Rời đất di sản, về khu phố mới
Không còn xa lạ gì nữa, những cư dân chuyển đến Hương Sơ đã gần như bắt được nhịp sống ở nơi ở mới, cách nơi mà trước đó dời đi chẳng là bao xa. Những cánh đồng ruộng ngày nào được cấp tập san lấp giờ đây đã nên hình hài, nhà cửa san sát, nối từ tuyến này sang dãy khác…
Theo những con đường nhựa thẳng tắp, sạch sẽ dẫn vào “vùng lõi” khu dân cư mới, chúng tôi gặp lại những cư dân trước kia sống cơ cực ở Thượng Thành. “Tui ra đây vậy đúng hai năm, nhanh ghê”, bà Lê Cúc - một cư dân chuyển ra từ Thượng Thành, nói. Căn nhà hai tầng của người phụ nữ chuẩn bị bước sang 74 tuổi này được xây dựng khang trang với đầy đủ các tiện nghi cơ bản, điều mà trước đó khi còn sống ở Thượng Thành bà không bao giờ nghĩ tới.
Trước khi về định cư ở vùng đất mới này, bà Cúc có hàng chục năm tá túc ở một căn nhà nằm sâu trong kiệt nhỏ dẫn lên Thượng Thành thuộc phường Thuận Lộc, TP. Huế. Đó là căn nhà cũ kỹ, tạm bợ, tường nhà dựa vào bờ thành. Vì thế, đời sống sinh hoạt gặp nhiều khó khăn. Không riêng gì bà, phần đông bà con khi đó cũng chung hoàn cảnh.
Cho đến khi nhận được thông báo được cấp đất, hỗ trợ tiền tái định cư, bà Cúc và nhiều người dân khác không tin vào tai mình. “Tôi nghĩ đó là thông báo, chắc còn lâu lắm mới đi. Ai ngờ…”, bà Cúc nhớ lại, và không lâu sau, một cuộc di dân “thần tốc” được thực hiện. Bà được bốc thăm chọn đất, hỗ trợ tiền xây nhà… Và ngôi nhà hôm nay đã làm thay đổi cuộc đời bà và bà con chung cảnh ngộ.
Bà Cúc và nhiều hộ dân di dời ra đây nói rằng, sau hai năm mọi thứ cơ bản đã trở lại bình thường, từ cuộc sống cho đến công việc. Dù gặp một vài trở ngại do dịch, nhưng ai nấy cũng vui và hài lòng, không còn phải lo lắng với cảnh dột nát, mưa bão như hồi ở tạm bợ trên đất di tích.
Chị Lê Diệp - một chủ hộ khác sống ở khu dân cư Hương Sơ từ Thượng Thành chuyển ra nói rằng, hai năm như một cái chớp mắt. Mới ngày nào đó ngổn ngang dọn dẹp nhà cửa, trả lại đất cho di tích thì nay chị và các thành viên có thể yên tâm ở ngôi nhà kiên cố, mặt tiền rộng hai làn xe. “Về nơi mới mọi thứ nó mới hẳn. Nhà cửa, đường sá khang trang, các tiện ích và dịch vụ thiết yếu đủ đầy…”, chị Diệp ví von và mong rằng, những hộ dân cuối cùng trong diện di dời sẽ ra cất nhà để sớm an cư, hòa nhập với cuộc sống mới.
Hướng đến khu dân cư xanh, sạch, sáng
Dọc theo các tuyến đường như ô bàn cờ, những ngôi nhà lần lượt mọc lên tạo nên những khu phố. Những khu phố cứ thế gắn kết nhau, trở thành một đô thị nhộn nhịp. Những hàng quán, quán cà phê, những ngón nghề mưu sinh trước kia của người dân khi còn sống ở khu vực di tích cứ thế theo chính họ về vùng đất mới. “Ngày trước tôi bán mì, nay ra đây vẫn bán mì để mưu sinh. Chỉ mong còn sức khỏe, còn vui vầy với con cháu được chừng nào vui chừng đó”, bà Cúc trải lòng khi vẫn gắn với nghề để lo cho cả gia đình. Nhưng có lẽ vui nhất trong bà, khi các thế hệ con cháu mai này lớn lên trong ký ức sẽ không phải cơ cực, sống tạm bợ.
Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế cho hay, với thiết kế quy hoạch theo hướng đô thị hiện đại, những ngôi nhà của người dân được xây dựng tuân theo thiết kế mẫu với từng tuyến phố. Việc này hướng đến hình thành các khu dân cư xanh, sạch, sáng.
Ông Hoàng Thiện, Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng khu vực TP. Huế cho biết, dự án hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phía Bắc Hương Sơ phục vụ cho người dân tái định cư đã hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng 7 khu vực, với tổng quỹ đất 2.489 lô (bao gồm khu quy hoạch Hương Sơ giai đoạn 4). Ba khu vực còn lại đã được phê duyệt, chi trả và bàn giao phần diện tích đất nông nghiệp và mồ mả cho chủ đầu tư. Riêng về nhà theo diện “Chìa khóa trao tay” dành cho những hoàn cảnh khó khăn, ông Thiện cho hay, hiện nay vẫn đang tiếp tục xây thêm 11 căn, cơ bản đã hoàn thiện, dự kiến sẽ bàn giao cho người dân trong thời gian tới.
Ông Đặng Minh Thắng, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Huế cho biết, đến thời điểm này đơn vị đã lập thủ tục để thực hiện giai đoạn hai của dự án. Quy mô của giai đoạn hai khoảng 1.954 hộ với tổng kinh phí lên đến 1.760 tỷ đồng; trong đó, tập trung khu vực đàn Xã Tắc, hồ Học Hải, Khâm Thiên Giám, Xiển Võ Từ, Lục Bộ và khu vực tiếp giáp Ban Chỉ huy Quân sự tỉnh tại các đường Mang Cá, Lê Trung Đình, Lương Y, Xuân 68.
Theo ông Thắng, đơn vị đang phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện kiểm kê, xác nhận hồ sơ để chuyển cho Phòng Tài nguyên và Môi trường TP. Huế thẩm định điều kiện bồi thường, hỗ trợ về đất và tài sản gắn liền với đất.