Có lần, tôi đến thăm gia đình một người bạn, mặc dù có định vị của Google map nhưng tôi vẫn phải hỏi đường người dân, kỳ thực khu nhà anh bạn tôi rất đẹp và ấn tượng vì có nhiều cây xanh và hoa, nhưng ấn tượng khó quên nhất đối với tôi lại là câu nói “khu nhà quan chức, khu nhà giàu” mà những người chỉ đường đã nói với tôi về khu nhà của anh bạn tôi ở. Vừa đến nơi, tôi kể lại với anh bạn về câu chuyện của những người chỉ đường đã nói, anh bạn tôi cười và xác nhận đúng là có chuyện đó. Người dân quanh đây họ vẫn nói thế, chứ thực tình cũng không biết từ bao giờ, do vô tình hay hữu ý mà cái danh“khu nhà quan chức, khu nhà giàu” lại được dư luận “gắn mác” cho không chỉ riêng khu này đâu.
Tôi gặng hỏi anh bạn, vậy có thật khu nhà anh là“khu nhà quan chức, khu nhà giàu” hay chỉ là tin đồn? Bạn tôi trả lời: Cả hai, vừa có thật, vừa là tin đồn, hiểu thế nào cũng được. Đúng là cư dân ở khu này có khá nhiều những doanh nhân như tôi và cũng có cả những cán bộ, quan chức ở đây. Nhưng chức vụ cụ thể của những cán bộ, quan chức ở đây thì cũng chẳng biết, chỉ nghe nói họ là cán bộ, đảng viên. Nhà của họ to, đẹp và có giá trị nhiều tiền đấy, còn vấn đề sở hữu tài sản thì khó để biết họ có phải là chủ, là người đứng tên tài sản hay không, vì thế cũng khó để nói rằng họ làm quan chức thì mới giàu như vậy. Mà nói thật nhé, có ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo đâu. Họ giàu thì cũng là chuyện bình thường, sao cứ phải tranh cãi làm gì nhỉ?
Ừ, cũng phải, anh bạn tôi nói cũng có lý. Đúng là không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo, nhưng tôi cứ suy nghĩ mãi về câu nói “khu nhà quan chức, khu nhà giàu”. Liệu đây có phải là biểu hiện của sự phân hóa giàu, nghèo đơn thuần trong xã hội ở một đất nước đang phát triển - một trong những vấn đề nan giải và thách thức với sự lựa chọn mô hình phát triển kinh tế đối với không chỉ riêng quốc gia nào trên thế giới? Hay nó chỉ là sự phân biệt có tính bề nổi về sự chênh lệch cách biệt trong sở hữu của cải vật chất giữa một bộ phận quan chức, cán bộ, đảng viên so với người dân mà thôi? Nếu như vậy thì cũng có nhiều điều rất đáng phải suy nghĩ…
Đành rằng, bất cứ quốc gia nào trên thế giới cũng vậy, thuật ngữ khu nhà giàu và khu nhà nghèo vẫn được dùng. Sự phân biệt này nói về vấn đề bất bình đẳng thu nhập (khoảng cách giàu, nghèo) trong xã hội xuất hiện ở hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, câu nói “khu nhà quan chức, khu nhà giàu” dưới góc nhìn của những người chỉ đường ở câu chuyện nêu trên lại mang hàm ý phản ánh cái giàu được gắn với cán bộ, quan chức, chứ không đơn thuần chỉ là sự phân biệt giàu, nghèo trong xã hội.
Dư luận cho rằng, không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo, nhưng với mức lương nhà nước hiện nay mà "giàu nhanh" là bất thường… Không ít lần, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cảnh báo về những biểu hiện suy thoái, những cái giàu “bất thường”, “thu nhập” thiếu minh bạch của một bộ phận cán bộ, đảng viên là một thực tế đang hiện hữu trong xã hội. Vì nếu chỉ thu nhập bằng tiền lương thì làm sao có thể giải thích cho lối sống xa hoa hoặc sở hữu những khối tài sản đồ sộ của một bộ phận cán bộ, đảng viên suy thoái đã từng bị báo chí, truyền thông chỉ mặt, điểm tên.
Thử làm một phép tính về thu nhập bằng tiền lương của Bộ trưởng để có góc nhìn khách quan hơn về thu nhập và kê khai tài sản của đội ngũ cán bộ, quan chức ở nước ta. Cụ thể, hiện nay với lương bậc 1 có hệ số 9,7 nhân với lương cơ sở 1.490.000 đồng cho ra mức lương Bộ trưởng mỗi tháng là 14.453.000 đồng. Với hệ số lương bậc 2 có hệ số 10,3 nhân với lương cơ sở 1.490.000 đồng ra mức lương Bộ trưởng mỗi tháng là 15.347.000 đồng. Như vậy, nếu không tính các khoản phụ cấp ngoài lương thì mức lương Bộ trưởng khoảng 15 triệu đồng mỗi tháng (làm tròn số), tương đương mỗi năm là 180 triệu đồng. Với điều kiện không ăn tiêu, sử dụng đến tiền lương thì một người cần 30 năm làm Bộ trưởng để mua được căn nhà 5,4 tỷ đồng và 100 năm làm Bộ trưởng để mua căn nhà 18 tỷ đồng.
