VAI TRÒ CỦA LÃNH TỤ HỒ CHÍ MINH VỚI VIỆC THÀNH LẬP ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM
Cập nhật 30/01/2024

Sự ra đời của Đảng cộng sản Việt Nam (ngày 03/02/1930) là một tất yếu khách quan, bắt nguồn từ thực tiễn cuộc đấu tranh của nhân dân chống sự nô dịch đế quốc, được soi rọi dưới ánh sáng của chủ nghĩa Mác - Lênin, phù hợp với quy luật vận động của cách mạng thế giới và sự nghiệp cách mạng nước ta. Đảng ra đời đã đáp ứng những yêu cầu khách quan, thiết yếu và cấp bách của dân tộc là độc lập, tự do và phát triển. Đảng thành lập là kết quả của nhiều yếu tố, trong đó vai trò của lãnh tụ Hồ Chí Minh là rất to lớn, Người thực hiện sứ mệnh lịch sử sáng lập chính đảng vô sản ở Việt Nam, với những sáng tạo lý luận xuất sắc. Từ đây, cách mạng Việt Nam có một đảng cách mạng chân chính dẫn đường cho toàn dân đứng lên đánh đổ ách áp bức, bóc lột của thực dân, phong kiến đem lại độc lập cho dân tộc, ấm no, tự do, hạnh phúc cho Nhân dân.

Những chuyến đi, những cuộc khảo nghiệm, dấu chân của Chủ tịch Hồ Chí Minh từng in trên 3 đại dương, 4 châu lục và khoảng 30 quốc gia trong 10 năm (1911 - 1920). Quá trình thâm nhập thực tiễn rộng lớn đó đã giúp người thanh niên yêu nước nhận thức rõ hơn, khái quát hơn những vấn đề mang tính bước ngoặt quan trọng, đó là nhận ra diện mạo, bản chất của chủ nghĩa đế quốc, chủ nghĩa thực dân: Ở đâu bọn đế quốc, thực dân cũng tàn bạo, độc ác; ở đâu những người lao động cũng bị bóc lột, áp bức nặng nề và “dù màu da có khác nhau, trên đời này chỉ có hai giống người: giống người bóc lột và giống người bị bóc lột”. Nhận ra bản chất của các cuộc cách mạng qua nghiên cứu các cuộc cách mạng của các nước tư bản chủ nghĩa: “Cách mệnh Pháp cũng như cách mệnh Mỹ, nghĩa là cách mệnh tư bản. Cách mệnh không đến nơi, không triệt để, tiếng nói là cộng hòa là dân chủ. Kỳ thực bên trong thì nó bóc lột công nông trong nước, ở ngoài thì áp bức thuộc địa”[1]. Bắt gặp lý tưởng của Chủ nghĩa Mác - Lênin: Người đã tìm thấy con đường cứu nước giải phóng cho dân tộc - con đường cách mạng vô sản. Sau này Người có kể lại: “Luận cương của Lênin đã làm cho tôi rất cảm động, phấn khởi, sáng tỏ, tin tưởng biết bao! Tôi vui mừng đến phát khóc lên. Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng cho chúng ta”[2]. Có thể khẳng định, chính chủ nghĩa yêu nước đã đưa Nguyễn Ái Quốc tìm đến lý tưởng cao quý của chủ nghĩa Mác - Lênin, với khát vọng mang lại hòa bình cho dân tộc, Người đưa ra những thông điệp mang giá trị vĩnh hằng, đó là những thông điệp về hòa bình, độc lập, tự do, hạnh phúc, dân chủ, đó chính là: độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội - con đường Người lựa chọn suốt 100 năm qua, nay vẫn là sợi chỉ đỏ, là kim chỉ nam cho cách mạng Việt Nam.

Khi xác định con đường cách mạng Việt Nam là con đường cách mạng vô sản theo cách mạng Tháng Mười Nga, theo Quốc tế Cộng sản thì Nguyễn Ái Quốc bằng hoạt động thực tiễn tích cực của mình ở nước ngoài đã tiến hành truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin về Việt Nam, quá trình truyền bá đi từ thức tỉnh đến giác ngộ, từ lựa chọn con đường đến hành động cách mạng theo con đường cách mạng vô sản.

