Những hệ luỵ khó lường của “tà đạo”
Cập nhật 03/07/2023

Việt Nam là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo. Theo thống kê chưa đầy đủ cho thấy, Việt Nam có khoảng 95% dân số có đời sống tín ngưỡng, tôn giáo. Suốt chiều dài lịch sử của đất nước, đời sống tín ngưỡng, tôn giáo luôn là một bộ phận không thể tách rời của đời sống văn hóa, tinh thần của dân tộc, nhân dân Việt Nam.

 

Nhận diện nguy cơ 

Tính đến nay, cả nước có khoảng 45.000 cơ sở tín ngưỡng, trong đó có hơn 2.900 di tích gắn với cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo, một số di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới. Hằng năm, Việt Nam có gần 13.000 lễ hội, gồm 5 loại: lễ hội dân gian, lễ hội lịch sử cách mạng, lễ hội tôn giáo, lễ hội du nhập từ nước ngoài, lễ hội văn hóa – thể thao và ngành nghề. Riêng trong lĩnh vực tôn giáo, Việt Nam có khoảng hơn 26,5 triệu tín đồ (chiếm 27% dân số), 43 tổ chức thuộc 16 tôn giáo được nhà nước công nhận hoặc cấp chứng nhận đăng ký hoạt động. Cả nước hiện có hơn 54.000 chức sắc, trên 130.000 chức việc và 29.658 cơ sở thờ tự.

Với đặc thù là quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo nhưng ở Việt Nam không có tôn giáo nào giữ vị trí độc tôn mà các tín ngưỡng, tôn giáo đều hòa đồng với truyền thống, văn hóa dân tộc Việt Nam, tạo nên một đất nước đa sắc màu tôn giáo. Cũng vì vậy, Việt Nam được ví như “bảo tàng tín ngưỡng, tôn giáo” của thế giới. Mặc dù các tín ngưỡng, tôn giáo tồn tại đan xen nhưng không có xung đột tôn giáo; các chức sắc, tín đồ tôn giáo đều tích cực tham gia và có nhiều đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, bảo vệ đất nước.

Có được kết quả trên là do việc thực hiện chính sách, pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo của Việt Nam đã đáp ứng tâm tư, tình cảm và nguyện vọng chính đáng của chức sắc, tín đồ tôn giáo. Bên cạnh đó, chính quyền các địa phương, nhất là vùng đồng bào DTTS và miền núi cũng luôn quan tâm và thực hiện nhất quán chính sách tôn trọng, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của người dân; tạo thuận lợi cho các tổ chức tôn giáo hoạt động pháp luật.

Tuy nhiên, số đối tượng thù địch, phản động vẫn tìm mọi cách chống phá, tuyên truyền, xuyên tạc trắng trợn về tình hình bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, về đời sống tôn giáo sôi động ở nước ta. Trong đó, họ khích lệ, hậu thuẫn việc hình thành, phát triển các loại hình tà đạo, tạp đạo, các tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo ở trong nước để lôi kéo người tham gia, gây phức tạp về an ninh trật tự. Khi chính quyền xử lý sẽ xuyên tạc Việt Nam “đàn áp” tôn giáo để tạo cớ gây sức ép, can thiệp vào công việc nội bộ của ta.

Một vấn đề mang tính quy luật, đó là những loại hình tà đạo, tạp đạo thường xuất hiện và phát triển mạnh ở vùng nông thôn, vùng sâu xa, nhất là địa bàn Tây Nam Bộ, Tây Nguyên, Tây Bắc – các địa bàn trọng yếu về quốc phòng, an ninh. Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 12-2022, cả nước có khoảng 85 tà đạo, tạp đạo, tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo và được gọi chung là “đạo lạ”. Trong số các “đạo lạ”, có những loại hoạt động trái với chuẩn mực đạo đức xã hội và truyền thống văn hóa, chia rẽ đoàn kết dân tộc, tôn giáo như “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ”, “đạo bà Điền”, “đạo Dừa”…; thậm chí còn có những “đạo lạ” mang màu sắc chính trị, hoạt động vi phạm pháp luật, tác động xấu đến an ninh trật tự như: “Tin Lành Chrish”, “tà đạo Hà Mòn”, “Tin Lành Đề Ga”, “Đạo Bà Cô Dợ”, tổ chức bất hợp pháp “Dương Văn Mình”, “Hội đồng liên tôn Việt Nam”…

Xét xử những đối tượng âm mưu lập “Nhà nước cộng hòa dân chủ Mông”. Ảnh: Vũ Lợi/VOV- Tây Bắc.

