Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng đã nhấn mạnh như vậy khi làm việc với các bộ ngành liên quan để xây dựng Chính phủ điện tử và cải cách thủ tục hành chính (TTHC).
Từng bước tiết kiệm thời gian chi phí cho xã hội
Chính phủ điện tử, đẩy mạnh sử dụng dịch vụ công trực tuyến để hướng tới một nền hành chính không giấy tờ tất nhiên không phải vì dịch Covid-19 xảy ra chúng ta mới đặt mục tiêu này. Rất nhiều năm nay, nhất là từ đầu nhiệm kỳ này Chính phủ đang từng bước để chạm tay vào nền hành chính không giấy tờ.
Theo đó, Chính phủ đã nỗ lực thực hiện rất nhiều việc cụ thể. Chẳng hạn, trong 7 tháng đầu năm 2020, vấn đề pháp lý, thể chế cho Chính phủ điện tử được quan tâm thúc đẩy, với việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thực hiện thủ tục hành chính trên môi trường điện tử, về quản lý, kết nối và chia sẻ dữ liệu, về mã định danh điện tử của các cơ quan….Đặc biệt, một số nền tảng hệ thống thông tin có ý nghĩa quan trọng, mang tính đổi mới, thay đổi phương thức, lề lối làm việc, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm đã phát huy hiệu quả rõ rệt, nhận được sự ủng hộ, phản hồi tích cực của các cá nhân, tổ chức.
Trong đó, trục liên thông văn bản quốc gia từ tháng 3/2019 đến nay đã có trên 2,2 triệu văn bản được gửi nhận, ước tính tiết kiệm cho ngân sách 1.200 tỷ đồng mỗi năm. Hệ thống e-Cabinet từ tháng 6/2019 đã phục vụ 18 phiên họp của Chính phủ và xử lý 439 phiếu lấy ý kiến thành viên Chính phủ, thay thế cho việc in ấn, phát hành 129.000 hồ sơ, tài liệu giấy và tiết kiệm rất lớn về thời gian.
Đặc biệt, được khai trương tháng 12/2019, Cổng DVCQG đến nay đã có hơn 53,7 triệu lượt truy cập, hơn 205 nghìn tài khoản đăng ký 1 lần, trên 12,6 triệu hồ sơ được đồng bộ trạng thái, trên 228 nghìn hồ sơ được thực hiện… Tổng chi phí tiết kiệm được khi thực hiện dịch vụ công trực tuyến khoảng 6.490 tỷ đồng mỗi năm, trong đó riêng Cổng DVCQG đóng góp khoảng 3.036 tỷ đồng.
Hệ thống thông tin báo cáo Chính phủ được khai trương từ tháng 3/2020, đã kết nối với 16 bộ, cơ quan, 20 chế độ báo cáo và 61/200 chỉ tiêu kinh tế - xã hội phục vụ chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Khi điện tử hóa các báo cáo, quy định từ cấp xã, huyện, tỉnh và bộ, ngành lên Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ kết nối qua hệ thống, ước tính sẽ tiết kiệm được cho ngân sách 460 tỷ đồng mỗi năm.
Tuần tới, Chính phủ tổ chức ra mắt Trung tâm thông tin, chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và Cổng DVCQG khai trương dịch vụ công thứ 1.000, với những nội dung được người dân và doanh nghiệp rất quan tâm, trong đó có thủ tục đăng ký ô tô, xe máy, người dân và doanh nghiệp có thể tiến hành “bốc biển số” qua Cổng cho thấy nỗ lực cải cách để điện tử hóa các dịch vụ là điều có thật.
Trong khi đó, công tác xây dựng, rà soát thể chế, đơn giản hóa TTHC, cắt giảm điều kiện kinh doanh, thủ tục kiểm tra chuyên ngành đạt cũng những kết quả thiết thực. Tháng 5/2020, Chính phủ ban hành chương trình cắt giảm, đơn giản hóa quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh giai đoạn 2020-2025 với mục tiêu cắt giảm, đơn giản hóa ít nhất 20% số quy định và cắt giảm ít nhất 20% chi phí tuân thủ… Nếu thực hiện đúng mục tiêu này chúng ta sẽ tiết kiệm cho xã hội một khoản tiền không nhỏ.
Đừng để người dân chọn hồ sơ giấy còn hơn
Dù đạt được những kết quả như vậy và góp phần tạo dư địa tăng trưởng khi mà nhà đầu tư đã bắt đầu chọn Việt Nam là điểm đến an toàn, nhưng thực tế việc triển khai các dịch vụ trên cổng dịch vụ công vẫn còn nhiều vấn đề phải bàn.
Theo đó, vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong thực hiện Chính phủ điện tử. Chẳng hạn với các dịch vụ trực tuyến, một số bộ đã quá hạn hoàn thành tích hợp, cung cấp một số dịch vụ trên Cổng DVCQG. Có những bộ công bố hoàn thành 100% dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 nhưng một số thủ tục lại không đáp ứng tiêu chí mức độ 4, cần rà soát lại. Vẫn có tình trạng, chưa thực hiện đồng bộ trạng thái hồ sơ giải quyết TTHC; đôi khi việc gửi, nhận hồ sơ trực tuyến đến các bộ, địa phương còn chưa thông suốt do chậm xử lý kỹ thuật đường truyền; một số bộ, ngành còn chậm công bố, công khai TTHC, dẫn tới địa phương cũng phải chậm công bố, công khai TTHC trong lĩnh vực đó… Những vấn đề này cần nhanh chóng tháo gỡ để thu hút người dân ngày càng sử dụng nhiều hơn dịch vụ công trực tuyến.
Phân tích rõ lý do vì sao TTHC trên Cổng DVCQG tưởng nhiều mà vẫn ít người dùng Bộ trưởng Mai Tiến Dũng chỉ rõ: “Vẫn có những bộ chưa tích cực lựa chọn triển khai các dịch vụ công thiết yếu, mà lựa chọn các dịch vụ công có ít hồ sơ (ít người sử dụng) để cung cấp trên Cổng, dẫn tới tình trạng số hồ sơ đồng bộ trạng thái rất thấp”. Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đề nghị phải làm rõ vấn đề này theo “tinh thần chỉ đạo của Thủ trướng Chính phủ là cái gì người dân cần nhất thì làm trước, những gì chưa cấp thiết thì làm sau, chứ không phải chỉ đưa lên để lấy thành tích báo cáo”.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nhấn mạnh yêu cầu không chạy theo số lượng mà quan trọng là phục vụ người dân, hiệu quả nhất. “Nếu còn kẹp giấy tờ con để tạo “xin- cho” thì phải bỏ hết, phải cải cách rồi mới đưa lên Cổng. Ngay cả thủ tục nào đã đưa lên mà thời gian sau đó không có hồ sơ do người dân thực hiện thì cũng xin phép gỡ bỏ khỏi Cổng”, Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu rõ.
Bà Nguyễn Minh Thảo, Trưởng ban Nghiên cứu Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu
và Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM): Có phương án xử lý Bộ, ngành, cán bộ chây ỳ
Thời gian qua, Chính phủ đã đẩy mạnh cải cách, cắt giảm các điều kiện kinh doanh, các thủ tục gây khó cho doanh nghiệp. Nhưng thực tế, hiện còn rất nhiều điều kiện còn chồng chéo, mâu thuẫn nằm trong các nghị định và luật thuộc văn bản quy phạm pháp luật của các bộ. Qua rà soát sơ bộ, CIEM thấy có 37 vấn đề chống chéo, mâu thuẫn. “Phải nhanh chóng sửa đổi các quy định này, nếu không sẽ gây ra rủi ro cho nhà đầu tư và chính cơ quan quản lý nhà nước”. Vì sao lại gây khó cho chính cơ quan quản lý vì nếu quá nhiều văn bản cùng quy định không rõ ràng về một vấn đề sẽ gây lúng túng cho cơ quan quản lý, họ không biết thực hiện theo văn bản nào? Điều này sẽ tác động trực tiếp, gây rủi ro cho môi trường kinh doanh. Do đó, cần có một cơ quan kết nối để xử lý những văn bản còn mâu thuẫn này.
Không chấp nhận những quy định còn bất cập, chồng chéo ở các luật. Quy định nào gây phiền hà thì phải loại bỏ. Bởi thực tế, nhiều quy định làm mất cơ hội kinh doanh của doanh nghiệp, cản trở sự phát triển khi mà hoạt động kinh doanh liên quan nhiều bộ ngành, nếu không rõ người ta không biết thế nào mà lần!
Tuy nhiên, làm sao để sửa những quy định này thì không dễ, chúng ta đã yêu cầu cần ban hành 1 văn bản sửa đổi nhiều văn bản nhưng cần phải quy định rõ hơn. Đặc biệt, nếu phát hiện ra sự chồng chéo, cơ quan nào đứng ra chịu trách nhiệm trình Chính phủ sửa? Nếu không có cơ quan chịu trách nhiệm thì sẽ không chuyển biến, vẫn tồn tại những quy định hành doanh nghiệp.
Với các dịch vụ công trực tuyến, tình trạng Bộ ngành đẩy lên Cổng DVCQG kiểu dễ làm khó bỏ, những thủ tục mà người dân và doanh nghiệp không quan tâm là điều không khó hiểu, bởi vì tâm lý muốn kiểm soát, muốn níu giữ những thứ được cho là quyền lợi vẫn còn, do đó cần tiếp tục tạo áp lực để cải cách. Tuy nhiên, tạo áp lực đủ mạnh có thể triệt tiêu sự chây ì trong cải cách của các cơ quan quản lý, nhưng đây là điều kiện cần nhưng chưa đủ. Do đó, cần thay đổi tư duy thì cải cách mới thực chất. Chứ áp lực từ bên trên xuống thì kết quả không cao bằng chính tự thân họ thấy cần thay đổi để tạo sự thông thoáng thật sự, đem lại lợi ích cho doanh nghiệp, cho đất nước cũng là lợi ích của chính họ.