Cơ bản khắc phục sự cố
Sau gần 20 ngày tập trung khắc phục sự cố cấp nước dẫn đến tình trạng nước đục tại khu vực cấp nước của 3 xã Lộc Thủy, Lộc Tiến, Lộc Vĩnh (huyện Phú Lộc), đến nay, tại bể lọc số 2 đã hoàn thành khắc phục sự cố. Công ty đang tiến hành kiểm tra, bảo trì bể số 4 và tiếp theo đó là bể số 5. Khu vực Nhà máy xử lý nước cơ động tại Thủy Yên cũng đã đi vào vận hành.
Mới đây, đoàn kiểm tra của Sở Xây dựng, Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn… kiểm tra và xác nhận, công suất lọc của Nhà máy nước Chân Mây đảm bảo yêu cầu.
Theo đại diện HueWACO, hiện sự cố đã được khắc phục hơn 98%, còn một số hộ dân ở các tuyến cuối đường ống công ty đang tiến hành kiểm tra, khắc phục.
Tuy nhiên, người dân thuộc khu vực cấp nước NM Chân Mây cho rằng, HueWACO chậm trong khắc phục sự cố khiến người dân phải sử dụng nguồn nước không đảm bảo vệ sinh trong thời gian dài. Người dân cũng không đồng tình việc lấy nguồn nước sông Thừa Lưu phục vụ cho việc cấp nước vì cho rằng nguồn nước này không đảm bảo. Đồng thời yêu cầu công ty có chính sách đền bù thỏa đáng. Theo người dân, phương án đền bù, giảm 40% tiền nước tháng 8/2021 đối với tất cả các khách hàng sử dụng nước cho mục đích sinh hoạt và theo mức độ ảnh hưởng các đơn vị sản xuất, kinh doanh (dự kiến 1 tỷ đồng) chưa hợp lý.
Một số hộ dân cho rằng, chất lượng nước sau xử lý và nước nguồn phải có đoàn kiểm tra độc lập, cơ quan kiểm tra, thanh tra, điều tra đánh giá và công bố một cách độc lập chứ không phải công ty tự công bố.
Sau khi tiếp nhận thông tin và tập trung khắc phục sự cố cấp nước, HueWACO tìm kiếm các biện pháp bổ sung nguồn cấp nước cho NMN Chân Mây. Đơn vị có văn bản đề xuất UBND tỉnh cho phép đầu tư xây dựng nhà máy cơ động công suất 3.000-5.000 m³/ngđ, lấy nguồn nước từ hồ Thủy Yên. Từ ngày 1/8 đến ngày 6/8/2021, Công ty huy động hơn 100 công nhân thi công khẩn cấp NM xử lý nước cơ động công suất 2.400m³/ngđ và tuyến ống D225 HDPE dài 3km, bổ sung nguồn cấp cho khu vực.
Kiểm tra mẫu nước
Theo ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO, công ty đã huy động 120 CBCNV đến nhà 2.500/8.00 hộ dân 3 xã trên và thị trấn Lăng Cô để giải thích nguyên nhân, xin lỗi khách hàng, lắng nghe tâm tư nguyện vọng của người dân để có những giải pháp phù hợp nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ.
Tìm nguồn nước thay thế
Trước đây, NMN Chân Mây chủ yếu sử dụng nguồn nước từ suối Voi (56%) và suối Pauger (44%) với công suất trung bình 8.000 m3/ngđ. Những năm gần đây, tình trạng biến đổi khí hậu khiến chất lượng và lưu lượng nguồn nước suy giảm (từ 50-70%), nhất là vào thời gian cao điểm nắng nóng mùa hè. Ứng phó tình trạng thiếu hụt nước nguồn trầm trọng vào mùa khô hạn, HueWACO đã khảo sát nhiều phương án để bổ sung nguồn cấp cho NM Chân Mây, trong đó có nguồn nước khe Thầy, hầm Hải Vân, sông Thừa Lưu… Tuy nhiên việc lấy nước từ khu vực khe Thầy, hầm Hải Vân chưa được người dân đồng thuận nên HueWACO không thể khai thác được nguồn nước này.
Ông Trương Công Nam, Chủ tịch HĐQT HueWACO chia sẻ, để đảm bảo cấp nước an toàn, an ninh nước và bền vững cho toàn tỉnh, nhất là vùng kinh tế trọng điểm Chân Mây – Lăng Cô, HueWACO đã đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan chức năng tiến hành đánh giá chất lượng nguồn nước sông Thừa Lưu trong việc phục vụ sản suất nước sạch tại nhà máy nước Chân Mây để thông tin đến người dân và khách hàng.
Theo ông Nam, tuy công ty đã lắp đặt NMN cơ động Thủy Yên 2.400 m3/ngđ, nhưng với tình trạng nắng hạn kéo dài như hiện nay, việc ngưng sử dụng nguồn nước sông Thừa Lưu theo ý kiến của người dân sẽ gây ra tình trạng thiếu nước trầm trọng (từ 2.000 đến 3.000m3/ngđ), có thể buộc phải cấp nước luân phiên đối với khu vực này.
Hoàn thành lắp đặt nhà máy xử lý nước cơ động Thủy Yên
Để đảm bảo cấp nước khi dừng lấy nước từ sông Thừa Lưu, công ty đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành liên quan và chính quyền địa phương cho phép HueWACO khoan thăm dò và khai thác nguồn nước ngầm để bổ sung nguồn nước cho NM Chân Mây khi cần thiết; đồng ý chủ trương đầu tư NMN Thủy Yên công suất 12.500m³/ngđ lấy nước tại hồ Thủy Yên; tuyên truyền, vận động người dân khai thác nguồn nước từ các khe suối, trước mắt là nguồn nước từ Suối Mơ (thị trấn Lăng Cô, huyện Phú Lộc) để xây dựng nhà máy 2.000 m³/ngđ.
Nguyện vọng người dân về dừng lấy nước sông Thừa Lưu, hay cần có chính sách đền bù tốt hơn cho người dân hoàn toàn chính đáng. Tuy nhiên, quan trọng nhất hiện nay là tìm kiếm nguồn nước thay thế nguồn cấp cho NM Chân Mây.
Ông Trương Công Nam thừa nhận, “Để xảy ra sự cố nước đục tại Nhà máy Chân Mây là bài học đắt giá trong công tác quản lý cấp nước. Điều này nói lên các khó khăn, thách thức trong công tác quản lý ngành nước, vừa đòi hỏi chuyên môn, kinh nghiệm, tâm huyết, trách nhiệm, quản lý chuyên sâu vì chỉ cần một sai sót nhỏ sẽ gây ra hậu quả vô cùng lớn, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân. Công ty tiếp tục nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của người dân để phục vụ khách hàng tốt hơn”. "Công ty sẽ giảm khai thác nguồn nước sông Thừa Lưu và sẽ ngưng hẳn khi có các nguồn nước thay thế; sẵn sàng chi trả chi phí khám chữa bệnh nếu có các ca bệnh liên quan đến chất lượng nguồn nước có xác nhận của các cơ sở y tế", ông Nam nói thêm.
Bài, ảnh: Thảo Nguyên
https://baothuathienhue.vn/tim-nguon-cap-thay-the-cho-nha-may-nuoc-chan-may-a103320.html