Đánh và bắt con quỳ dưới sân trường giữa trưa nắng, cái gào của một bà mẹ: "Để yên cho tôi dạy con, 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận. Hôm nay, tao phải đánh cho mày chết thì thôi” có lẽ không chỉ gây ám ảnh cho những người tham gia can gián, chứng kiến sự việc xảy ra hôm đó, mà còn để lại cho xã hội nhiều suy nghĩ về cách dạy con và cả những kì vọng của cha mẹ với con cái.
Tục ngữ có câu: Ai cũng muốn đẹp, muốn giòn/ Ai muốn tháo dạ cho mòn người đi. Thử hỏi, đã là con người, có ai lại không muốn mình giỏi, con mình giỏi? Thậm chí là mong muốn con mình phải giỏi hơn con người khác để có sự hãnh diện, tự hào với người đời. Nhưng nếu con mình chưa giỏi, thậm chí là học kém thì các ông bố, bà mẹ lại có phần e ngại và xấu hổ là tâm lý có thật đang tồn tại trong xã hội lâu nay. Đây cũng là tâm lý bình thường và không có gì phải bàn cãi nhiều nếu mọi mong muốn chính đáng không bị đẩy đến chỗ thái quá, nhất là sự kì vọng của cha mẹ lại quá lớn so với khả năng, học lực của con mình đã tạo áp lực về điểm số, học hành, thi cử trở thành gánh nặng trên vai các em.
Văn hóa Á Đông có ảnh hưởng không nhỏ đến phương pháp giáo dục của các gia đình ở Việt Nam, tư tưởng “thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” đã làm không ít ông bố, bà mẹ tạo ra những áp lực cho con cái mình, đôi khi chỉ vì cách nhìn nhận vấn đề “giỏi và dốt” qua điểm số, học lực của con. “… 7 năm học sinh giỏi mà giờ đến trường tư người ta cũng không thèm nhận”. Phải chăng câu “học tài thi phận” đã đúng và vận vào em học sinh này, hoặc những “Giấy khen” học sinh giỏi kia chưa phản ánh đúng học lực của em? Bất luận nguyên do là gì thì sự tức giận của bà mẹ và sự tổn thương của người con trước sự chứng kiến của những người có mặt là sự việc thật đáng tiếc.
Những cái gào thét, những cái đánh con có làm cho người mẹ bớt đi cái tức giận, hay nó chỉ là sự bộc phát của những kìm nén, bế tắc và thất vọng bởi những kì vọng của chính bà mẹ đối với con mình mà thôi ?! Qua sự việc này cho thấy “bệnh thành tích” trong giáo dục cũng như nhận thức trong xã hội về điểm số, bằng cấp còn khá nặng nề; sự hiểu biết về phân luồng học sinh phổ thông ở các cấp học có thể chưa được nhận thức một cách đầy đủ với cả các em học sinh và phụ huynh.
Luật Giáo dục và Luật Giáo dục nghề nghiệp hiện hành cùng các văn bản quy phạm hướng dẫn về việc phân luồng học sinh phổ thông nhằm tạo ra nhiều sự lựa chọn cũng như cơ hội nghề nghiệp cho học sinh ở các cấp học phổ thông ở Việt Nam có thể chưa thẩm thấu sâu vào cuộc sống. Mặc dù vậy, trong nhiều năm gần đây, những Luật này đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực và chứng minh cho xã hội rằng: Không nhất thiết phải có học vấn cao đã thành công trong cuộc sống. Những người có tay nghề cao trong các lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau không nhất thiết phải có bằng đại học và không ít những trường hợp có bằng đại học lại chưa chắc dễ dàng tìm kiếm được việc làm ổn định và thu nhập tốt hơn những người theo học nghề ngay sau cấp học THCS, THPT.
Nhìn ra thế giới, những bài học từ quốc tế và các nước có nền giáo dục phát triển như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… cho thấy việc phân luồng học sinh ở các cấp học phổ thông đã mang lại hiệu thiết thực trong giáo dục nghề nghiệp cho người dân. Coi trọng năng lực hơn bằng cấp đã mang lại sự phát triển cân bằng trong xã hội. Nền giáo dục không chạy theo thành tích - những thứ “hữu danh vô thực” và sự tôn trọng, không kì thị về bằng cấp trong xã hội đã phản ánh đúng chất lượng năng lực nguồn nhân lực của xã hội nên không có tình trạng thừa thày, thiếu thợ như ở nước ta. Vì thế mà các quốc gia này đã tạo ra các sản phẩm khoa học, kĩ thuật tuyệt vời cho thế giới.
Cuộc sống có nhiều sự lựa chọn, cánh cửa này đóng lại thì cánh cửa khác sẽ mở ra. Con người không nhất thiết phải đi một con đường duy nhất để tới được đích mình mong muốn. Tương tự, chuyện học hành, thi cử cũng vậy, không phải cứ thi trượt, thi rớt ở một kì thi, một cấp học đã là hết cơ hội. Quan trọng các em học sinh ở các cấp học phổ thông luôn phải biết mình yêu thích đam mê những môn học nào, xác định được năng khiếu, năng lực thật sự của bản thân là gì để theo đuổi ước mơ cũng như đặt mục tiêu phù hợp với mình. Muốn vậy, trách nhiệm của người làm cha, làm mẹ không chỉ nuôi dạy các con cho tốt mà còn phải biết năng lực của con mình đến đâu cũng như phải hiểu con, động viên và chia sẻ với con để hướng nghiệp cho con chứ đừng chỉ biết kì vọng con mình phải có điểm số cao, phải học cao và giỏi giang hơn người.
