Bức bình phong trấn lũ
Nằm cuối hạ lưu sông Hương, gần cửa biển Thuận An, rú Chá là một trong số ít khu rừng ngập mặn nguyên sinh quý hiếm còn sót lại trên cả nước.
Rộng chưa đầy 4 ha, rú Chá như một bức tranh thiên nhiên kỳ vĩ thơ mộng. Không chỉ mang giá trị du lịch, rừng ngập mặn này còn là nơi cư ngụ của nhiều loài thủy sinh vùng đầm phá khá phong phú.
Khu rừng quý hiếm này còn là bức bình phong trấn lũ, bảo vệ mùa màng, dân cư xã Hương Phong (TX. Hương Trà) trong mùa mưa bão. Bao quanh khu vực rú là những vựa tôm, cá, nguồn thủy sản dồi dào cho bộ phận cư dân đầm phá. Thấy rõ vai trò, tầm quan trọng, ngành kiểm lâm cùng với chính quyền địa phương mở rộng diện tích rừng ngập mặn quanh khu vực rú Chá lên gần 22 ha, gồm đước, sú, vẹt, bần chua, dừa nước...
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phong, ông Trần Viết Chức phấn khởi: “Rú Chá được bảo vệ, mở rộng diện tích, nguồn thủy sản sinh sôi, ngày càng phong phú, đa dạng sinh học. Nhiều hộ dân quanh rú Chá nhờ đánh bắt kết hợp nuôi trồng thủy sản đã ổn định cuộc sống, không ít hộ vươn lên khá giả, làm giàu. Bình quân mỗi năm, toàn xã thu về trên dưới 40 tỷ đồng từ đánh bắt, nuôi trồng thủy sản. Con em ngư dân được ăn học, đỗ đạt. Sau nhiều năm phấn đấu, địa phương đạt chuẩn nông thôn mới cũng chính nhờ vào kinh tế đầm phá”.
Tiến sĩ Phạm Ngọc Dũng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh đánh giá, diện tích rừng ngập mặn rú Chá mặc dù chỉ 3,83 ha, không đa dạng về thành loài nhưng có vai trò, giá trị rất quan trọng đối với hệ sinh thái đất ngập nước. Khu rừng nguyên sinh quý hiếm này còn là “bức tường xanh” giúp giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, bảo vệ đê điều và tăng khả năng ứng phó với tác động của biến đổi khí hậu.
Hiện, rú Chá được mở rộng diện tích thêm 18,07 ha, gồm các loài đước, sú, vẹt, bần chua… nhưng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế vùng đầm phá Tam Giang và trước xu thế bảo vệ môi trường, dân cư, các công trình trong điều kiện tác động của biến đổi khí hậu, bão, lũ diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường. Mở rộng diện tích rú Chá là điều tất yếu, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội không chỉ cho Hương Phong mà còn nhiều địa phương vùng đầm phá, ven biển của tỉnh.
Hướng đến rừng đa mục tiêu
Ông Phạm Ngọc Dũng lý giải, xã Hương Phong chỉ cách trung tâm TP. Huế chừng 13km, cách thị trấn Thuận An và các xã ven biển Phú Vang vài km là lợi thế lớn cho việc mở rộng rú Chá phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương. Đây còn là vùng đất có nhiều tiềm năng phát triển du lịch sinh thái rừng ngập mặn, đất mặt nước phá Tam Giang với lợi thế nguồn thủy hải sản dồi dào, giao thông đường thủy, cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, truyền thống lịch sử cách mạng, văn hóa, lễ hội dân gian…Trong đó, rừng ngập mặn và mặt nước phá Tam Giang là hai yếu tố hết sức quan trọng để thúc đẩy phát triển du lịch sinh thái nói riêng, phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói chung.
Các mô hình trồng rừng ngập mặn trên địa bàn xã Hương Phong thời gian qua cho thấy, các loài cây phù hợp với vùng đất này, sinh trưởng và phát triển tốt như bần, dừa nước, đước vòi… Đây là cơ sở thực tiễn để định hướng các loài cây trồng cho đề án phát triển rừng ngập mặn tại địa phương lên hơn 200 ha trong thời gian đến.
Các loài cây được lựa chọn trồng rừng tập trung bao gồm các loài đước, vẹt, bần, trang, dừa nước... Tùy thuộc vào điều kiện lập địa để chọn loài cây trồng phù hợp. Để xây dựng bảo tàng gen các loài thực vật ngập mặn đặc trưng của Việt Nam, đề án sẽ tổ chức sưu tập, gây trồng khoảng 50 loài cây ngập mặn chủ yếu, đặc trưng của ba miền Bắc, Trung, Nam; gồm các loài cây trồng rừng ngập mặn tập trung nêu trên và các loài mới như cóc trắng, cóc vàng, cóc hồng, sú, trang, xu ổi, dà quánh, dà vôi, mắm...
Rừng ngập mặn lớn nhất vùng duyên hải miền Trung được hình thành tạo điều kiện, thu hút nhiều thành phần kinh tế tham gia vào hoạt động quản lý, sử dụng rừng ngập mặn, phát triển du lịch, dịch vụ, mở ra cơ hội mới trong việc nâng cao giá trị sản xuất nông lâm nghiệp, góp phần tăng trưởng kinh tế bền vững cho Hương Phong và các vùng lân cận.
Có một doanh nghiệp đã xin tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng khu du lịch, nghỉ dưỡng tại khu vực rú Chá. Tại đây, nhà đầu tư sẽ xây dựng hệ thống nhà hàng, khách sạn... phục vụ lưu trú, tham quan rừng ngập mặn; các dịch vụ trải nghiệm đời sống cư dân vùng sông nước, đầm phá Tam Giang, kết hợp với các tour tham quan di tích lịch sử, văn hóa, sản xuất nông nghiệp... ở địa phương và các vùng lân cận.
Mở rộng diện tích rừng ngập mặn rú Chá trên vùng đầm phá Tam Giang tạo điều kiện phục hồi, tạo thêm các bãi giống, bãi đẻ cho các loài thủy sản. Các đai rừng ngập mặn trồng dọc ven bờ phá Tam Giang, ven bờ sông Hương (khu vực cửa biển Thuận An) là những nơi nuôi dưỡng, bảo vệ ấu trùng, ấu thể trước những bất lợi của thời tiết như sóng cao, gió lớn; cung cấp thức ăn cho nhiều loài thủy hải sản có giá trị kinh tế. Các bãi giống, bãi đẻ tự nhiên cho các loài thủy sản nhờ đó cũng được hình thành.
Rừng ngập mặn rộng lớn này còn là nơi bảo vệ các động vật khi nước triều dâng và sóng lớn. Nhiều loài động vật sống trong hang, hoặc trên mặt bùn như cá lác, các loài còng, cáy, ốc... khi gặp thời tiết bất lợi, nước triều cao, sóng lớn sẽ trèo lên cây tránh sóng, khi lặng gió và triều xuống chúng trở lại chốn cũ sinh tồn.
Cây ngập mặn trồng trên bờ của các ao nuôi thủy sản có khả năng xử lý các chất phế thải từ thức ăn thừa, phân, vỏ tôm, cua, cá từ các ao nuôi thủy sản, góp phần làm sạch môi trường. Tán lá cây ngập mặn trồng xung quanh ao nuôi vừa tạo bóng mát, vừa hạn chế đáng kể lượng nước trong ao bốc hơi khi trời nắng nóng, giúp cho nhiệt độ và độ mặn của nước trong ao không tăng đột ngột, không gây sốc cho con nuôi. Sức khỏe của các loài thủy sản nuôi ở những đầm quảng canh gần rừng ngập mặn, hoặc trong các ao nuôi có trồng cây ngập mặn thường tốt hơn ở các đầm trống trải.
Bài: Hoàng Thế - Ảnh: Hoàng Phước
https://baothuathienhue.vn/hien-thuc-giac-mo-ru-cha-a94886.html