Ấy là vào năm 1947, hưởng ứng Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giới tăng ni, phật tử cả nước đã dấy lên Phong trào “Cởi áo cà sa, khoác chiến bào”. Cụ thể hơn, vào ngày 27/2/1947, ở giữa mùa Xuân, tại chùa Cổ Lễ (Trực Ninh-Nam Định), dưới sự chủ trì của Hòa thượng Thích Thế Long-trụ trì chùa (sau này là Phó Chủ tịch Quốc hội khoá VII), 27 nhà sư đang tu tập tại chùa Cổ Lễ và các chùa khác ở tỉnh Nam Định đã gia nhập “Trung đội Phật tử”, cởi áo cà sa ra trận, trở thành các chiến sỹ Vệ quốc. Khi ấy, khích lệ tinh thần các nhà sư-chiến sỹ, Hòa thượng Thích Thế Long đã nói rằng: “Giặc ngoại xâm đe dọa chủ quyền đất nước, bọn ác quỷ lăm le ngay cửa Phật, Phật pháp bất ly thế gian. Khi sơn hà nguy biến, dân chúng điêu linh, các Phật tử cũng tham gia đánh giặc cứu nước...”.
Theo lời kể của Đại tá Đinh Thế Hinh (quê xã Xuân Thành, huyện Xuân Trường, tỉnh Nam Định, nguyên là Chính ủy Trung đoàn 542 thuộc Bộ tư lệnh Trường Sơn), ở thời điểm năm 1947 ông chính là Đại đức Thích Pháp Lữ, tu tập tại chùa Cổ Lễ và là một trong số 27 nhà sư đầu tiên nhập ngũ.
Sau khi cởi áo cà sa ra trận, những năm 1950-1951, ông được cấp trên cử làm Đội trưởng Đội Võ trang tuyên truyền, có nhiệm vụ luồn sâu vào vùng địch tạm chiếm, thuyết phục diệt tề trừ gian ở vùng Bùi Chu (Xuân Trường, Nam Định). Kháng chiến chống Pháp thắng lợi, trong vai trò một quân nhân, ông lại tiếp tục trường chinh, cùng cả dân tộc đi đến thắng lợi cuối cùng của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, thống nhất đất nước. Nhiều người trong số 27 nhà sư trên cũng chọn đi chung con đường ấy. Đất nước sạch bóng quân thù, nhiều người trong số họ lại trở về chùa tu tập…
Câu chuyện đẹp đẽ, thể hiện sinh động truyền thống, tinh thần Phật giáo đồng hành cùng dân tộc, “bất ly thế gian” ấy thời gian qua lại được giới tăng ni cả nước “viết lại”, ngay trong những ngày này, khi cả đất nước đã và đang phải dồn lực cho cuộc chiến phòng, chống đại dịch Covid-19, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”.
Với tinh thần ấy, giới tăng ni cả nước đã và đang có nhiều hoạt động hết sức thiết thực như vận động, tuyên truyền phật tử thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch; vận động, quyên góp hỗ trợ thiết bị cho các cơ sở điều trị bệnh nhân Covid-19, dành cơ sở thờ tự phục vụ việc cách ly, quyên góp tiền, lương thực, thực phẩm giúp người dân trong lúc khó khăn.
Và, mới đây là việc sư tăng ở nhiều địa phương viết đơn tình nguyện vào các vùng tâm dịch hỗ trợ bệnh nhân Covid-19 đang được điều trị tại các bệnh viên dã chiến. Trong đó, cách đây ít ngày sư tăng ở Nam Định là những sư tăng đầu tiên ở miền Bắc đã lên đường vào Nam, cụ thể là vào tỉnh Long An thực hiện mục đích cao cả, thiết thực, viết tiếp truyền thống đồng hành cùng dân tộc, viết tiếp tinh thần nhập thế của Phật giáo.
Đất nước đang thực sự gặp khó khăn vì đại dịch nhưng khi có sự đoàn kết, chung sức, đồng lòng phòng, chống của mọi người, mọi nhà, mọi ngành, mọi giới, các tôn giáo, chúng ta tin tưởng đất nước sẽ vượt qua, đẩy lùi đại dịch. Bởi lẽ, chiến thắng từ sức mạnh, tinh thần đoàn kết đã nhiều lần được chứng minh trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc.