Tuy nhiên, nếu nhìn dưới góc độ khách quan, từ nhiều khía cạnh khác nhau thì cán bộ, đảng viên cũng là con người, là công dân và tất nhiên mọi công dân thì đều bình đẳng trước pháp luật. Trong đó, bình đẳng về thu nhập và các hoạt động kinh tế đã được pháp luật quy định rõ: “Người dân được làm những việc pháp luật không cấm. Cán bộ, đảng viên được làm những việc pháp luật cho phép”. Như vậy câu chuyện cán bộ, đảng viên có khả năng nắm bắt nhạy bén thời cuộc, năng động trong công tác cũng như trong các hoạt động kinh tế và có sở hữu tài sản lớn cũng là chuyện bình thường, nếu tài sản đó có nguồn gốc rõ ràng, minh bạch và hợp pháp.
Chiểu theo điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam, đảng viên là những người ưu tú được quần chúng nhân dân tín nhiệm; có kiến thức, trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức…, những tiêu chuẩn này cho thấy, về lý thuyết thì đảng viên phải có những tư chất nổi trội hơn so với quần chúng nhân dân ở mặt nào đó để gánh vác, đảm nhiệm vai trò lãnh đạo quần chúng nhân dân. Vì thế, cán bộ, đảng viên nếu có những năng lực hơn người cũng là dễ hiểu, hay việc họ làm kinh tế giỏi cũng không có gì lạ.
Nhưng tại sao dư luận xã hội lại không tin, hoặc vẫn hoài nghi về chuyện cán bộ, đảng viên có tư duy nhạy bén và sự năng động trong phát triển kinh tế tư nhân để trở nên giàu có. Dư luận cho rằng sự giàu có của một bộ phận cán bộ, đảng viên phần lớn là do liên quan đến tiêu cực, do tham nhũng mà có, chứ ít ai thừa nhận sự giàu có của đội ngũ cán bộ, đảng viên là do tài năng của họ.
Thực tình thì ai mà biết được tài sản “tiền nghìn bạc vạn”, nhà cửa, xe cộ của người khác như thế nào, nguồn gốc do đâu mà có, nhất là của đội ngũ cán bộ, đảng viên. Dư luận thì cũng chỉ là phỏng đoán, chứ cụ thể thì cũng chẳng mấy ai rõ người khác làm chức vụ gì, sao họ lại giàu đến vậy… Thực tế trong xã hội đã tồn tại luồng thông tin mang tính quy ước về sự giàu – nghèo: Hễ nói đến giàu thì người ta thường chỉ nghĩ tới quan chức nhà nước, hoặc những doanh nhân chứ mấy ai đề cập tới số đông những người làm công ăn lương trong xã hội. Như vậy sự bất bình đẳng về thu nhập và sở hữu tài sản trong xã hội được đề cập ở đây có thêm sự góp mặt của một bộ phận là cán bộ, quan chức.
Phải chăng những đặc quyền, đặc lợi của cán bộ, đảng viên là có thật và câu nói “một người làm quan cả họ được nhờ” dường như vẫn chưa bị lỗi thời? Dư luận cho rằng, không ít cán bộ, đảng viên có chức có quyền ngày nay, không những giàu có mà vợ/chồng, con cái, họ hàng, người thân cũng được hưởng lợi, hưởng lộc…, ấy là những bàn tán của dư luận về những thứ bề nổi trong xã hội. Chắc hẳn cũng không thiếu cả những chuyện có thể ít nhiều đã bị thêu dệt, bị thổi phồng hoặc bịa đặt, thị phi, nhưng cũng khó mà trách được dư luận, khi mà sự minh bạch về “thu nhập ngoài lương” của đội ngũ cán bộ, đảng viên vẫn còn là những “bí ẩn”.
