Giống sen quý
Đối với Thừa Thiên - Huế, sen không chỉ đơn thuần có giá trị về mặt kinh tế, vật chất mà chúng còn có ý nghĩa rất lớn về mặt tinh thần. Tuy nhiên hiện nay, diện tích trồng sen Huế có xu hướng giảm dần.
Một số hồ trồng sen địa phương ở Huế, trước đây chuyên trồng các giống sen hồng bản địa, có nguồn gốc lâu đời như sen hồng Phú Mộng, sen Đỏ ợt, nhưng nay đã chuyển sang trồng sen hồng cao sản gây ra hiện tượng lẫn giống.
Hậu quả là những giống sen địa phương với nhiều đặc tính quý ngày càng suy giảm về số lượng, diện tích trồng và bị suy thoái giống, có nguy cơ mất dần theo thời gian.
Hiện, các nghiên cứu đa dạng di truyền của sen bằng phương pháp chỉ thị hình thái (kiểu hình) và chỉ thị phân tử DNA (kiểu gene) chưa được thực hiện nhiều. Gần đây, kỹ thuật mã vạch DNA (DNA barcode) đã được phát hiện và nhanh chóng trở thành một công cụ chỉ thị phân tử hiện đại với hiệu quả cao.
Tuy nhiên, cho đến nay chưa có một nghiên cứu nào trên thế giới cũng như ở Việt Nam ứng dụng kỹ thuật mã vạch DNA để xác định mối quan hệ di truyền giữa các nguồn gene của các giống sen bản địa quý.
Xuất phát từ tình hình thực tế và cơ sở khoa học nói trên, các nhà nghiên cứu đến từ Trường Đại học Khoa học Huế đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu khai thác và phát triển nguồn gene các giống sen Huế tại Thừa Thiên - Huế”.
Mục tiêu là xác định được đặc điểm di truyền và xây dựng sơ đồ mối quan hệ phát sinh các giống sen Huế bằng kỹ thuật chỉ thị phân tử. Tuyển chọn và xây dựng quy trình nhân 2 - 3 giống sen Huế có giá trị. Có được mô hình trồng thử nghiệm các giống sen Huế được tuyển chọn.
PGS.TS Hoàng Thị Kim Hồng cho biết, đề tài sử dụng kỹ thuật mã vạch DNA để xác định đa dạng di truyền kiểu gene của các giống sen Huế. Sau đó, kết hợp với các dữ liệu điều tra, sơ đồ phân bố, đa dạng di truyền kiểu hình, khả năng sinh trưởng, phát triển, đặc điểm nông sinh học, năng suất và chất lượng của các giống sen nghiên cứu để xây dựng đầy đủ cơ sở dữ liệu về tập đoàn sen Huế.
Cuối cùng là qui trình nhân giống để phục hồi, bảo tồn, khai thác, phát triển và định hướng sử dụng bền vững nguồn gene quý. Các nhà nghiên cứu cũng đã đăng ký và được cấp mã số của 66 đoạn gene trên ngân hàng GenBank.
Sen quý phục vụ du lịch sinh thái
PGS.TS Hoàng Thị Kim Hồng cho biết, vấn đề ô nhiễm môi trường ở hồ Tịnh Tâm, vấn nạn bèo lục bình xâm lấn lòng hồ một cách nghiêm trọng khiến việc các giống sen Huế không thể phát triển trên hồ. Tình trạng này kéo dài trong nhiều năm, làm mất vẻ đẹp cảnh quan và ảnh hưởng đến đời sống của những người dân trồng sen xung quanh hồ.
Hiện, hồ Tịnh Tâm đã được Trung tâm Bảo tồn di tích cố đô Huế tiếp tục trục vớt bèo trên qui mô lớn. Cải tạo toàn diện cảnh quan xung quanh hồ để triển khai trồng sen Huế. Phát triển hồ Tịnh Tâm thành một địa điểm du lịch sinh thái phục vụ lễ hội Festival ở Huế.
Từ kết quả nghiên cứu, nhóm đã hợp tác phát triển mô hình trồng sen trên hệ thống đất hồ và đất ruộng. Một số địa phương trồng sen phổ biến như Phong Điền, Phú Lộc, Hương Thủy… đã hợp tác.
Việc phục hồi, tuyển chọn và trồng thành công ba giống sen Huế tiềm năng trên mô hình 1.000 m2 tại hồ Tịnh Tâm đã thu hút khách du lịch đến thưởng ngoạn và chụp ảnh. Nó mở ra triển vọng phát triển loại hình du lịch sinh thái thưởng ngoạn sen Huế trên hồ Tịnh Tâm, góp phần phục hồi thương hiệu “sen Hồ Tịnh”.
Giống sen Huế ngoài vẻ đẹp quyến rũ, hạt sen có phần xốp hơn sen Bắc, sen Nam và đặc biệt hạt sen có hương vị và không chát. Việc xây dựng thành công mô hình trồng sen Huế ở hồ Tịnh Tâm đã giúp ngăn chặn, giải quyết một phần sự xâm lấn của bèo lục bình.
Giảm thiểu sự ô nhiễm nguồn nước đồng thời cải tạo môi trường và làm đẹp cảnh quan xung quanh hồ. Đây còn là cơ sở khoa học cho việc định hướng cải tạo toàn diện lòng hồ và phát triển trồng các giống sen Huế hồ Tịnh Tâm trong những năm tiếp theo.
Từ các kết quả thu được, nhóm tác giả đưa ra các định hướng sử dụng nguồn sen quý. Các giống sen Huế nên được phát triển trồng nhiều trên các lòng hồ xung quanh nội thành và lăng tẩm ở thành phố Huế.
Mở rộng sản xuất các loại sen này để chế biến và sản xuất thành các dòng sản phẩm cao cấp mang giá trị tinh thần và có giá trị mỹ thuật cao. Đó là nón sen Huế, tranh sen Huế, các vật dụng trang trí nội thất trong cung đình Huế… .
Sau khi thực hiện và xây dựng các mô hình trông thử nghiệm các giống sen Huế, nhóm tác giả đã đề nghị cho tiếp tục khảo sát và hoàn chỉnh sơ đồ phân bố các địa điểm trồng sen trong những năm tiếp theo.
Từ đó, xây dựng hoàn chỉnh cơ sở dữ liệu về nguồn giống và nguồn gene các giống sen Huế để thiết lập hồ sơ đăng ký giống. Đưa cơ sở dữ liệu sen Huế hội nhập vào cơ sở dữ liệu sen quốc tế.