Về tư tưởng: Nguyễn Ái Quốc đã dùng ngòi bút của mình tích cực tố cáo, lên án bản chất bóc lột của chủ nghĩa thực dân đối với nhân dân các nước thuộc địa và kêu gọi, thức tỉnh nhân dân bị áp bức đấu tranh giải phóng. Người đã góp phần quan trọng vào việc tố cáo tội ác của chủ nghĩa thực dân Pháp ở các thuộc địa. Chỉ rõ bản chất của chủ nghĩa thực dân, xác định chủ nghĩa thực dân là kẻ thù chung của các dân tộc thuộc địa, của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên thế giới. Đồng thời tiến hành tuyên truyền tư tưởng Mác - Lênin, xây dựng mối quan hệ gắn bó giữa những người cộng sản và nhân dân lao động Pháp với các nước thuộc địa và phục thuộc.

Về chính trị: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc đã hình thành một hệ thống luận điểm chính trị: Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc khẳng định con đường cách mạng của các dân tộc bị áp bức; xác định cách mạng giải phóng dân tộc là một bộ phận của cách mạng vô sản thế giới; xác định lực lượng cách mạng; xác định vai trò lãnh đạo của Đảng; cách mạng là sự nghiệp của quần chúng nhân dân. Những luận điểm ấy sau này phát triển thành những nội dung cơ bản trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Về tổ chức: Nguyễn Ái Quốc đã dày công chuẩn bị về mặt tổ chức cho sự ra đời của chính đảng vô sản của giai cấp công nhân Việt Nam. Đó là huấn luyện, đào tạo cán bộ, từ các lớp huấn luyện do Người tiến hành ở Quảng Châu (Trung Quốc) để vừa chuẩn bị cán bộ, vừa truyền bá chủ nghĩa Mác - Lênin. Năm 1925, Nguyễn Ái Quốc thành lập Hội Việt Nam cách mạng thanh niên, ra báo Thanh niên, mở lớp đào tạo cán bộ cách mạng cho 75 đồng chí. Hội Việt Nam cách mạng thanh niên đã giúp cho những người Việt Nam yêu nước xuất thân từ các thành phần, tầng lớp dễ tiếp thu tư tưởng cách mạng của Người, phản ánh tư duy sáng tạo và là thành công của Người trong chuẩn bị về mặt tổ chức cho Đảng ra đời.

Trong những năm 1928 - 1929, phong trào đấu tranh cách mạng của nhân dân ta tiếp tục phát triển mạnh về số lượng và chất lượng. Chủ nghĩa Mác - Lênin được Nguyễn Ái Quốc và những chiến sĩ tiên phong truyền bá về trong nước, cùng với phong trào "vô sản hoá" đã làm chuyển biến phong trào công nhân, giác ngộ họ và tổ chức họ đấu tranh cách mạng một cách tự giác. Thông qua phong trào “vô sản hoá”, lớp lớp thanh niên yêu nước được rèn luyện trong thực tiễn, giác ngộ lập trường giai cấp công nhân sâu sắc, hiểu rõ nguyện vọng, lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thúc đẩy phong trào công nhân và phong trào yêu nước phát triển mạnh mẽ, tiến tới sự ra đời của các tổ chức cộng sản đầu tiên ở Việt Nam, tạo điều kiện chín muồi và hợp qui luật cho sự ra đời của Đảng.

Năm 1929, Nguyễn Ái Quốc đang hoạt động ở Xiêm (Thái Lan), mặc dù chưa nhận được chỉ thị của Quốc tế cộng sản về yêu cầu thống nhất các tổ chức cộng sản ở Việt Nam. Song với sự nhạy bén về chính trị, sự chủ động cao, thực hiện trọng trách lịch sử đối với dân tộc, với vai trò, trách nhiệm trong Quốc tế cộng sản, Nguyễn Ái Quốc đã chủ động triệu tập Hội nghị hợp nhất, thực hiện sứ mệnh lịch sử của người sáng lập Đảng Cộng Sản Việt Nam. Từ ngày 06/01/1930 đến ngày 07/02/1930, tại Cửu Long – Hồng Công (Trung Quốc), Hội nghị hợp nhất đã được tiến hành dưới sự chủ trì của Nguyễn Ái Quốc. Tham dự Hội nghị có các đại biểu của Đông Dương Cộng sản Đảng (2 đại biểu) và An Nam Cộng sản Đảng (2 đại biểu) và 2 đại biểu hải ngoại (Hồ Tùng Mậu và Lê Hồng Sơn). Còn Đông Dương Cộng sản Liên đoàn đã thành lập, song chưa có liên hệ, nên chưa được triệu tập đại biểu đến dự (và ngày 24/02/1930, tổ chức này được hợp nhất vào Đảng Cộng sản Việt Nam). Với sự nhất trí cao, Hội nghị đặt tên Đảng là Đảng Cộng sản Việt Nam và thông qua Chánh cương vắn tắt của Đảng, Sách lược vắn tắt của Đảng, Điều lệ vắn tắt của Đảng, Chương trình tóm tắt của Đảng do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc soạn thảo. Các văn kiện đã trở thành Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng.

Chánh cương vắn tắt của Đảng do lãnh tụ Hồ Chí Minh soạn thảo, đã thể hiện rõ con đường giải phóng và phát triển của dân tộc Việt Nam là “làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng” (tức cách mạng dân tộc dân chủ), “thực hiện mục tiêu độc lập dân tộc và người cày có ruộng” để đi tới xã hội cộng sản”[3]. Nhiệm vụ của cách mạng tư sản dân quyền và thổ địa cách mạng, tức cách mạng dân tộc, dân chủ, trong đó giành hết độc lập dân tộc được đặt ở vị trí trên hết. Ở Việt Nam, trước hết phải làm “dân tộc cách mệnh”, tức trước hết phải đánh đổ sự cai trị, nô dịch dân tộc của chủ nghĩa đế quốc, giành lại quyền bình đẳng dân tộc, tự do cho dân nước mình: “dân tộc cách mệnh thì chưa phân giai cấp, nghĩa là sĩ, nông, công, thương đều nhất trí chống lại cường quyền”[4]. Có thể thấy, trong Chánh cương vắn tắt, Hồ Chí Minh đã thực hiện 3 cuộc giải phóng cách mạng vô sản ở một nước thuộc địa như nước ta là: giải phóng dân tộc phải tiến hành trước tiên, tạo tiền đề giải phóng giai cấp, giải phóng xã hội. Nói một cách khác giải phóng, giành độc lập dân tộc là bước đi đầu tiên của cuộc cách mạng vô sản ở nước thuộc địa, ở Việt Nam. Đây là một luận điểm cơ bản, chính yếu trong Cương lĩnh chính trị đầu tiên của Đảng. Đây cũng là một đóng góp đặc sắc, bổ sung phát triển chủ nghĩa Mác –Lênin trên phương diện lý luận về các mô hình vận động, phát triển của cuộc cách mạng vô sản.

Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là một tất yếu lịch sử, có vai trò to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thể hiện những nỗ lực hoạt động nhận thức, phát triển lý luận cách mạng gắn liền với hoạt động thực tiễn không mệt mỏi của Người, đặc biệt là ở những luận điểm cách mạng độc đáo và sáng tạo, xác lập. Nói cách khác, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời là kết quả của sự kết hợp của Chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với phong trào công nhân và phong trào yêu nước.

Trải qua 94 năm, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện, sự nghiệp cách mạng nước ta đã giành được những thắng lợi vĩ đại, có ý nghĩa lịch sử và thời đại. Nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự dẫn dắt của lãnh tụ Hồ Chí Minh đã đoàn kết, đồng lòng đánh thắng các thế lực thù địch, những chiến công đã đi vào lịch sử như Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cuộc kháng chiến chống Pháp 1945 -1954, cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước 1954 - 1975. Đặc biệt, những thành tựu của công cuộc đổi mới sau 35 năm qua, càng chứng minh cho sự lựa chọn đắn con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta và khẳng định vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Những thắng lợi to lớn đó đã chứng minh một chân lý: “sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng là nhân tố hàng đầu quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam” [5].

Kỷ niệm 94 năm thành lập Đảng, chúng ta càng thấy công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với sự nghiệp cách mạng của dân tộc ta. Tưởng nhớ và khắc sâu công lao to lớn của Người, mỗi cán bộ, đảng viên phải ra sức học tập, nghiên cứu trau dồi kiến thức lý luận và thực tiễn, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Chủ tịch Hồ Chí Minh để vận dụng vào giải quyết những vấn đề trong thực tiễn công cuộc đổi mới đất nước. Qua đó, tích cực đấu tranh chống các quan điểm sai trái phủ nhận vai trò của Đảng, hạ thấp uy tín của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với cách mạng Việt Nam, góp phần bảo vệ Đảng, lãnh tụ, chế độ và thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa và hội nhập quốc tế hiện nay. 

[1] Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb Chính trị Quốc gia, H.2000, t. 2, tr. 296

[2] Hồ Chí Minh: Con đường dẫn tôi đến với chủ nghĩa Mác - Lênin. Nxb Sự Thật. 1980

[3] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2

[4] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đảng toàn tập, tập 2, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2002, tr.2

[5] Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 2011, tr.66.

 

TH
Tin liên quan
Xem tin theo ngày