Hẳn là không ai làm Bộ trưởng 30 năm hay 100 năm để mua những căn nhà có giá trị như nêu trên, nhưng nếu soi chiếu vào những căn nhà của một bộ phận cán bộ, quan chức hiện đang sở hữu thì đúng là người ta phải mất hàng trăm năm làm Bộ trưởng mới có thể tích lũy tiền lương để mua được những căn nhà như họ đã và đang sở hữu. Thực tế cho thấy, mặc dù không phải là Bộ trưởng, nhưng không ít cán bộ, quan chức lại sở hữu những tài sản, nhà cửa, đất đai… có giá trị nhiều tỷ đồng ở những khu đô thị, khu dân cư mà dư luận vẫn nói là “khu nhà quan chức, khu nhà giàu” như câu chuyện kể trên thì chắc chắn họ phải có thu nhập khác ngoài lương.
Quả là khó lý giải, nếu không có thu nhập khác ngoài lương thì một bộ phận cán bộ, quan chức làm sao lại có thể sở hữu những tài sản có giá trị nhiều tiền đến vậy. Chắc chắn phải có thu nhập ngoài lương đến từ chính những cán bộ, quan chức hoặc những người còn lại trong gia đình (vợ/chồng, con cái) mới có thể chứng minh cho những tài sản, nhà cửa, đất đai… mà họ sở hữu. Đây là một thực tế hiển nhiên, cho dù họ có kê khai hay không, hoặc tính minh bạch trong kê khai của cán bộ, đảng viên thuộc diện phải kê khai có đáng tin cậy hay không.
Có lẽ cái mà dư luận băn khoăn chính là vấn đề công khai thu nhập, minh bạch trong kê khai tài sản và tính trung thực của cán bộ, quan chức chứ không ai bắt cán bộ, quan chức phải nghèo, xã hội cũng không ủng hộ câu chuyện cán bộ, đảng viên phải nghèo. Vì thế mà không ít ý kiến cho rằng, trong thời buổi này, bất luận người cán bộ, đảng viên có chuyên môn là gì, phụ trách công vụ gì đi chăng nữa, nhưng nếu họ có cuộc sống nghèo nàn hoặc không lo được cho bản thân và gia đình mình thì khó mà có tiếng nói và lãnh đạo được người khác. Đúng vậy, quần chúng nhân dân chỉ nghe và tin vào những người có uy tín, trung thực, gương mẫu và có thành tựu trong cuộc sống, chứ họ không tin những người thất bại hoặc không mấy thành công trong việc tề gia mà lại đi "vác tù và hàng tổng", như vậy có khác gì chỉ nói giỏi chứ không biết làm, chỉ giỏi lý thuyết suông, giáo điều chứ không biết vận dụng vào thực tiễn.
Xã hội luôn coi trọng và ghi nhận những tác động tích cực của đội ngũ cán bộ, đảng viên có tư duy năng động, biết làm kinh tế giỏi và trở thành những tấm gương tiêu biểu đối với quần chúng nhân dân. Thực tế đã có không ít những điển hình về đội ngũ cán bộ, đảng viên vừa giỏi việc nước vừa giỏi việc nhà được khen thưởng, tuyên dương kể từ khi có Quy định số 15-QĐ/TW ngày 28/8/2006 của Ban Chấp hành Trung ương khóa X cho phép đảng viên làm kinh tế tư nhân. Quy định này đã "cởi trói", tháo gỡ những khó khăn cho không ít người khi phải đứng trước sự lựa chọn làm kinh tế tư nhân hay trở thành đảng viên.
Quy định số 15-QĐ/TW cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong thực hiện chính sách phát triển kinh tế nhiều thành phần, đặc biệt là thành phần kinh tế tư nhân, coi các thành phần kinh tế bình đẳng trước pháp luật, không phân biệt đảng viên chỉ được làm ở thành phần kinh tế này và không được làm ở thành phần kinh tế kia. Có thể khẳng định, Quy định số 15-QĐ/TW đã mở ra tiền đề quan trọng nhằm khuyến khích đội ngũ cán bộ, đảng viên phát triển tư duy nhạy bén, năng động, sáng tạo và khả năng nắm bắt thời cơ trong thực thi công vụ cũng như trong các hoạt động đời sống kinh tế - xã hội, qua đó có thể gia tăng thu nhập cho mình và làm giàu cho gia đình một cách chính đáng.
Không ai bắt cán bộ, đảng viên phải nghèo! Nhưng đòi hỏi người cán bộ, đảng viên phải có bản lĩnh, luôn phải soi lại bản thân mình, soi lại những việc mình làm, tự sửa chữa khuyết điểm, tự điều chỉnh hành vi và các hoạt động công vụ, trong cuộc sống của mình, của gia đình, vợ, chồng, con và người thân; thực hiện tốt việc tự phê bình không chỉ trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao mà trong đời sống sinh hoạt thường ngày cũng phải luôn gương mẫu; nghiêm túc thực hiện Quy định 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm, qua đó thực sự xứng đáng với sự tin yêu của quần chúng nhân dân dành cho đội ngũ cán bộ, đảng viên; giương cao ngọn cờ tiên phong “Đảng viên đi trước, làng nước theo sau” , làm cho Đảng ngày càng vững mạnh trong lòng nhân dân./.