Từ thực tiễn cách mạng, bản lĩnh chính trị của Đảng ta là kiên định con đường cách mạng, kiên trì mục tiêu độc lập dân tộc và CNXH, không dao động trước mọi khó khăn, thử thách. Dù có những thời điểm đầy cam go "ngàn cân treo sợi tóc", Đảng đã có những quyết sách đúng đắn, kịp thời để đưa con thuyền cách mạng Việt Nam vượt qua sóng gió, bão tố. Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện ở sự dũng cảm thừa nhận và kiên quyết sửa chữa những sai lầm, khuyết điểm, nghiêm túc thực hiện tự phê bình và phê bình; đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng.
Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên thể hiện ở sự kiên định với mục tiêu, lý tưởng của Đảng - độc lập dân tộc và CNXH. Kiên định nền tảng tư tưởng của Đảng là chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Bản lĩnh chính trị của Đảng thể hiện trong nhận thức và hành động của đội ngũ cán bộ, đảng viên; thể hiện ở sự vững vàng, không dao động trước mọi âm mưu, thủ đoạn của kẻ thù; quyết tâm nỗ lực phấn đấu vượt mọi khó khăn, thử thách, gian khổ để hoàn thành tốt nhiệm vụ, đấu tranh chống lại âm mưu "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch. Bản lĩnh chính trị của mỗi cán bộ, đảng viên không phải tự nhiên mà có. Đó là sản phẩm của quá trình giáo dục, bồi dưỡng, học tập và rèn luyện thường xuyên, kiên trì, bền bỉ trong thực tiễn phong trào cách mạng. Cán bộ, đảng viên thiếu bản lĩnh, khi gặp thuận lợi, thành công thì thường hay chủ quan, lạc quan nhưng khi gặp khó khăn, thách thức thì bi quan, chán nản, mất phương hướng. Do sự thiếu tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng, lập trường tư tưởng không vững vàng, khả năng "miễn dịch" và "sức đề kháng" hạn chế nên trước những tác động, ảnh hưởng từ những vấn đề nhạy cảm, phức tạp, đặc biệt là tác động xấu từ những quan điểm sai trái của các thế lực thù địch, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên đã có những biểu hiện hoang mang, dao động, giảm sút ý chí, niềm tin, sa vào chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, hẹp hòi, bị cám dỗ bởi các lợi ích vật chất,... dẫn đến "tự diễn biến", "tự chuyển hóa". Báo cáo của BCH Trung ương Đảng (khóa XII) về tổng kết công tác xây dựng Đảng và thi hành Điều lệ Đảng đã nêu về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí: "Cấp ủy, ủy ban kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật 2.209 cán bộ, đảng viên có liên qian đến tham nhũng; trong đó có 113 cán bộ diện Trung ương quản lý cả đương chức và đã nghỉ hưu".
Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn: "Một dân tộc, một đảng và mỗi con người hôm qua là vĩ đại, có sức hấp dẫn lớn, không nhất định hôm nay và ngày mai vẫn được mọi người yêu mến và ca ngợi, nếu lòng dạ không trong sáng nữa, nếu sa vào chủ nghĩa cá nhân". Vì vậy, việc xây dựng bản lĩnh chính trị vững vàng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân là việc làm thường xuyên, cần được đặc biệt coi trọng trước yêu cầu mới hiện nay. Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thức XIII của Đảng đã xác định: "Nâng cao lập trường, bản lĩnh chính trị, trình độ, trí tuệ, tính chiến đấu của cấp ủy, tổ chức đảng và của mỗi cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý chủ chốt các cấp, cán bộ cấp chiến lược. Thực hành dân chủ trong Đảng gắn liền với tăng cường kỷ luật, kỷ cương của Đảng".
Sự nghiệp cách mạng của Đảng và nhân dân ta vẫn đứng trước nhiều khó khăn, thách thức. Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đã nhận diện 27 suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Bốn nguy cơ mà Đảng đã chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt gay gắt hơn. Yêu cầu bản lĩnh chính trị của cán bộ, đảng viên hiện nay là phải giữ vững tính chất tiên phong và vai trò gương mẫu cả trong tư tưởng và hành động, cả trong đạo đức và trong cuộc sống, phải rèn luyện, tu dưỡng phẩm chất, đạo đức cách mạng. Vì vậy, phải đặc biệt coi trọng và đẩy mạnh hơn nữa công tác xây dựng Đảng thật sự trong sạch, vững mạnh, lãnh đạo đất nước phát triển nhanh, bền vững hơn. Tăng cường công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng về chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ, nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng. Nâng cao hiệu quả công tác tư tưởng, tạo sự thống nhất trong Đảng, đồng thuận trong xã hội. Công tác tư tưởng phải kết hợp giữa "xây" và "chống", lấy "xây" là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, làm cho tư tưởng tiến bộ, tích cực thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, có tác dụng uốn nắn những biểu hiện lệch lạc, cải tạo những tư tưởng lạc hậu, đẩy lùi những sai trái.
Coi trọng hơn nữa công tác đấu tranh để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch. Kiên quyết, kiên trì đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện"tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong nội bộ. Cần tăng cường kiểm tra thường xuyên việc tu dưỡng rèn luyện, giữ vững bản lĩnh chính trị đối với cán bộ, đảng viên không dao động, nhụt chí trước mọi hoàn cảnh. Để từ đó phát hiện, ngăn chặn ngay từ đầu những biểu hiện tiêu cực, kịp thời ngăn ngừa những sai phạm, khuyết điểm nhỏ, tránh dẫn đến sai lầm lớn, nghiêm trọng và trở thành thoái hóa, biến chất.