Những hiện tượng, tín ngưỡng tôn giáo này đều có một điểm chung là không được Nhà nước ta công nhận tư cách pháp nhân hoặc buộc phải chấm dứt hoạt động do được lập ra với mục đích xâm phạm an ninh quốc gia. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo trên vẫn được nuôi dưỡng tồn tại, thậm chí có lúc, có nơi các đối tượng còn tìm cách qua mặt cơ quan chức năng, công khai hoạt động.

Hiện nay, những loại hình tà đạo, tạp đạo có yếu tố mê tín dị đoan đang có nhiều diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, quản lý khi vẫn còn một bộ phận quần chúng nhân dân tin theo và gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực đến đời sống xã hội. Điển hình như những tác động tiêu cực từ “giáo lý” của tà đạo “Hội Thánh đức Chúa trời mẹ” đã khiến cho không ít người tin theo, dẫn tới hoang tưởng, mất niềm tin và thế giới trần tục khi dành niềm tin tuyệt đối, mù quáng vào một thế giới siêu nhiên, vào sự quyết định và chi phối của thần linh, ma quỷ. Không những vậy, những đối tượng cầm đầu bắt người tham gia có thu nhập ổn định phải nộp 10% thu nhập hàng tháng như một thứ tiền hội phí; mỗi ngày lễ, người tham gia lại rỉ tai nhau dâng hiến ít nhất 50.000 đồng/lần, thông thường một tuần 2 lần, vào ngày học giáo lý để “thông công” với Đức Chúa Trời… Những hành vi trên không chỉ gây lãng phí, bất ổn, đau thương, mất mát, tiêu hao của cải, vật chất của nhân dân mà còn là cơ hội để những đối tượng xấu trục lợi. 

Nguy hiểm hơn, những “tín đồ” tin theo các loại tà đạo có yếu tố mê tín dị đoan như “đạo bà Điền”, “đạo Dừa”, “Pháp Luân công”…, sau một thời gian đã khiến họ xa rời khoa học hiện đại, phủ nhận những tiến bộ xã hội, đã có không ít trường hợp bị mắc bệnh nhưng do mù quáng nên không còn tin vào khoa học tiên tiến mà lại tin vào sự mê tín rằng chỉ cần năng tập luyện và làm lễ, dâng hiến cho các đáng thần linh thì có thể chữa khỏi bệnh. Những ảnh hưởng tiêu cực đó không thể nào phù hợp cho một xã hội vì con người – một xã hội công bằng, dân chủ, hiện dại, văn minh, do đó cần phải đấu tranh xóa bỏ.

Bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuần tuý

Trong khi những loại hình tín ngưỡng, tôn giáo có yếu tố mê tín dị đoan đã và đang gây ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, kinh tế, xã hội thì những “đạo lạ” do một số đối tượng có nhiều tham vọng chính trị thành lập đang có những hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh chính trị của đất nước. Thậm chí, có đối tượng còn trở thành “con rối” của các thế lực thù địch để tuyên truyền các luận điệu xuyên tạc về tình hình tự do tôn giáo ở Việt Nam hoặc kích động, lôi kéo quần chúng tín đồ cực đoan, quá khích chống lại chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo cũng như trên các lĩnh khác.

Thời gian qua, số đối tượng cầm đầu trong các “đạo lạ” nêu trên đã lợi dụng tôn giáo như một chiêu trò để lừa bịp, kích động bà con đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) tham gia các hoạt động ly khai tự trị. Vào những năm 2001, 2004, 2008, số đối tượng Fulro lưu vong đã thông qua “Tin lành Đề ga” làm công cụ tập hợp, phát triển lực lượng chống phá trong nước, âm mưu tiến tới thành lập “Nhà nước Đề ga độc lập”. Gần đây, vẫn sử dụng chiêu bài cũ, số đối tượng Fulro lưu vong lại tiếp tục dựng lên các tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo dưới các tên gọi khác nhau như “Giáo hội Tin lành đấng Christ Việt Nam”, “Giáo hội Tin lành đấng Christ Tây Nguyên”… nhằm tập hợp tín đồ là người DTTS ở trong nước liên kết với các nhóm Tin Lành khác và số đối tượng phản động người Việt lưu vong lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, tự do tôn giáo để chống phá Việt Nam, đòi thành lập “nhà nước riêng, tôn giáo riêng” cho người DTTS.

Tại Tây Bắc, năm 2011, nhóm đối tượng Vàng A Ía chủ trương lợi dụng mê tín dị đoan, lợi dụng thần quyền để cầu nguyện, tuyên truyền xuyên tạc, lừa bịp, kêu gọi, tập hợp lực lượng, tổ chức đón “vua Mông”, “xưng vua”, lập “vương quốc Mông”. Do ảnh hưởng của những luận điệu trên, trong những ngày đầu tháng 5-2011 đã có nhiều người Mông gồm cả thanh niên, phụ nữ, người già, trẻ em từ các tỉnh Hà Giang, Tuyên Quang, Lào Cai, Lai Châu, Đắk Lắk, Đắk Nông… mang chăn, màn, quần áo, tư trang, lương thực, nước uống, xăng dầu, theo đường mòn, men các sườn núi kéo về bản Huổi Khon, xã Nậm Kè để tụ tập “Xưng vua – lập vương quốc Mông”. Đáng chú ý, từ đầu năm 2020 đến nay, một số đối tượng do chưa từ bỏ tư tưởng chống đối, vẫn ảo tưởng sẽ được bên ngoài giúp đỡ thành lập nhà nước riêng của người Mông nên đã móc nối, câu kết với tổ chức ở nước ngoài và một số đối tượng ở Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu tập trung về Mường Nhé để bàn bạc, thống nhất, nhen nhóm tổ chức hoạt động lập “nhà nước Mông”…

Như vậy có thể thấy, những hoạt động trên không chỉ xâm phạm đến an ninh quốc gia Việt Nam mà còn ảnh hưởng đến sự toàn vẹn của chủ quyền lãnh thổ của đất nước… Do đó việc đấu tranh ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ các loại hình tà đạo, tạp đạo, các tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo là hoàn toàn đúng đắn, phù hợp với chính sách tôn giáo của Đảng, Nhà nước ta; vừa góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, giữ vững chủ quyền lãnh thổ, vừa xóa bỏ các yếu tố chính trị ra khỏi đời sống tín ngưỡng, tôn giáo, bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo thuần tuý của nhân dân.

Để đạt được mục tiêu trên, các cấp, các ngành có liên quan trong hệ thống chính trị cần phối hợp đồng bộ, chặt chẽ với lực lượng Công an các cấp tăng cường tuyên truyền nâng, nâng cao giác ngộ chính trị, pháp luật; âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, phản động lợi dụng tôn giáo để đông đảo quần chúng nhân dân hiểu rõ bản chất của là tà đạo, tạp đạo; cũng như những ảnh hưởng xấu đến an ninh, an toàn xã hội. Từ đó hình thành tính tự giác trong công tác phòng ngừa, tham gia đấu tranh chống hoạt động gây ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của các tà đạo, tạp đạo. Đây cũng sẽ là tiền đề quan trọng để các cơ quan chức năng giành được sự đồng tình, ủng hộ từ phía nhân dân trong việc đấu tranh, xử lý số đối tượng cầm đầu, cốt cán theo pháp luật, đem lại đời sống tín ngưỡng, tôn giáo thuần khiết, đáp ứng nhu cầu tinh thần không thể thiếu trong đời sống của quần chúng nhân dân.

Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần thực hiện tốt công tác quản lý Nhà nước về an ninh, trật tự đối với các hoạt động tôn giáo. Trong đó cần chú trọng quản lý và định hướng các sinh hoạt, hoạt động tín ngưỡng theo thuần phong mỹ tục của dân tộc, với điều kiện, hoàn cảnh kinh tế của địa phương và phù hợp với luật pháp. Đối với những đối tượng chủ mưu, cầm đầu các tà đạo, tạp đạo, các tổ chức tôn giáo bất hợp pháp, cần xử lý kiên quyết, kịp thời, triệt để; vạch trần bản chất và hành vi vi phạm pháp luật, làm mất ổn định chính trị, xã hội, chia rẽ giữa các dân tộc, tôn giáo, lợi dụng danh nghĩa tôn giáo để hoạt động tà đạo, mê tín dị đoan, kích động ly khai tự trị.

Ngoài ra, cần tiếp tục đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, xóa đói, giảm nghèo… kết hợp với thực hiện công bằng xã hội, không ngừng nâng cao trình độ dân trí, đặc biệt là đối với đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; củng cố quốc phòng, an ninh, bảo đảm ổn định an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội tại địa phương. Đồng thời tăng cường xây dựng đời sống văn hóa, tinh thần phong phú, lành mạnh cho mọi người dân nhằm tạo “sức đề kháng”, “miễn dịch” mạnh mẽ trước hoạt động của các tà đạo, tạp đạo.

Theo thống kê của Ban Tôn giáo Chính phủ, tính đến tháng 12-2022, cả nước có khoảng 85 tà đạo, tạp đạo, tổ chức bất hợp pháp mang danh nghĩa tôn giáo và được gọi chung là “đạo lạ”. 

Phạm Viết Duy
Học viện An ninh nhân dân

 

 

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày