1. Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn đánh giá cao vị trí và vai trò người phụ nữ Việt Nam đối với lịch sử dân tộc
Dân tộc Việt Nam qua hàng nghìn năm đấu tranh dựng nước và giữ nước đã sản sinh biết bao nữ anh hùng hào kiệt, những chiến sĩ tiền phong của cách mạng Việt Nam. Đó là hình ảnh Bà Trưng, Bà Triệu những năm đầu công nguyên đánh quân Hán; là Triệu Thị Trinh với tinh thần “muốn cưỡi cơn gió mạnh, đạp bằng sóng dữ, chém cá kình ở biển Đông, đánh đuổi quân Ngô, giành lại giang san, cởi ách nô lệ, chứ không chịu khom lưng làm tì thiếp người ta”; là hình ảnh Nguyên phi Ỷ Lan Hoàng thái hậu gánh vác sơn hà… Sang thời kỳ kháng chiến chống thực dân đế quốc, tấm gương người con gái trẻ tuổi Võ Thị Sáu hiên ngang trước nanh vuốt quân thù; anh hùng Nguyễn Thị Định với tài chỉ huy mưu lược đã nêu cao tinh thần dân tộc, lòng tự hào tự tôn dân tộc và ý chí đấu tranh kiên cường... Với những cống hiến to lớn đó, phụ nữ Việt Nam được Chủ tịch Hồ Chí Minh vinh danh bằng 8 chữ vàng: “Anh hùng, Bất khuất, Trung hậu, Đảm đang”. Đó là sự ghi nhận của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta về truyền thống hào hùng và bản chất tốt đẹp của phụ nữ Việt Nam. Tiếp tục ngọn lửa truyền thống đó, trong sự nghiệp đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh, phụ nữ Việt Nam đã không ngừng vươn lên làm chủ tri thức, làm chủ chính mình và bước lên vũ đài chính trị, tham gia quản lý nhà nước.
2. Chủ tịch Hồ Chí Minh khởi xướng con đường giải phóng phụ nữ Việt Nam và thế giới. Người đã thức tỉnh phụ nữ đứng lên, cùng với dân tộc thực hiện công cuộc giải phóng chính mình
Trong quá trình khảo cứu con đường cứu nước, giải phóng dân tộc, hình ảnh người phụ nữ Việt Nam nói riêng và phụ nữ các dân tộc bị áp bức nói chung luôn hiện hữu trong suy nghĩ, tư tưởng và tình cảm của Người. Những năm 20 của thế kỷ XX, Hồ Chí Minh viết hàng loạt tác phẩm, bài báo tố cáo tội ác của chế độ thực dân đối với người phụ nữ. Trong bài viết Phụ nữ An Nam và sự đô hộ Pháp đăng báo Le Paria, số 5, ngày 1.8.1922, Người viết: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”[1]. Người gọi chế độ thực dân là chế độ “cướp bóc”,”giết người” và “cưỡng bức” - chế độ “đối xử một cách hết sức bỉ ổi với người đàn bà bằng xương bằng thịt và xúc phạm một cách vô liêm sỉ tới phong hoá, trinh tiết và đời sống của họ”[2]. Do vậy, phải đánh đuổi bọn thực dân xâm lược, phải giành độc lập dân tộc để giải phóng triệt để người phụ nữ.
Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn cảm thông sâu sắc với nỗi thống khổ của người phụ nữ Việt Nam dưới ách thống trị của thực dân Pháp và bọn phong kiến tay sai. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng, Hồ Chí Minh rất quan tâm đến vị trí và vai trò của người phụ nữ và đấu tranh không mệt mỏi cho sự nghiệp giải phóng phụ nữ. Người khẳng định: “Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người”, “nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”[3]… Chính vì vậy, trong Mười chính sách của Việt Minh (1941), Người viết:
“Đàn bà cũng được tự do,
Bất phân nam nữ, đều cho bình quyền”[4].
Khi nhận thấy giáo dục nước nhà chưa thật sự quan tâm đến người phụ nữ, Chủ tịch Hồ Chí Minh kiểm điểm: “trong giáo dục, y tế, các ngành khác, số phụ nữ đều thấp”, vì vậy “giáo dục phải cố gắng để phụ nữ nhiều hơn”. Người luôn động viên, khuyến khích chị em chịu khó học tập để có làm chủ đất nước, đảm nhiệm những công việc như nam giới. Người viết: “Phụ nữ lại càng cần phải học, đã lâu chị em bị kìm hãm. Đây là lúc các chị em phải cố gắng để kịp nam giới, để xứng đáng mình là một phần tử trong nước, có quyền bầu và ứng cử”[5]. Khi bàn về việc bầu chủ nhiệm Hợp tác xã nông nghiệp, Bác đề nghị bầu nhiều phụ nữ vào cương vị này vì “phụ nữ làm chủ nhiệm đâu có đánh chén. Chủ nhiệm nữ thật thà, phải đưa nhiều phụ nữ tham gia làm chủ nhiệm”.
3. Chủ tịch Hồ Chí Minh đấu tranh mở rộng quyền bình đẳng của người phụ nữ trong các lĩnh vực đời sống xã hội
Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đề cập đến quyền bình đẳng, mà còn mở rộng quyền bình đẳng của phụ nữ đối với nam giới một cách tối đa trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Người viết: “Công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Đàn bà có quyền bình đẳng với đàn ông về các mặt chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình”[6]. Tư tưởng “nam nữ bình quyền” của Hồ Chí Minh được ghi trong Chánh cương vắn tắt của Đảng và sớm được thể chế hoá trong Hiến pháp năm nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946. Điều 9 của Hiến pháp ghi: “Đàn bà ngang quyền với đàn ông về mọi phương diện”. Hiến pháp năm 1959 tiếp tục khẳng định: “Công dân nước Việt Nam dân chủ cộng hoà đều bình đẳng trước pháp luật” (Điều 22). Thông qua hai bản Hiến pháp của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà năm 1946 và 1959, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định quyền bình đẳng của mọi công dân Việt Nam trên tất cả các lĩnh vực, trong đó người phụ nữ và quyền bình đẳng của họ được Người đặc biệt quan tâm. Trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Bác nêu rõ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ cứu nước, phụ nữ vô cùng đảm đang, đã đóng góp rất nhiều trong chiến đấu và sán xuất. Đảng, Chính phủ cần có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày càng thêm nhiều phụ nữ phụ trách nhiều công việc kể cả lãnh đạo. Phụ nữ phải phấn đấu vươn lên, đây là thực sự là một cuộc cách mạng”[7].
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của cách mạng Việt Nam, nhà văn hoá kiệt xuất của thời đại. Tư tưởng Hồ Chí Minh về sự tiến bộ của phụ nữ và thực tiễn đấu tranh giải phóng con người chứa đựng những giá trị nhân văn cao đẹp. Người không chỉ cảm thông sâu sắc với sự thống khổ của người phụ nữ Việt Nam và phụ nữ các dân tộc thuộc địa trên thế giới, mà còn đoàn kết, thức tỉnh họ tham gia vào công cuộc kiến thiết nước nhà, giải phóng dân tộc, giải phóng chính mình và đấu tranh vì sự tiến bộ chung của loài người.
Nguyễn Văn Quang