Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu
Cập nhật 07/12/2023

Từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, dựa vào dân, đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân là quy luật phát triển, cội nguồn sức mạnh chiến đấu và chiến thắng của Quân đội nhân dân Việt Nam trong suốt 79 năm qua.

 

Cách đây 79 năm, thực hiện chủ trương của Trung ương Ðảng và Chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, ngày 22/12/1944, Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân - đội quân chủ lực đầu tiên, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam, được thành lập tại khu rừng giữa hai tổng Hoàng Hoa Thám và Trần Hưng Ðạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng (nay là xóm Na Sang, xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng).

          Lần đầu tiên trong lịch sử nước ta có một quân đội kiểu mới do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện; một quân đội cách mạng từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu, mang bản chất giai cấp công nhân, tính nhân dân, tính dân tộc sâu sắc; chiến đấu vì mục tiêu lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.

          Từ buổi đầu thành lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định đội quân đó từ nhân dân mà ra nên phải dựa vào dân, luôn gắn bó với nhân dân, gần gũi nhân dân, hết lòng hết sức phục vụ nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu để được dân tin, dân yêu, dân giúp đỡ, bao bọc và chở che. Vì chỗ dựa vững chắc nhất của quân đội là lòng dân, cho nên "trung với nước, hiếu với dân là bổn phận thiêng liêng, một trách nhiệm nặng nề nhưng cũng là vinh dự của người chiến sỹ" và "phải làm cho quân đội ta thành một quân đội chân chính của nhân dân."

          Đồng thời, thấm nhuần chỉ dẫn của Người: "Điểm trọng yếu là bất kỳ bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, dân quân du kích đều phải bám sát lấy dân, rời dân ra nhất định thất bại. Bám lấy dân là làm sao cho được lòng dân, dân tin, dân mến, dân yêu. Như vậy thì bất kể việc gì khó cũng làm được cả và nhất định thắng lợi."

          Đây chính là sức mạnh của quân đội cách mạng, thể hiện sâu sắc tư tưởng xây dựng quân đội nhân dân cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng thời cho thấy sự khác biệt với quan điểm quân sự tư sản, lấy vai trò của chỉ huy với một đội quân nhà nghề cùng súng ống, vũ khí và trang bị kỹ thuật làm sức mạnh. Đó luôn là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và sản xuất, thực hiện tốt nhiệm vụ vừa tiêu diệt địch, bảo vệ nhân dân vừa xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

          Đó cũng chính là đội quân luôn trung thành tuyệt đối với mục tiêu, lý tưởng cách mạng của Đảng, với lợi ích của giai cấp công nhân, của dân tộc và nhân dân lao động, luôn thực hiện mối quan hệ quân dân gắn bó "như cá với nước" và nhận được sự góp sức người, sức của từ nhân dân.

          Trong kháng chiến hay hòa bình, mục tiêu, lý tưởng và mọi hoạt động của Quân đội nhân dân Việt Nam đều là vì dân. Vừa mới thành lập, cán bộ, chiến sỹ quân đội cùng với các đoàn thể cách mạng tích cực vận động nhân dân đấu tranh giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, sau đó, vừa chiến đấu chống các thế lực phản cách mạng, vừa chiến đấu chống quân xâm lược, giữ gìn an ninh trật tự, bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân; thực hiện kháng chiến, kiến quốc; cùng nhân dân "diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm"…

          Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, quân đội nhanh chóng xây dựng, phát triển. Quân đội vừa chiến đấu chống thực dân Pháp và tay sai, bảo vệ nhân dân, bảo vệ cơ quan kháng chiến, vừa tham gia xây dựng cơ sở cách mạng, chuẩn bị lực lượng, phối hợp đánh địch... cùng toàn Đảng, toàn dân lập nên Chiến thắng Điện Biên Phủ lịch sử năm 1954.

          Khi miền Bắc hòa bình, quân đội cùng nhân dân khôi phục sản xuất, phát triển kinh tế; tham gia thực hiện cải cách ruộng đất, xây dựng đời sống mới, giúp đỡ xây dựng tổ chức đảng và chính quyền các cấp, đồng thời, tích cực đấu tranh chống các khuynh hướng tư tưởng cơ hội, xét lại, các luận điệu xuyên tạc của các thế lực phản động, bảo vệ nền tảng chính trị của nhân dân và quân đội.

Trong kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của quân đội là chiến đấu chống quân xâm lược và bè lũ tay sai, giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc.

          Cán bộ, chiến sỹ quân đội không quản gian khổ, hy sinh, vừa chống địch càn quét, bảo vệ cơ sở cách mạng, vừa hỗ trợ nhân dân nổi dậy đấu tranh; dẫn dắt, xây dựng, huấn luyện dân quân du kích, tự vệ; bảo vệ chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc, giải phóng miền Nam, giành độc lập, thống nhất, dân chủ, hòa bình trong cả nước. Đó cũng là quá trình quân đội tiến lên chính quy, từng bước hiện đại và cùng nhân dân lao động, xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền nhân dân.

          Trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, Quân đội nhân dân Việt Nam tiếp tục phát huy bản chất cách mạng, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ," thực hiện tốt chức năng "đội quân chiến đấu, đội quân công tác, đội quân lao động sản xuất" trong tình hình mới,

          Đồng thời, Quân đội nhân dân Việt Nam thể hiện rõ vai trò là lực lượng nòng cốt trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân, xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố vững chắc; luôn sẵn sàng chiến đấu và chiến đấu thắng lợi bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; chủ động đấu tranh làm thất bại âm mưu, thủ đoạn "diễn biến hòa bình" của các thế lực thù địch, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

          Cùng với nhiệm vụ chiến đấu, quân đội luôn đi đầu trong tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước; tham gia tích cực, có hiệu quả vào phát triển kinh tế-xã hội, giúp nhân dân xóa đói giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, xây dựng cơ sở chính trị, đời sống văn hóa mới... nhất là trên các địa bàn chiến lược, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; luôn xung kích, nòng cốt trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, cứu hộ, cứu nạn...