Đúng là "bí ẩn”, vì thế người ta chỉ có thể đoán già, đoán non, chứ không ai dám khẳng định sự giàu có của đội ngũ cán bộ, đảng viên là do đâu, được hình thành từ nguồn nào, phải chăng một trong những nguồn để “hình thành” nên “tiền nghìn bạc vạn” của một bộ phận cán bộ, đảng viên là từ các dự án, từ luật bất thành văn (luật ngầm), tỉ lệ phết phẩy, phần trăm (%), sân sau, lợi ích nhóm… Dĩ nhiên, tiền từ dự án không thể tự chảy thẳng vào túi của những cán bộ, đảng viên suy thoái, mà nó được thông qua các nhà thầu, ban quản lí dự án… Dư luận không phải là không có lý khi đề cập về những cái giàu “bí ẩn” và “bất thường”, chứ không ai lên án cán bộ, đảng viên làm giàu theo cách chân chính.
Không ai cấm cán bộ, đảng viên giàu hơn dân, nếu làm giàu bằng sự năng động, sáng tạo để tạo ra của cải vật chất, góp phần làm giàu cho xã hội, cho đất nước thì phải được khuyến khích nhân rộng. Nhưng thật đáng tiếc, thay vì làm giàu chính đáng thì đã có không ít những cái “giàu bất thường” liên quan đến hàng loạt cán bộ, quan chức bị phát hiện từ những vụ án kinh tế, tham nhũng, hối lộ khiến người ta phải giật mình bởi những thứ được gọi là “quà biếu” hàng triệu đô la… hay hiện tượng không ít cán bộ, đảng viên có mặt ở đủ những nơi xa hoa, ăn chơi xa xỉ, con cái du học, mua nhà ở nước ngoài bằng những nguồn tiền nào thì hẳn vẫn là “bí ẩn”…
Thiết nghĩ, để tránh hoài nghi của dư luận, nhất định phải thực hiện có hiệu quả và thực chất hơn nữa Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị… nhằm góp phần ngăn ngừa tham nhũng, câu kết tham nhũng không chỉ trong khu vực công mà cả trong khu vực tư nhân, đây là một trong những giải pháp quan trọng nhằm củng cố niềm tin của Nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng.
Cần nghiêm túc thực hiện Quy định 37-QĐ/TW về 19 điều đảng viên không được làm; nhất là trách nhiệm nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục nhấn mạnh vấn đề xây dựng Đảng về đạo đức, trong đó cán bộ, đảng viên phải “tự giác nêu gương” là một trong những luận điểm quan trọng. Phải kiên quyết, kiên trì, bền bỉ, tiếp tục đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết TW4 (Khóa XI, XII) và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25/10/2021 của Ban Chấp hành Trung ương về đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị; kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hoá”.
Đặc biệt, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải thường xuyên trau dồi năng lực, phẩm chất đạo đức, tư cách người cán bộ; tự giác rèn luyện, tu dưỡng, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh theo Chỉ thị 05 -CT/TW; khắc phục những hạn chế, tồn tại mà Kết luận số 01-KL/TW của Bộ Chính trị khóa XIII đã nêu, đó là: “Việc tu dưỡng, rèn luyện, làm theo Bác, nhất là trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt người đứng đầu, chưa thường xuyên; một số cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, vi phạm các quy định của Đảng, vi phạm pháp luật”. Theo đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên phải không ngừng xây dựng lòng tin, hình ảnh đẹp về sự tận tụy cống hiến vì cộng đồng cũng như sự năng động trong phát triển kinh tế nhưng tuyệt đối không để mắc phải những sai lầm và sa vào chủ nghĩa cá nhân với những cám dỗ tiền bạc, của cải vật chất thái quá.
Mặt khác, nhà nước cần có lộ trình để vận hành, duy trì xã hội “không tiền mặt” góp phần hạn chế tình trạng tham ô, tham nhũng của đội ngũ cán bộ, lãnh đạo, quản lý trong bộ máy nhà nước cũng như trong nền kinh tế nói chung. Tăng cường rà soát, kiểm soát tốt công tác kê khai thu nhập, minh bạch về tài sản của đội ngũ cán bộ, đảng viên, tiếp nhận thông tin của quần chúng nhân dân, phát huy vai trò của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội, khu dân cư nơi cán bộ, đảng viên cư trú.
