Họ là những nghệ nhân thượng thặng của hoa cảnh xứ Huế bấy giờ, đó là lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Tùng - Chánh chủ khảo Hội quần mai xứ Huế, bác sĩ nghệ nhân Đoàn Chí Thiện - người tham gia sáng lập Hội hoa cảnh Huế từ năm 1983, và nghệ nhân Trần Dũng - chủ nhân Mai Viên. Cả ba vị nghệ nhân lão luyện ấy đều nhất mực khẳng định rằng: Huế có thể thua người ta về nghề làm ăn buôn bán, nhưng chắc chắn không thể thua về nghề chơi hoa cảnh, nếu không muốn nói là hơn. Rằng nói đến Huế là người ta nghĩ ngay đến vườn tược, hoa lá, cây cảnh.
Chơi hoa cảnh là thú chơi tao nhã của người Huế từ thuở đế đô. Về sau, nó phát triển thành nghề mưu sinh nhưng thoạt tiên và rốt cùng nó vẫn là một nghề chơi, chơi với cái đẹp. Khi đã say mê vẻ đẹp của cây cối, hoa lá thì người ta thường không còn coi trọng tiền bạc vật chất. Ai chưa hiểu thì cứ nghĩ người Huế nói trạng, nhưng đã chơi hoa cảnh rồi thì sẽ ngộ ra điều đó. Vâng, chính điều đó đã góp phần làm nên tính cách Huế, qua thời gian hun đúc thành cốt cách Huế. Cái điều mà nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường đã đúc kết: “thích sống văn hóa hơn là hưởng thụ vật chất, thích sống đẹp hơn là sống giàu”.
Sau hai mươi năm, lớp nghệ nhân hoa cảnh lão luyện của xứ Huế đã khuất núi. Lão nghệ nhân Nguyễn Hữu Tùng và nghệ nhân Trần Dũng đã đi xa, chỉ còn lão bác sĩ nghệ nhân Đoàn Chí Thiện còn thọ, nhưng cũng chỉ nhìn hoa mà nói chuyện bằng vô ngôn. Hai mươi năm sau, đọc lại câu chuyện của họ, càng thấy điều họ mong mỏi về cây xanh hoa lá cho Huế là quá cần thiết. Đô thị nào trên thế giới này mà chẳng phải có cây xanh hoa lá, nhưng với Huế thì dường như nhu cầu làm đẹp đòi hỏi cao hơn, bức thiết hơn. Huế mà thiếu hoa lá cây cảnh thì không còn Huế. Trong “giấc mơ Huế” không thể thiếu “giấc mơ hoa”.
Vậy sao những loài đã gắn bó mật thiết đến mức được xem là hoa truyền thống của Huế như hoàng mai, hải đường, song thọ đào, trà mi, mộc, lài, soái... vẫn lặng lẽ khoe sắc tỏa hương trong vườn nhà mà chưa được đưa ra làm đẹp cho công viên, phố phường? Nếu loài hoa làm nên bản sắc cho phố phường Hà Nội là hoa sữa, Hải Phòng là hoa phượng đỏ, Đà Lạt là anh đào, thì Huế là hoa gì?Một đô thị cổ từng là thủ phủ xứ Đàng Trong, kinh đô nước Việt, nổi tiếng là vùng đất của nhà vườn và nghệ thuật hoa cảnh, nhưng cây xanh và hoa cảnh trên công viên, đường phố Huế vẫn chưa thể hiện bản sắc riêng của mình...
Huế nổi tiếng với hoàng mai mà sao vẫn chưa được trồng trên đường phố để tạo nét riêng của Huế? Câu hỏi mà tôi đã đưa ra trong câu chuyện hoa cảnh, sau đó đã nhận lại nhiều cái lắc đầu với không ít lời bác bỏ. Hoa mai mà lại đem trồng trên đường phố à, xưa nay có bao giờ thấy. Nhiều người, trong đó có cả người làm công viên - cây xanh Huế, không đồng tình với đề xuất mà họ cho là “lãng mạn quá đáng”, vì một lý do thật éo le: mai trồng trong vườn còn bị trộm, huống chi trồng ngoài công viên, đường phố. Vậy là ý tưởng trồng hoa mai trên đường phố Huế đã bị rơi vào im lặng.
Nhưng vài năm sau, thấy một vườn mai khoe sắc vàng ngay trước kinh thành Huế. Có thấy ai vào đó cắt trộm cành, đào gốc mai đâu. Chỉ thấy nam thanh nữ tú quần là áo lượt kéo nhau vào đó chụp ảnh. Những năm thời tiết thuận, ngày tết nở rực một vườn mai vàng, khiến du khách ngẩn ngơ, dân mạng thì gọi là điểm check-in độc đáo của Huế.
Nhưng vẫn chưa thấy hoa mai trên được trồng trên đường phố Huế. Khó vậy chăng? Tôi hỏi các nghệ nhân, họ nói tất cả các loài hoa, cây cảnh đều vốn là cây hoang dại, người ta đưa về thuần dưỡng, cấy ghép, lai tạo mà thành hoa cảnh trong vườn nhà. Có ai nghĩ sim - mua - tràm - chổi mọc cằn cỗi trên đồi hoang lại trở thành một bộ cây cảnh có giá trị đâu. Các chuyên gia thì cho hay, cây xanh đô thị phải thỏa mãn yêu cầu bảo vệ môi trường và kiến tạo cảnh quan, không chỉ làm đẹp mà còn làm mát, làm lành. Cây hoa mai thân mộc, tán rậm vào mùa hè, chỉ rụng lá vào cuối đông, đặc biệt là tán hoa vàng nở rộ khoe sắc tỏa hương vào ngày xuân, hoàn toàn có thể trở thành cây xanh đường phố. Có thể trồng thành cụm trên các đảo giao thông ở ngã sáu, ngã bảy, hoặc trồng xen kẽ với những loài cây có tán vừa phải, để vừa có bóng mát vào mùa hè, vừa có cảnh đẹp vào mùa xuân.
Khi phong trào “Ngày Chủ nhật xanh” khởi động cũng đã nhận nhiều lời “bàn lui”, không tin việc dọn cho đường phố sạch rác có thể duy trì lâu dài. Sau hơn hai năm miệt mài dọn rác, giờ thì phố phường Huế đã sạch hơn, và ý thức của người dân về môi trường đô thị cũng đã thay đổi. Khi ý tưởng xây dựng “Thành phố bốn mùa hoa” đưa ra, cũng đã nhận lời phản đối nhiều hơn đồng tình. Người ta lo rằng, thời tiết khắc nghiệt của Huế không thể trồng hoa quanh năm. Lo nhất là mùa đông lạnh buốt, mưa gió dầm dề thì chẳng có hoa gì có thể sống nổi.
Có loài hoa nào nở vào mùa đông xứ Huế đâu? Câu hỏi như là một câu trả lời “định phận” cho Huế đã quá quen với xứ sở này suốt từ bao đời qua, cũng như hai mươi năm trước có người hỏi tôi: “Hoa mai làm răng trồng ngoài đường phố?”.
Ngày đầu xuân 2020, những cây hoàng mai đã được trồng bên đường 23/8, trước Hoàng thành. Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ cũng đã đề nghị chọn một con đường thật phù hợp để trồng hai hàng hoàng mai và có thể đặt tên là đường Hoàng Mai. Ngày xuân, hoàng mai nở vàng trên đường Hoàng Mai. Du khách thập phương sẽ tìm đến Huế để đón xuân trong ánh mai vàng và mùi hương trầm mặc, thanh khiết. Lúc đó, Huế không chỉ có con đường hoàng mai mà đô thị thơ mộng ấy là cả một thành phố hoàng mai.
Minh Tự
https://baothuathienhue.vn/mo-hoa-a96350.html