Chuyện xưa, Đại Việt sử lược ghi lại rằng, khi vua Cao Tông được 7 tuổi, Thái phó Tô Hiến Thành lâm trọng bệnh, mọi việc lúc này dồn lên quan gián nghị đại phu Trần Trung Tá. Là người tài năng đức độ, lại lo cho công việc nên Trần Trung Tá ít có thời gian thăm nom Tô Hiến Thành. Trong khi đó, quan tham tri chính sự Vũ Tán Đường lại ngày đêm túc trực, hầu hạ, cơm nước, thuốc thang, tỏ ra lo lắng cho bệnh tình của ông.
Nhận thấy Tô Hiến Thành tuổi già sức yếu khó qua khỏi, Đỗ Thái hậu (mẹ vua Lý Cao Tông) tới thăm và hỏi rằng nếu ông có mệnh hệ gì thì ai có thể thay ông được. Tô Hiến Thành không chút do dự trả lời: “Người thay thế thần chỉ có thể là Trần Trung Tá!”
Thái hậu ngạc nhiên, hỏi: “Tán Đường ngày ngày hầu hạ, thuốc thang cho ông, sao ông không tiến cử? Trần Trung Tá luôn thờ ơ với ông, sao ông lại ưa chuộng làm vậy?”
Tô Hiến Thành rành rẽ đáp từ: “Nếu Thái hậu hỏi người lo việc đại sự quốc gia, thần cử Trần Trung Tá. Nếu cần người phục dịch cơm nước, thuốc thang, thì ngoài Võ Tán Đường, chẳng còn ai hơn được!”.
Từ câu chuyện nhỏ, sáng rõ hơn đức chính trực, thẳng ngay của Thái phó Tô Hiến Thành, khi ông chẳng vì vị nể, riêng tư, vì ơn riêng mà chọn kẻ nịnh hót, cơ hội, gạt đi người đức, người tài.
Mượn tích xưa, chuyện hiền nhân chọn người tài để răn chuyện nay, khi có nơi, có chỗ, những người dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm với động cơ trong sáng, vì lợi ích chung bị “bỏ quên”, hoặc “vô hiệu hóa”; trong khi, không ít kẻ nịnh hót, cơ hội, ngọt ngon “cửa trước”, nham hiểm “cửa sau” vẫn được trọng dụng, cất nhắc, tin dùng. Đó đây, ở cơ quan này, đơn vị nọ, công tác cán bộ có “tiếng” là khâu then chốt, nhưng vì “lợi ích nhóm”, những mối quan hệ ngoài luồng, thân quen… đã tác động vào các khâu, các bước trong quy trình. “Con sâu làm rầu nồi canh”, đã có hiện tượng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, địa phương cố tình tạo ra cơ chế, chủ trương, chính sách về công tác cán bộ trái với quy định chung của Đảng, Nhà nước. Từ việc nới lỏng các tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm, đề bạt, nâng lương, chuyển ngạch, điều kiện tiếp nhận đến việc mở rộng đối tượng luân chuyển, bố trí công tác, đi học, đi đào tạo ở nước ngoài,…tạo kẽ hở cho người thân quen, “cánh hẩu”, người cùng “chí hướng” có thể đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn, điều kiện đó, đạt được mục đích. Vì “lợi ích nhóm”, họ sẵn sàng đưa những cán bộ, đảng viên không đủ tiêu chí vào các vị trí lãnh đạo; bố trí cán bộ không vì năng lực, vì công việc mà vì thân quen, đến khi bị phát hiện, hoặc gây hậu quả nghiêm trọng thì “lớn tiếng” ngụy biện rằng: Tập thể cấp ủy, lãnh đạo đã triển khai “dân chủ”, “đúng quy trình”, “đúng nguyên tắc”, “minh bạch”, “công khai.v.v.. Điều này đã được Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: “Tại sao có hiện tượng đề bạt, cất nhắc người nhà, người thân quen mặc dù không đủ tiêu chuẩn? Vì sao cứ nói bổ nhiệm đúng quy trình, nhưng kết quả thực tế bố trí cán bộ lại sai?”
Ngẫm ra, để công tác cán bộ thực sự là khâu then chốt, để việc tuyển chọn cán bộ, sử dụng cán bộ thực sự chọn lựa được người tài năng, đức độ không chỉ cần có một quy trình chặt chẽ, quy củ, bài bản, mà hơn cả, mỗi cá nhân, nhất là người lãnh đạo, người đứng đầu, cần có tâm trong sáng, đức hy sinh, không vì tình riêng, cá nhân, “lợi ích nhóm” mà quên đi lợi ích chung của đất nước, tập thể.
Câu chuyện nhỏ về Thái phó Tô Hiến Thành, nghìn năm sau vẫn vang lời nhắc nhở hậu thế, rằng “Chí công vô tư” “Vì nước tiến cử người hiền”./.