          Hình ảnh cán bộ, chiến sỹ Quân đội luôn có mặt ở những nơi xung yếu, khó khăn, nguy hiểm, xả thân để bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân và làm công tác dân vận đã tô thắm thêm phẩm chất, truyền thống "Bộ đội Cụ Hồ"; thắt chặt mối quan hệ đoàn kết, gắn bó máu thịt quân-dân, xây dựng "thế trận lòng dân" vững chắc, tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa, tạo nền tảng để xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân gắn với thế trận an ninh nhân dân ngày càng vững mạnh.

          Có thể nói, ở mọi thời kỳ, Quân đội nhân dân Việt Nam luôn là chỗ dựa trung thành, tin cậy của nhân dân, bảo vệ lợi ích của nhân dân, lấy phụng sự nhân dân làm mục tiêu lý tưởng; gắn bó máu thịt với nhân dân và tôn trọng, phát huy, bảo vệ quyền làm chủ của nhân dân; chịu sự giám sát của nhân dân và dựa vào nhân dân để xây dựng, chiến đấu.

          Lịch sử cách mạng Việt Nam từ khi có Đảng lãnh đạo đã chứng minh rằng Quân đội nhân dân Việt Nam "mạnh là nhờ giáo dục khéo, nhờ chính sách đúng và kỷ luật nghiêm" và "quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục." Đó cũng chính là quá trình trang bị và giáo dục cho những người quân nhân cách mạng về lý tưởng, mục tiêu, đường lối của Đảng, về nhiệm vụ cách mạng, thể hiện từ nhận thức trở thành bản lĩnh chính trị, thành niềm tin, thành ý chí và quyết tâm hành động.

          Quân đội nhân dân Việt Nam là tập hợp đông đảo những người công nhân, nông dân, trí thức dũng cảm vốn xuất thân "từ nhân dân mà ra, vì nhân dân mà chiến đấu" đã luôn dựa vào nhân dân như "cá với nước"; có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân, sẵn sàng chiến đấu vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì chủ nghĩa xã hội.

          Mỗi cán bộ, chiến sỹ dù ở cấp bậc nào cũng luôn rèn luyện và gương mẫu về đạo đức, lối sống trong chiến đấu cũng như trong cuộc sống đời thường; luôn nỗ lực học tập để nâng cao năng lực toàn diện, sẵn sàng tác chiến trong thời chiến cũng như thời bình; đều sẵn sàng vượt qua cực khổ, khó khăn, chống lại những vinh hoa, phú quý không chính đáng; luôn thương yêu giúp đỡ lẫn nhau, đồng cam cộng khổ cùng nhau trên cơ sở thực sự phát huy dân chủ.

          Là quân đội của nhân dân, gắn bó và yêu thương, kính trọng nhân dân, vì nhân dân mà chiến đấu, đó là bản chất của quân đội cách mạng, đó cũng chính là nhân tố quan trọng góp phần làm nên sức mạnh tổng hợp về chính trị, tinh thần, ý chí quyết chiến, quyết thắng, tài thao lược của quân đội ta trước mọi kẻ thù, trong mọi hoàn cảnh. Là quân đội của nhân dân, những người lính "bộ đội Cụ Hồ" không chỉ đánh giặc giỏi mà còn là những người sẵn sàng giúp dân về mọi mặt, xứng đáng với niềm tin yêu của nhân dân, nhưng quyết "không động đến một cái kim, một sợi chỉ của dân," để "khi mình chưa đến, thì dân trông mong, khi mình đến thì dân giúp đỡ, khi mình đi nơi khác thì dân luyến tiếc."

          Kế thừa, phát huy bản chất, truyền thống tốt đẹp đó, cán bộ, chiến sỹ quân đội cần đề cao trách nhiệm, gương mẫu trong lời nói, quyết liệt trong hành động, nhằm giữ gìn, phát triển mối quan hệ đoàn kết gắn bó máu thịt với nhân dân.

          Hiện nay, các thế lực thù địch đang tìm mọi cách chống phá, chia rẽ mối quan hệ đoàn kết gắn bó "máu-thịt," "cá-nước" giữa quân đội và nhân dân bằng nhiều thủ đoạn tinh vi, thâm độc, nên cán bộ, chiến sỹ trong toàn quân càng phải giữ mối liên hệ mật thiết với nhân dân, chấp hành nghiêm kỷ luật trong quan hệ quân dân, gây lòng tin cậy, yêu mến của nhân dân, thực hiện quân với dân một ý chí.

          Các đơn vị quân đội tiếp tục thực hiện tốt chức năng "đội quân công tác"; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tích cực tham gia xây dựng cơ sở chính trị, hỗ trợ, giúp nhân dân phát triển sản xuất, xóa đói giảm nghèo, nâng cao dân trí, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo, vùng căn cứ cách mạng.

          Quân đội thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án phát triển kinh tế-xã hội, kết hợp xây dựng, củng cố vững chắc nền quốc phòng toàn dân, thế trận quốc phòng toàn dân, an ninh nhân dân; thực hiện tốt chính sách hậu phương quân đội, công tác "đền ơn đáp nghĩa"...

          Cùng với đó, quân đội tiếp tục phát huy vai trò là lực lượng xung kích, nòng cốt, chỗ dựa tin cậy của nhân dân trong phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, khắc phục hậu quả chiến tranh, góp phần củng cố vững chắc "thế trận lòng dân," tạo nền tảng để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày