Nhìn thẳng - Nói thật: Tác hại tò mò đám đông
Cập nhật 14/01/2022

Tò mò là một trong những đặc tính gắn liền với bản năng, tâm lý con người. Tính tò mò là một trong những động lực kích thích sự tìm tòi, khám phá để giúp các nhà khoa học tìm kiếm, sáng tạo, phát minh ra những cái mới, thúc đẩy sự phát triển của xã hội loài người.

Tuy vậy, không hẳn sự tò mò nào cũng có lợi, mà ngược lại sự tò mò bị lôi kéo, dẫn dắt bởi tâm lý đám đông có thể gây ra những hệ lụy tai hại.
 
Vụ việc một số đối tượng có hành vi phạm pháp, làm trái luân thường đạo lý xảy ra tại cơ sở “Tịnh thất Bồng Lai” những ngày gần đây thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội. Bên cạnh hành vi rất đáng lên án của một đối tượng chủ mưu trong vụ án, nhiều chuyên gia tâm lý cũng hết sức băn khoăn trước thực trạng hàng loạt thông tin của một số trẻ em từng sống với đối tượng này xuất hiện tràn lan trên mạng xã hội. Từ hình ảnh, tên tuổi, mối quan hệ đến thông tin giám định ADN, “cây gia phả” của những đứa trẻ vô tội bị một bộ phận cộng đồng mạng hiếu kỳ đưa ra xoi mói, bàn tán một cách vô tư, vô tâm và vô cảm. Vô tư bởi sự thiếu hiểu biết về pháp luật bảo vệ quyền trẻ em. Vô tâm bởi tâm lý a dua, ăn theo nói leo mà không hề hay biết vấn đề mình bình luận, chia sẻ đúng hay sai. Vô cảm bởi thái độ dửng dưng, tự ý đưa ra những ý kiến nhận định chủ quan, võ đoán khiến người trong cuộc bị xâm hại, tổn thương nhân phẩm. Lên tiếng về vấn đề này, lãnh đạo Cục Trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội) đã khuyến cáo cộng đồng xã hội ngừng chia sẻ hình ảnh, thông tin trẻ em trong vụ “Tịnh thất Bồng Lai”, tránh vi phạm pháp luật.
 
Không ai được chọn cửa sinh ra. Có những đứa trẻ xuất hiện trong cõi đời này ngoài mong muốn của chúng. Lỗi là ở người lớn, chứ trẻ em hoàn toàn vô tội. Việc một bộ phận cư dân mạng lan truyền, chia sẻ những thông tin, hình ảnh của những đứa trẻ thiếu may mắn trong vụ việc nêu trên là trái lý, sai đạo. Trái lý vì đi ngược lại tinh thần: “Không trẻ em nào phải chịu sự can thiệp tùy tiện hay bất hợp pháp vào việc riêng tư, gia đình... cũng như những sự công kích bất hợp pháp vào danh dự của các em” (Khoản 1, Điều 19, Công ước của Liên hợp quốc về quyền trẻ em năm 1990), và: “Trẻ em có quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình vì lợi ích tốt nhất của trẻ em” (Khoản 1, Điều 26, Luật Trẻ em 2016). Sai đạo vì không làm tròn phận sự của người lớn là luôn phải có tình cảm, trách nhiệm “Dành cho trẻ em những gì tốt đẹp nhất”!
 
Không riêng câu chuyện liên quan đến những trẻ em vô tội ở vụ việc đau lòng nêu trên, khi xã hội xảy ra những vấn đề “nóng” liên quan đến trẻ em như: Trẻ em bị bạo hành, bị xâm hại tình dục, bị bóc lột sức lao động, bị bạo lực học đường... thì nhiều thông tin trên mạng xã hội lại được xới xáo, bàn tán thái quá càng làm cho tính tò mò của con người có cơ hội sinh sôi, nảy nở, lan truyền như hiệu ứng domino. Mà sự đời “tam sao thất bản”, trong những câu chuyện hiếu kỳ, mỗi người lại thêm thắt một ít, thêu dệt tí chút càng khiến cho sự việc đi xa, thậm chí khác hẳn bản chất ban đầu. Đó là mầm mống phát sinh vấn nạn tin đồn, tin giả và gây ra sự nhiễu loạn thông tin xã hội.
 
Tò mò không hẳn là tính xấu. Nhưng sự tò mò không đúng lúc, đúng chỗ có thể để lại nguy hại cho cộng đồng. Thần thoại Hy Lạp kể rằng, Pandora là một cô gái tò mò, đã tự ý mở chiếc hộp quà tặng của thần Zeus. Hậu quả là tất cả cái ác trong hộp bị lộ ra và xuất hiện lan tràn khắp thế giới. Từ đó về sau, một trong những ý nghĩa của từ “Pandora” là “mang tính sát thương cao”. Hàm ý sâu xa hơn, câu chuyện thần thoại này còn là thông điệp nhắc nhở, cảnh báo con người chớ vì sự tò mò, cám dỗ tầm thường mà gây ra hệ lụy không chỉ riêng mình mà với cả người khác.
 
Tin liên quan
Xem tin theo ngày