Trước khi trả lời câu hỏi đó, xin mỗi chúng ta, hãy bình tĩnh để suy nghĩ. Đã có hàng chục nghìn đồng bào ta không còn được ăn thêm một cái tết, hàng nghìn đứa trẻ mồ côi bởi COVID; thiệt hại về kinh tế, xã hội thì chưa thể thống kê được. Hãy nhớ, ông bà, cha mẹ ta nhiều người mắc bệnh nền, các cháu nhỏ chưa được tiêm vắc xin. Hiện nay, biến chủng Omicron lại đang xâm nhập vào các tỉnh thành nước ta với tốc độ lây lan gấp hàng vài chục lần chủng thông thường và có khả năng làm suy yếu hiệu quả của vắc xin; biến chủng mới cũng mới được phát hiện. Nếu cộng đồng có nhiều người mắc sẽ gây quá tải hệ thống y tế, đặc biệt vùng nông thôn, và sẽ dẫn đến số người tử vong tăng cao.
Theo đánh giá của các chuyên gia, hiện nay dịch COVID vẫn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường và vẫn đang hết sức nghiêm trọng. Hơn nữa, thực tế dịch bệnh ở nhiều nước cho thấy, dù dân chúng đã được tiêm phòng mũi thứ 3, thứ 4, thì thiệt hại về người và của do COVID vẫn đang tiếp tục gia tăng, họ vẫn phải áp dụng các biện pháp hạn chế. Và phải hiểu rằng, số ca nhiễm COVID được thống kê hàng ngày chắc chắn chưa phải là số cuối cùng bởi sẽ còn rất nhiều ca nhiễm trong cộng đồng chưa bị phát hiện. Ai cũng có thể trở thành F0, ai cũng có nguy cơ trở thành nguồn lây nhiễm cho gia đình, bố mẹ, họ hàng, thậm chí là nguồn lây cho quê hương, địa phương.
Điều may mắn là đến nay, ở nước ta, tỷ lệ người trên 18 tuổi và trẻ em từ 12-18 tuổi đã tiêm phòng vắc xin cao, tỷ lệ người mắc COVID trở nặng giảm rất nhiều. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát dịch hiệu quả. Chính phủ không cấm, địa phương cũng không cản trở các hoạt động đi lại của người dân, nhưng phải hiểu rằng, chúng ta đang “thích ứng an toàn, linh hoạt để kiểm soát dịch hiệu quả”, tức là chúng ta vẫn cần áp dụng những biện pháp để giảm thiểu sự lây lan của dịch bệnh, giảm thiểu sự tiếp xúc giữa người nhiễm bệnh và người lành.
Dịch COVID vẫn gây ảnh hưởng rất lớn đến cuộc sống, hoạt động kinh tế của mỗi người dân cũng như của toàn xã hội. Nếu chẳng may mắc COVID, bản thân người nhiễm và gia đình họ phải cách ly; chính quyền phải quản lý, điều tra, truy vết người bệnh; hệ thống y tế phải quản lý, theo dõi, chăm sóc và điều trị nếu bệnh trở nặng. Do đó, giảm thiểu sự lây lan dịch bệnh là mục tiêu lớn nhất hiện nay.
“Quê hương nếu ai không nhớ/ Sẽ không lớn nổi thành người”. Những câu thơ của nhà thơ Đỗ Trung Quân càng trở nên da diết mỗi độ tết đến xuân về. Nhưng nếu biết yêu và bảo vệ quê hương, mỗi chúng ta hãy suy nghĩ kỹ trước khi sắp xếp hành lý về quê. Chúng ta có thể không ăn một cái tết cùng người thân và gia đình, có thể buồn một chút, có thể nhớ thật nhiều, nhưng sẽ chẳng thành vấn đề, bởi chúng ta có thể ăn tết, gặp mặt, chúc tết online cơ mà. Có một cái tết thật sự an toàn, không COVID với gia đình và người thân, thật hạnh phúc và vui vẻ biết bao!
“Dịch bệnh còn đang diễn biến hết sức phức tạp, khó lường. Cần ăn tết vui vẻ, tiết kiệm, hạn chế đi lại và tiếp xúc đông người, thực hiện tốt 5K để tránh lây lan dịch bệnh” – xin nhắc lại lời của PGS.TS Trần Đắc Phu, Nguyên cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, để nhắc nhở mọi người. Hãy tin rằng, sẽ không còn xa nữa, dịch bệnh COVID-19 sẽ được đẩy lui, và “chùm khế ngọt” vẫn luôn dang rộng vòng tay chào đón chúng ta trở về.