Nhất định phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học và công nghệ trong mọi hoạt động của xã hội, nhất là trong quản trị nhà nước; vận hành hiệu quả Chính phủ điện tử, hướng tới Chính phủ số và nền kinh tế số. Ứng dụng công nghệ thông tin để tích hợp và đồng bộ dịch vụ công nhằm công khai minh bạch mọi cơ chế, chính sách; đẩy nhanh hoàn thiện thể chế, cơ chế để “không thể, không dám, không muốn và không cần tham nhũng” tồn tại trong xã hội; có biện pháp quản lý sự minh bạch nguồn gốc tài sản trong sở hữu và giao dịch toàn xã hội chứ không chỉ dừng lại việc kiểm soát đối với riêng đội ngũ cán bộ, đảng viên.
Đảng, Nhà nước ta luôn khuyến khích toàn dân cùng nhau đoàn kết, khơi dậy khát vọng làm giàu chính đáng với tinh thần quốc gia khởi nghiệp, nhà nhà khởi nghiệp, người người khởi nghiệp…, theo đó, đội ngũ cán bộ, đảng viên không phải là ngoại lệ. Không ai cấm cán bộ, đảng viên giàu! Nhưng đội ngũ cán bộ, đảng viên cần phải thay đổi tư duy trong thực thi chức trách, nhiệm vụ được giao với tinh thần kiến tạo và phục vụ nhân dân; phát huy tính sáng tạo, năng động trong các hoạt động kinh tế để làm giàu cho gia đình và xã hội, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tất nhiên, tư duy và hành động làm giàu phải bằng cách chân chính, chứ không phải bất chấp tất cả, vi phạm kỷ luật của Đảng, pháp luật của Nhà nước để làm giàu bất hợp pháp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhấn mạnh: “Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu; Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất!" Tục ngữ có câu: “Trăm năm bia đá cũng mòn. Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ” hay “Hùm chết để da, người ta chết để tiếng”…, dĩ nhiên, đã là con người thì ai cũng mong muốn mình để lại “tiếng thơm” ở đời chứ không ai muốn để lại “tiếng xấu” bao giờ, ấy thế mà vẫn có không ít người lại không vượt qua được những cám dỗ tiền bạc… để rồi phải đánh đổi biết bao sự nỗ lực, cố gắng phấn đấu, giữ gìn nhưng bỗng chốc hóa tay không, chẳng khác gì “Mua danh ba vạn, bán danh ba đồng”. Thật trớ trêu thay, khoảng cách giữa “danh tiếng” với “tai tiếng” lại mong manh đến thế, đôi khi đứng trước “danh và lợi” người ta lại không dễ dàng để trọn vẹn cả đôi đường.
Tuy nhiên, chúng ta có quyền để lựa chọn những giá trị sống, giá trị của hạnh phúc… Đúng như phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng: “Hạnh phúc của con người không phải chỉ ở chỗ nhiều tiền, lắm của, ăn ngon, mặc đẹp, mà còn ở sự phong phú về tâm hồn, được sống giữa tình thương và lòng nhân ái, lẽ phải và công bằng”.
Không ai cấm cán bộ, đảng viên giàu! Quy định của Đảng cũng như pháp luật của nhà nước không cấm cán bộ, đảng viên giàu hơn dân, nhưng khi tham gia các hoạt động kinh tế và làm giàu nhất định phải thượng tôn pháp luật, bất cứ ai cũng phải tuân thủ các quy định của pháp luật hiện hành. Ngoài ra đội ngũ cán bộ, đảng viên còn phải chịu sự điều chỉnh và tuân thủ các giới hạn cho phép bởi các Quy định của Đảng cũng như các văn bản quy phạm pháp luật: Luật Cán bộ, công chức; Luật Viên chức; Luật Phòng, chống tham nhũng... vì thế, đội ngũ cán bộ, đảng viên cần nhận thức sâu sắc để không phải hối hận khi đã quá muộn màng./.