Năm 2021 đang dần qua đi, người dân cả nước vẫn chưa thể quên những hậu quả do đợt dịch COVID-19 lần thứ 4 gây ra. Đặc biệt, sau kỳ nghỉ Lễ 30/4 và 01/5/2021, dịch bệnh đã diễn biến phức tạp ở nhiều địa phương, cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người. Không riêng Việt Nam, hàng loạt quốc gia trên thế giới cũng chứng kiến sự “trỗi dậy” của COVID-19 sau những đợt nghỉ lễ, các lễ hội truyền thống. Bởi nghỉ lễ dài ngày thường dẫn đến tâm lý “xả hơi”. Hơn nữa, người dân thường có thói quen tụ họp, tập trung đông người trong các dịp lễ, tết. Đặc biệt, trong điều kiện phần lớn người dân đã được tiêm đủ 02 mũi vaccine phòng COVID-19, nhiều người khó tránh khỏi tư tưởng chủ quan, xem nhẹ các quy định phòng, chống dịch. Đây chính là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến việc số lượng ca mắc COVID-19 thường gia tăng đột biến sau các kỳ nghỉ lễ.
Trước thềm kỳ nghỉ Tết Dương lịch 2022 (kéo dài 03 ngày) và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, nhiều ý kiến cho rằng Chính phủ và các địa phương cần có quy định cụ thể để hạn chế nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Theo các chuyên gia, khi thay đổi chiến lược từ “zero COVID” sang sống chung an toàn với COVID-19 thì việc tăng số ca bệnh là điều dễ hiểu. Nhiều trường hợp nhiễm virus không có triệu chứng, vì thế trong tiếp xúc hằng ngày rất khó để nhận biết người đối diện hay bản thân mình có mang mầm bệnh hay không. Nguy cơ này sẽ càng gia tăng trong các kỳ nghỉ lễ. Do đó, thay vì tụ tập đông người, các gia đình nên nghỉ ngơi tại nhà; hạn chế tối đa việc tập trung, giao lưu nhiều người. Hãy biến kỳ nghỉ lễ, tết thành khoảng thời gian quây quần đầm ấm bên gia đình nhỏ của mình; qua đó, vừa thêm gắn kết tình thân, vừa giúp bảo đảm sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Trao đổi với báo chí, ông Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế khuyến cáo mọi người nên “tránh tụ tập, liên hoan, giảm số người trong các buổi hội họp”.
Thực tế, rút kinh nghiệm từ đợt nghỉ lễ 30/4 và 01/5, nhiều địa phương đã chủ động có những quy định mới để hạn chế tình trạng người dân tập trung đông người. Điển hình là tại Thủ đô Hà Nội, UBND TP Hà Nội đã quyết định, trong dịp Tết Dương lịch tới đây sẽ không tổ chức bắn pháo hoa cũng như các điểm biểu diễn văn hóa nghệ thuật và đếm ngược (countdown) chào năm mới 2022. Quyết định này được đưa ra để đảm bảo công tác phòng, chống dịch trên địa bàn. Thay vào đó, Hà Nội sẽ tổ chức một số hoạt động trực tuyến để chào đón năm mới; quay trước chương trình biểu diễn nghệ thuật "Rực rỡ sắc xuân" phát trên đài truyền hình địa phương vào tối ngày 31/12.
Trước đó, Bộ Y tế cũng đề nghị xem xét dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết, vui chơi, lễ hội, tôn giáo tại địa phương có nguy cơ bùng phát dịch. Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng chỉ đạo, để thực hiện hiệu quả mục tiêu “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh”, các địa phương… không tổ chức các hoạt động tập trung đông người, nhất là vào dịp Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Dư luận đánh giá cao những chỉ đạo, quy định nói trên. Điều đó đã cho thấy tinh thần chủ động, quyết liệt trong phòng, chống dịch COVID-19. Các chỉ đạo, quy định đó càng có ý nghĩa trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn ghi nhận số mắc COVID-19 hằng ngày trong cộng đồng; nhất là tại các địa phương có mật độ dân cư cao, giao thương, đi lại lớn như Hà Nội. Đặc biệt vừa qua, TP Hà Nội đã ghi nhận trường hợp đầu tiên mắc biến thể Omicron.
|
Phòng, chống dịch COVID-19 chỉ thực sự có hiệu quả trên cơ sở ý thức trách nhiệm của mỗi người dân. (Ảnh: PV). |
Tuy nhiên, ở góc nhìn khác, “nỗi lo nghỉ lễ” liên quan đến dịch COVID-19 chỉ thực sự được giải tỏa trên cơ sở ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân. Mặc dù đến nay, Việt Nam đang là một trong 10 nước có tỷ lệ tiêm chủng vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới, nhưng sự lo lắng về nguy cơ dịch bệnh vào các dịp lễ, tết như Tết dương lịch, Tết Nguyên đán… là hoàn toàn có cơ sở. Nhiều quốc gia trên thế giới đã và đang đối mặt với tình trạng “siêu lây nhiễm” do biến chủng mới Omicron xuất phát từ các hoạt động tập trung đông người. Vì vậy, mỗi người dân cần đề cao ý thức trách nhiệm; hạn chế đến nơi công cộng, tập trung đông người; không được chủ quan, lơ là; luôn đề cao cảnh giác phòng, chống dịch. Mỗi người, trong mọi hoàn cảnh cần thực hiện triệt để khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang và giữ khoảng cách an toàn.
Đồng thời, các cơ chức năng, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức; tăng cường công tác kiểm tra, chấn chỉnh, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm quy định về phòng, chống dịch; quan tâm bảo đảm nhu cầu vật chất, văn hóa tinh thần của người dân trong các dịp nghỉ lễ như Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán…
Người dân vừa là trung tâm, vừa là chủ thể trong “cuộc chiến” phòng, chống dịch COVID-19. Cùng với sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, chỉ khi người dân tích cực, chủ động phòng, chống dịch từ những việc làm nhỏ nhất, thì công tác phòng, chống dịch COVID-19 mới bảo đảm hiệu quả.
Vui lễ, tết là quyền lợi và mong muốn chính đáng của môiĩ người. Song sẽ không ai muốn vì niềm vui của cá nhân lại khiến dịch bệnh tái bùng phát bởi dịch COVID-19 được khống chế như hiện nay là thành quả được đánh đổi bằng công sức, mồ hôi và cả tính mạng của rất nhiều người thuộc các lực lượng trên tuyến đầu chống dịch. “Nỗi lo nghỉ lễ” chỉ thực sự không còn khi mỗi người có trách nhiệm với sức khỏe của chính mình, gia đình và sự an toàn của cộng đồng, xã hội./.