Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai
Cập nhật 16/02/2024

Từ khi thành lập đến nay, trải qua biết bao khó khăn, gian khổ, có những thời điểm đầy cam go, thử thách, nhưng Đảng ta đã lãnh đạo thành công cuộc Cách mạng Tháng Tám, thành lập Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa, tiến hành thắng lợi hai cuộc kháng chiến chống kẻ thù xâm lược là thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, trong cuộc chiến của Trung Quốc, bảo vệ vững chắc chủ quyền thiêng liêng, cứu nhân dân Cam - pu - chia thoát khỏi họa diệt chủng của Pôn Pốt.

Ngày 17/02/1979, “Tiếng súng đã vang trên bầu trời biên giới/ Gọi toàn dân ta vào cuộc chiến đấu mới". Đã 45 năm trôi qua nhưng ký ức về cuộc chiến đấu bảo vệ Tổ quốc của dân tộc ta ở biên giới phía Bắc không thể nào quên trong lòng của mỗi người dân Việt Nam. Tiếp nối các thế hệ sau lại tiếp bước lên đường, bất chấp hiểm nguy, sẵn sàng hy sinh để bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc. Tự hào biết bao người Mẹ Việt Nam anh hùng đã sản sinh ra những người con anh hùng, bất khuất. Dân tộc Việt Nam đời đời ghi nhớ công ơn to lớn của các anh hùng liệt sĩ đã anh dũng hy sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc năm 1979, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng giàu đẹp.

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII khẳng định “đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như hiện nay”. Qua gần 40 năm đổi mới, Đảng Cộng sản Việt Nam đã lãnh đạo đất nước đạt được thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện; khẳng định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của nước ta là phù hợp với thực tiễn và xu thế phát triển chung của thời đại, đưa đất nước vững bước tiến lên, phát triển nhanh và bền vững. Việt Nam đã xây dựng một đường lối đối nội và đối ngoại đúng đắn, với một trường phái ngoại giao rất đặc sắc và độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam". Việt Nam sẵn sàng hợp tác rộng mở với tất cả các nước, không phân biệt ý thức hệ, "muốn là bạn", "sẵn sàng là bạn", "là bạn, là đối tác tin cậy",... đã thể hiện rõ bước phát triển trong nhận thức của Đảng và Nhà nước Việt Nam về đối ngoại hòa bình, hợp tác và phát triển. Tính đến năm 2023, Việt Nam đã có quan hệ ngoại giao với 189 nước trong tổng số 193 quốc gia thành viên Liên hợp quốc, trong đó có 3 nước có "quan hệ đặc biệt", 18 nước "đối tác chiến lược" và 14 nước "đối tác toàn diện". Trên bình diện đa phương, Việt Nam là thành viên tích cực và có trách nhiệm của hơn 70 tổ chức, diễn đàn quốc tế quan trọng, như Liên hợp quốc (UN), Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á - Thái Bình Dương (APEC), Diễn đàn hợp tác Á - Âu, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO)... Đảng Cộng sản Việt Nam đã có quan hệ với 247 chính đảng ở 111 quốc gia.

“Khép lại quá khứ, hướng đến tương lai”, trong những năm qua quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc ngày càng phát triển, không ngừng vun đắp mối quan hệ, đảm bảo hòa bình, an ninh trong khu vực. Mặc dù có giai đoạn rất khó khăn, phức tạp, nhưng kể từ khi bình thường hóa năm 1991, quan hệ hai nước được khôi phục nhanh chóng, về tổng thể cơ bản phát triển toàn diện theo xu thế ngày càng ổn định, tích cực, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển của thời đại. Khuôn khổ quan hệ hai nước không ngừng được bổ sung, hoàn thiện với phương châm 16 chữ “Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” (năm 1999), tinh thần “bốn tốt”“láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt” (năm 2002) và thiết lập khuôn khổ quan hệ “Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện” (năm 2008). Hai bên đã giải quyết triệt để 2/3 vấn đề tồn tại về biên giới, lãnh thổ do lịch sử để lại với việc ký Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ (tháng 12/2000) và hoàn thành đúng hạn việc phân giới cắm mốc toàn tuyến biên giới trên đất liền (tháng 12/2008). Về vấn đề Biển Đông, Lãnh đạo cấp cao hai Đảng, hai nước đã đạt nhận thức chung quan trọng, trong đó có duy trì hòa bình, ổn định trên biển, kiểm soát và giải quyết tốt bất đồng, tuân thủ “Thỏa thuận về những nguyên tắc cơ bản chỉ đạo giải quyết vấn đề trên biển Việt Nam - Trung Quốc” (ký năm 2011). Việt Nam nhất quán chủ trương giải quyết vấn đề Biển Đông bằng biện pháp hòa bình trên cơ sở Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS 1982).

Sau 15 năm triển khai khuôn khổ quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện (2008 - 2023), quan hệ hai nước đã phát triển tích cực trên các lĩnh vực, đặc biệt là sau chuyến thăm lịch sử đến Trung Quốc của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (30/10 - 01/11/2022). “Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc” được ra trong chuyến thăm này đã tăng cường định hướng chiến lược, tiếp thêm động lực phát triển cũng như sức lan tỏa mạnh mẽ cho quan hệ Việt - Trung. Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình và Phu nhân đã có chuyến thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam từ ngày 12 - 13/12/2023. Trong chuyến thăm, hai bên đã ra “Tuyên bố chung nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa về việc tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện, xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Tiêu đề của Tuyên bố chung thể hiện sự coi trọng cao độ của hai bên đối với sự phát triển quan hệ hai nước về “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện”, theo đó có phát triển mới về việc “xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược”. Nội dung Tuyên bố chung thể hiện sự kế thừa, đồng thời bổ sung những nhận thức chung quan trọng về quan hệ song phương và các phương hướng, biện pháp triển khai trong thời gian tới.

Dù còn tồn tại một số bất đồng nhưng khẳng định rằng, hợp tác và hữu nghị luôn đóng vai trò chủ đạo, mang tính tất yếu trong sự phát triển của quan hệ hai bên, phù hợp với nguyện vọng và lợi ích của nhân dân hai nước và phù hợp với xu thế hòa bình, hợp tác cùng phát triển của thời đại. Chúng ta phê phán những luận điệu sai trái, thù địch xuyên tạc, vu cáo lợi dụng sự kiện biên giới phía Bắc năm 1979 để kích động hận thù, chống phá Đảng và Nhà nước ta, chia rẽ quan hệ hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc.

Kỷ niệm 45 năm cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc (17/02/1979 - 17/02/2024) là dịp chúng ta ôn lại lịch sử hào hùng của dân tộc, khẳng định tính chính nghĩa của nước ta trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đây là dịp tri ân đến các thế hệ cha anh đã anh dũng hy sinh máu xương của mình để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ; tuyên truyền, giáo dục thế hệ trẻ về lòng tự hào, tự tôn dân tộc, tiếp bước truyền thống yêu nước, đoàn kết để xây dựng và phát triển đất nước ngày càng phồn vinh, hạnh phúc.

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày