Khó khi quản lý môi trường ở nông thôn và làng nghề
Cập nhật 21/08/2020

Không riêng Thừa Thiên Huế, thực trạng chất lượng môi trường giảm sút ở khu vực nông thôn và các làng nghề vẫn tồn tại dai dẳng trong thời gian dài.

Đến nay, việc phân loại chất thải rắn ở khu vực nông thôn và các làng nghề vẫn còn rất nhiều hạn chế. Các chất thải rắn sinh hoạt không được phân loại tại nguồn, đa số bị vứt bừa bãi ra môi trường. Một số nơi không quy định bãi tập trung rác, không có nhân viên thu gom rác. Lượng rác tồn đọng tại các kênh, mương, các vùng đất trống rất lớn và phổ biến, dẫn đến ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Mục tiêu của tỉnh đặt ra đến năm 2020, tỷ lệ thu gom rác thải khu vực nông thôn đạt 90%. Tuy nhiên, đến nay, tỷ lệ thu gom rác thải sinh hoạt mới đạt khoảng 75%. Công tác thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải nguy hại như: các loại vỏ bao bì, hoá chất bảo vệ thực vật... mới được áp dụng với quy mô nhỏ, chủ yếu dùng các thùng chứa, không có các bể chứa cố định đúng quy chuẩn.

Những năm qua, hầu hết các địa phương đều triển khai thực hiện đề án thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt, qua đó đã áp dụng một số giải pháp, mô hình nhằm cải thiện môi trường nông thôn, hình thành bộ máy trực tiếp thu gom rác tại cơ sở.

Tuy nhiên, theo đánh giá của Chi cục Bảo vệ môi trường tỉnh, vẫn còn tồn tại về phân công trách nhiệm trong công tác quản lý chất thải rắn nông thôn, có nơi còn bỏ ngỏ và có lúc chồng chéo trong quản lý môi trường các làng nghề.

Sở dĩ còn tồn tại những bất cập nêu trên một phần do xuất phát điểm ở khu vực nông thôn còn thấp, ngân sách đầu tư cho công tác này còn hạn chế trong khi việc xã hội hoá về lĩnh vực này gặp nhiều khó khăn. Ngay cả các làng nghề, hầu như đa phần trong số 84 làng nghề hiện có trên toàn tỉnh ít nhiều đều có phát sinh ô nhiễm.

Nguyên nhân chính là do công nghệ sản xuất lạc hậu. Phần lớn các làng nghề như đúc đồng, làm bún, chế biến mắm các loại, mộc mỹ nghệ... đều có công nghệ sản xuất thủ công, mang tính truyền thống, hệ thống thiết bị lạc hậu và không đồng bộ, chậm được cải tiến. Tất cả đều do các hộ gia đình làm chủ, thuê lao động tại chỗ, tận dụng mặt bằng tại chỗ để tiết kiệm chi phí đầu tư, vận hành, cộng thêm việc thiếu quan tâm đầu tư hệ thống xử lý chất thải đảm bảo, nên tình trạng ô nhiễm môi trường trong sản xuất vẫn tồn tại trong khu dân cư.

Cùng với đó, các chính sách khuyến khích đầu tư đổi mới công nghệ, quy hoạch sản xuất tập trung, áp dụng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng... của Nhà nước vẫn còn nhỏ giọt, chưa đáp ứng được nhu cầu còn khá lớn của cơ sở làng nghề hoặc nếu có cũng ít ai mặn mà “đối ứng” thực hiện vì thiếu vốn và còn nhiều ràng buộc.

Đến nay, nhiều địa phương vẫn chưa có các biện pháp quy hoạch, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các cụm làng nghề để có thể thuận lợi trong quản lý và xử lý chất thải cũng như chưa có giải pháp về tổ chức thu gom, xử lý chất thải hiệu quả. Điều này cũng là rào cản khiến nhiều làng nghề chậm mở rộng quy mô sản xuất, phát triển thương hiệu để đưa ra các thị trường.

Ngay cả những biện pháp khuyến khích, cưỡng chế tuân thủ các quy định bảo vệ môi trường vẫn chưa được thực hiện đầy đủ và đồng bộ ở khu vực nông thôn và các làng nghề.

Theo baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày