gửi tới cơ quan chức năng có thẩm quyền hay không? Tại các phiên họp Quốc hội, đại biểu có nói đúng nguyện vọng của cử tri chưa? có đấu tranh cho lợi ích chính đáng của cử tri?...
Dẫu biết rằng để lời hứa thành hiện thực còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố, nhưng trước tiên, đại biểu cần tôn trọng chính lời hứa của mình, tôn trọng và thấu hiểu cử tri, bằng hành động để đáp lại niềm tin mà cử tri đã dành cho đại biểu. Nghĩa tình ấy sẽ góp phần xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân ngày càng thêm vững mạnh.
Chỉ còn vài ngày nữa là cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và bầu cử đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026 sẽ được tiến hành (Chủ nhật ngày 23/5). Bầu cử không thể thành công nếu không có sự tham gia tích cực và trách nhiệm của người dân. Mỗi người dân chúng ta cần hiểu rõ quyền, trách nhiệm của mình cũng như ý nghĩa của mỗi lá phiếu để tích cực tham gia bầu cử, cân nhắc, lựa chọn kỹ lưỡng người đại biểu xứng đáng là đại biểu của dân, do dân và vì dân. Chất lượng đại biểu phụ thuộc rất nhiều vào sự sáng suốt của cử tri./..
Trong nhiều lần tiếp xúc với cử tri, trong nhiều cuộc họp và gần đây nhất là tại các buổi tiếp xúc với cử tri để vận động bầu cử, các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đều nhấn mạnh vào trách nhiệm của người đại biểu và sự gương mẫu của cán bộ. Tiếp xúc cử tri các quận Ba Đình, Đống Đa, Hai Bà Trưng (TP Hà Nội) vào ngày 8/5 để trình bày chương trình hành động, vận động bầu cử, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ, mỗi đại biểu Quốc hội phải thường xuyên gắn bó với Nhân dân, lắng nghe Nhân dân, giữ mối quan hệ mật thiết với Nhân dân, tiếp tục hoàn thiện chương trình hành động của mình. Là sợi dây liên lạc giữa Nhân dân với Quốc hội, với Đảng và Nhà nước, mỗi đại biểu Quốc hội phải làm tròn trách nhiệm của mình theo quy định của pháp luật, giữ gìn phẩm chất, đạo đức, lối sống trong sáng, liêm khiết; xây dựng gia đình thực sự gương mẫu về mọi mặt.
Trình bày Chương trình hành động trước các cử tri TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình để phụng sự đất nước, phục vụ Nhân dân. “Mình phải làm gì cho nước, cho dân, cho cử tri Thành phố. Chính vì vậy mà chương trình hành động vừa là tư cách người lãnh đạo quốc gia, nhưng đồng thời là đại biểu Quốc hội tại địa phương, phải thể hiện được tinh thần phục vụ Nhân dân, phụng sự Tổ quốc”, Chủ tịch nước nói.
Cũng tại đây, Chủ tịch nước cũng yêu cầu lãnh đạo TP Hồ Chí Minh lắng nghe nguyện vọng của người dân và xử lý dứt điểm các bức xúc của bà con. Đồng chí cũng nhấn mạnh, lời nói phải đi đôi với việc làm để những vấn đề bức xúc của người dân được giải quyết thấu tình đạt lý.
|
Vương Lê