Trên thế giới, không ít những tỷ phú thất học hoặc phải bỏ ngang chừng việc học hành, không bằng cấp, chứng chỉ nhưng kiến thức đồ sộ và sự hiểu biết rộng của họ cho thấy khả năng tự học và học tập suốt đời mà họ theo đuổi còn quan trọng hơn nhiều những gì được dạy ở trường, ở lớp. Nói đến đây, người viết chợt nhớ lại câu chuyện ngày nhận bằng tốt nghiệp ở trường đại học, sau khi trao bằng cho các sinh viên, người thầy giáo già đã nói: “Điểm số và tấm bằng này các em nhận ở đây chỉ ghi nhận mấy năm ngồi trên ghế dưới mái trường này mà thôi, sự khác biệt thật sự sẽ đến ở những năm sau này chứ không hẳn là tấm bằng tốt nghiệp các em nhận được hôm nay là loại giỏi hay kém”.
Nói vậy, không phải để cổ súy cho việc thiếu nỗ lực cố gắng trong học tập của các em học sinh và cộng đồng hay hạ thấp sự coi trọng vấn đề giáo dục của các gia đình… Có điều, xã hội cũng cần có những thay đổi về phương pháp giáo dục, nhất là giáo dục nghề nghiệp nhằm hướng nghiệp và phân luồng học sinh ở các cấp học phổ thông ngày càng hiệu quả hơn. Và để hạn chế tình trạng nhiều bằng cấp, chứng chỉ nhưng lại rất ít kiến thức và thiếu năng lực cũng như “thừa thày, thiếu thợ” thì hệ thống các cơ quan nhà nước, tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp… cũng cần phải thay đổi những tiêu chí đánh giá năng lực thực tế của mỗi cá nhân trong công tác tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực. Có như vậy mới khuyến khích phát triển năng lực thật, thực học, thực tài của cộng đồng.
Khát khao, mong muốn con mình được học hành đầy đủ, giỏi giang và xa hơn là tương lai nghề nghiệp, hạnh phúc của con cái là tâm lý chung của những người làm cha, làm mẹ. Nhất là ở Việt Nam, chuyện học hành của con cái luôn được các gia đình ưu tiên, người người, nhà nhà đều coi việc đầu tư cho giáo dục là vấn đề quan trọng hàng đầu. Theo đó là các hoạt động khuyến học từ Trung ương đến địa phương được thực hiện khắp nơi trong cả nước. Nhiều mô hình khuyến học hiệu quả từ gia đình, dòng họ, làng xóm được lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng cho thấy việc coi trọng học hành và truyền thống hiếu học của người Việt Nam thật đáng quý.
Nhưng thật sai lầm khi ép buộc con cái phải thực hiện những mong muốn, kì vọng của mình, thậm chí là can thiệp vào sở thích cá nhân hay so sánh, quy chụp năng lực giỏi và dốt qua điểm số, học lực của con một cách phiến diện, bởi không phải cứ điểm thấp, điểm kém đã là dốt. Năng lực của một con người không thể phản ánh hết qua thi cử; không phải học sinh nào cũng là bác học, vì có thể giỏi môn học này, việc này nhưng lại chưa chắc đã giỏi ở môn học khác, việc khác; không phải cứ điểm kém sẽ là đồ bỏ đi, là vô tích sự và khiến cho bố mẹ các em phải xấu hổ.
Nhà văn Di Linh đã từng công bố học bạ bảng điểm “học dốt” thời phổ thông của mình để minh chứng: “Điểm số trung bình không dẫn đến một cuộc đời bỏ đi”. Thực tế, năng lực của một người hay nói cách khác là vấn đề “giỏi và dốt” không hoàn toàn phụ thuộc vào điểm số của một số môn học, khóa học. Không ít người có điểm số không cao, thậm chí là học lực bình thường nhưng lại rất giỏi và thành công trong nhiều lĩnh vực nghề nghiệp khác nhau trong xã hội…
Thiết nghĩ, thay vì ép buộc, kì vọng con mình phải thế này, phải thế khác thì hãy quan tâm, chia sẻ và đồng hành với con là cách tốt nhất để phát hiện ra những điểm mạnh, điểm yếu cũng như năng khiếu thực sự của con là gì, qua đó động viên, khích lệ con phát triển đúng với khả năng của con. Có như vậy, không ai sẽ còn phải giữ tâm lý nặng nề trong chuyện “giỏi và dốt” của con mình. Câu chuyện “giỏi và dốt” cũng chỉ mang tính tương đối trong những phạm trù nhất định mà thôi, âu cũng chính là hạnh phúc ở đời vậy!
Khắc Trường
https://dangcongsan.vn/noi-hay-dung/gioi-va-dot-585003.html