TÌNH YÊU THƯƠNG CỦA BÁC
Cập nhật 15/05/2024

Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng mẫu mực về tình yêu tha thiết của Người đối với quê hương, đất nước, đồng chí, đồng bào, tất cả những người lao khổ bị áp bức trên trái đất. Đó là một trong những đức tính cao quý của Bác.

Cội nguồn của niềm tin và nghị lực vô biên của Bác đối với sự nghiệp cách mạng, đó là tình thương yêu của Bác đối với nước, với dân, với đồng bào, đồng loại bị áp bức, bóc lột, khổ đau. Lúc sinh thời, Người nói: "Một ngày mà Tổ quốc chưa thống nhất, đồng bào còn chịu khổ là một ngày tôi ăn không ngon, ngủ không yên", "Mỗi người, mỗi gia đình đều có một nỗi đau khổ riêng và gộp cả những nỗi đau khổ riêng của mỗi người, mỗi gia đình lại thì thành nỗi đau khổ của tôi". Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói về Bác: "Ý chí cách mạng của Hồ Chủ tịch bắt nguồn từ tình cảm: tình cảm dân tộc, tình cảm giai cấp, từ sự cảm thông với biết bao đau khổ và bất công, với biết bao ước mơ một đời sống tươi sáng. Tình nhân đạo, tình thương đồng bào, đó là điều sâu sắc và tốt đẹp nhất trong con người Hồ Chủ tịch". Nhà thơ Tố Hữu đã ngợi ca:

  Bác sống như trời đất của ta/ Yêu từng ngọn lúa, mỗi cành hoa

  Tự do cho mỗi đời nô lệ/ Sữa để em thơ, lụa tặng già...

Tấm gương suốt đời phục vụ nhân dân của Bác thể hiện một tư tưởng lớn, một nhân cách lớn của một anh hùng giải phóng dân tộc, chiến sĩ lỗi lạc của phong trào cách mạng thế giới, một nhà văn hóa kiệt xuất. Tình yêu thương con người của Người rất cụ thể, rõ ràng từ việc lớn đến việc nhỏ: lo giải phóng cho con người khỏi áp bức, bóc lột, được tự do, hạnh phúc; đến việc giúp cho con người thoát dần khỏi cuộc sống đói nghèo, thiếu thốn,  lo bữa ăn, tấm áo, giấc ngủ... Để giúp cho nhiều người nghèo vượt qua nạn đói năm 1945, Người đã viết thư kêu gọi đồng bào cả nước: "Lúc chúng ta nâng bát cơm mà ăn, nghĩ đến kẻ đói khổ, chúng ta không khỏi động lòng. Vậy tôi xin đề nghị với đồng bào cả nước và tôi xin thực hành trước: Cứ 10 ngày nhịn ăn một bữa, mỗi tháng nhịn 3 bữa. Đem gạo đó để cứu dân nghèo". Nhờ đó mà nhân dân cả nước quyên góp được rất nhiều gạo để cứu đói.

Bác luôn dành tình cảm yêu thương và quan tâm chu đáo đối với tất cả mọi tầng lớp con người trong xã hội. Với Người, "trẻ em như búp trên cành" cần được chăm sóc tận tình chu đáo về mọi mặt và niềm tin là các cháu tiếp tục sự nghiệp của của cha ông, sẽ trở thành chủ nhân tương lai của đất nước. Khi mùa đông tới, Bác nhắc nhở chống rét cho các em nhỏ, các cụ già. Người dành tiền tiết kiệm của mình mua nước giải khát cho bộ đội phòng không uống và thăm bộ đội ngay trận địa pháo. Về thăm công nhân, Bác xuống tận công xưởng hỏi han, ân cần. Về thăm nông dân, Bác hỏi thăm và cùng tát nước, gặt lúa cùng bà con. Cứ đến ngày Thương binh, liệt sĩ, Bác đều viết thư thăm hỏi thương binh, bệnh binh, gia đình liệt sĩ... Trong Di chúc Người đã viết: "Đối với cha mẹ, vợ con (của thương binh và liệt sĩ) mà thiếu sức lao động và túng thiếu, thì chính quyền địa phương (nếu ở nông thôn thì chính quyền xã cùng hợp tác xã nông nghiệp) phải giúp đỡ họ có công việc làm ăn thích hợp, quyết không để họ bị đói rét". Còn "Đối với những nạn nhân của chế độ xã hội cũ, như trộm cắp, gái điếm, cờ bạc, buôn lậu, v.v... thì Nhà nước phải dùng vừa giáo dục, vừa phải dùng pháp luật để cải tạo họ, giúp họ trở nên những người lao động lương thiện".

Người nói về nhân dân chứa chan tình yêu thương và rất đỗi tự hào: "Nhân dân lao động ta ở miền xuôi cũng như miền núi, đã bao đời chịu đựng gian khổ, lại kinh qua nhiều năm chiến tranh. Tuy vậy, nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù. Từ ngày có Đảng, nhân dân ta luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng". Thấu hiểu nỗi khổ vì áp bức, bất công, vì những khó khăn, vất vả, mất mát trong trong chiến tranh của người dân lao động, Người đề nghị miễn thuế nông nghiệp một năm cho nông dân. Đối với đồng bào miền Nam, Bác nói: "Miền Nam luôn ở trong trái tim tôi". Sức mạnh của Đảng bắt nguồn từ sức mạnh của nhân dân. Sự nghiệp cách mạng của Đảng cũng chính là sự nghiệp của toàn dân dưới sự lãnh đạo của Đảng. Gắn bó với nhân dân, phục vụ nhân dân cũng chính là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Dù bận rất nhiều công việc nhưng trái tim của Người luôn hướng về nhân dân. Trong 10 năm (1959 - 1969), mặc dù tuổi đã cao, Người đã có trên 700 lần đi xuống cơ sở thăm và tìm hiểu tình cảnh của nhân dân.

Học tập tấm gương đạo đức của Bác Hồ là không chỉ làm lợi cho dân mà phải biết thương dân, kính dân, yêu quý người dân, phấn đấu cho người dân được sống trong đất nước được hòa bình, độc lập, được hưởng cuộc sống tự do, ấm no, hạnh phúc. Bác đã chỉ rõ: "Chúng ta phải yêu dân, kính dân thì dân mới yêu ta, kính ta". Đối với cán bộ, đảng viên, công chức, Bác căn dặn: "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm, việc gì hại cho dân, ta phải hết sức tránh".  Người khẳng định: "Trong bầu trời không có gì quý bằng nhân dân, trong thế giới không có gì mạnh bằng đoàn kết nhân dân, trong xã hội không có gì vẻ vang tốt đẹp bằng phục vụ nhân dân". Trong Di chúc của Bác thể hiện một tình yêu thương bao la, rộng lớn: "Cuối cùng, tôi để lại muôn vàn tình thân yêu cho toàn dân, toàn Đảng, cho toàn thể bộ đội, cho các cháu thanh niên và nhi đồng. Tôi cũng gửi lời chào thân ái đến các đồng chí, các bầu bạn và các cháu thanh niên, nhi đồng quốc tế".

Để phục vụ nhân dân theo đúng lời dạy của người, mỗi tổ chức đảng, mỗi cơ quan, đơn vị và từng cán bộ, đảng viên trong mỗi lời nói, việc làm, hành động phải xuất phát từ lợi ích của nhân dân để xây dựng các chủ trương, đường lối của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước. Luôn quan tâm đến đời sống nhân dân, thực hành dân chủ trong dân, quan tâm đến việc đảm bảo an sinh, điều kiện sống, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho nhân dân; xử lý kiên quyết, kịp thời những hành vi tham ô, lãng phí, mất dân chủ, xâm phạm đến lợi ích chính đáng của nhân dân.

Tháng Năm về, trong lòng mỗi người chúng ta lại xúc động, bồi hồi tưởng nhớ đến Bác Hồ kính yêu. Tự hào biết bao, dân tộc ta đã sản sinh ra người anh hùng và chính Người đã làm rạng rỡ non sông, đất nước ta, một lãnh tụ với tình yêu thương bao la, sâu nặng và thấm được tính nhân văn cao cả. Cho đến khi "phải từ biệt thế giới này", Người "không có điều gì phải hối hận, chỉ tiếc là tiếc rằng không được phục vụ lâu hơn nữa, nhiều hơn nữa" (Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh).

TXN

Tin liên quan
Xem tin theo ngày