Trầm tích văn hóa
Thành lập cuối năm 2021, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương (120 Nguyễn Phúc Nguyên, TP. Huế) của GS. TS. Thái Kim Lan là nơi lưu giữ bộ sưu tập gốm cổ vớt từ sông Hương. Với số lượng phong phú, độc đáo cả về chất liệu, loại hình, sưu tập gốm cổ sông Hương được coi là một bộ thông sử bằng vật thật độc đáo, ghi lại sự hiện diện của các nền văn hóa xuyên suốt chặng đường hàng nghìn năm lịch sử cũng như quá trình hình thành, phát triển của vùng đất Cố đô xưa.
Từ gần 40 năm trước, hai anh em cố họa sĩ Thái Nguyên Bá và GS.TS. Thái Kim Lan tiến hành sưu tầm cổ vật dưới dòng sông Hương và các dòng sông khác ở Huế, như sông Bồ, sông Ô Lâu... như là một cách thức để hiểu hơn về lịch sử hình thành và phát triển của Huế xưa. Đến nay, bộ sưu tập gốm cổ ấy lên đến hàng ngàn hiện vật, trong đó có không ít những tiêu bản quý hiếm và tiêu biểu của các nền văn hóa Sa Huỳnh - Champa - Đại Việt.
Trong khuôn viên của “Thái tộc từ đường”, gần 2.500 cổ vật đủ các chất liệu, như: Sành, đất nung, bán sứ và sứ thuộc các giai đoạn lịch sử đang được trưng bày. Những chiếc bình, vò, ấm, chum, hũ, nắp, bình vôi, bùng binh, đĩa, bát, nồi, ché, cốc… được bảo quản rất tốt, phần lớn đều còn khá nguyên vẹn. Tiêu chí chọn hiện vật trưng bày phải đại diện tiêu biểu cho những lát cắt lịch sử ở mảnh đất này, kể những câu chuyện về cuộc sống đời thường của cư dân cổ cư trú trên mảnh đất Thừa Thiên Huế từ thời tiền Sa Huỳnh, Sa Huỳnh, Champa.
Tay nâng niu những chiếc bình gốm cổ, GS. TS. Thái Kim Lan vui mừng khi tâm nguyện bao nhiêu năm trở thành hiện thực: Bộ sưu tập gốm cổ bao năm dày công sưu tầm, gìn giữ được UBND tỉnh công nhận trở thành Bảo tàng Gốm cổ sông Hương. “Bao năm sưu tập và giữ gìn gốm cổ, đây là tình cảm của một người Huế xa quê hương trở về, dồn lại tất cả những di sản của Huế trở thành một địa chỉ văn hóa. Dĩ nhiên không gian này vẫn hiện hữu nhưng khi trở thành bảo tàng lại có ý nghĩa khác. Đó là sự công nhận của tất cả mọi người như là một di sản của Huế”, GS. TS. Thái Kim Lan nói.
Không gian trưng bày của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương
Sự ra đời của Bảo tàng Gốm cổ sông Hương góp phần bảo tồn, phát huy và quảng bá giá trị của di sản văn hóa Huế, đồng thời hình thành một điểm đến văn hóa, tham quan lý thú, hấp dẫn ngay bên tả ngạn sông Hương. Theo TS. Phan Thanh Hải, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương là một bảo tàng chuyên đề khá đặc biệt, phản ánh gần như toàn diện quá trình lịch sử hình thành, phát triển của vùng đất Huế thông qua gốm cổ dưới lòng sông Hương, một dòng sông nổi tiếng gắn liền với quá trình hình thành, phát triển của đô thị Huế. Đây cũng là một trong những hướng phát triển rất cần thiết cho Huế ngoài các bảo tàng công lập.
Trao truyền tình yêu di sản
Để chuẩn bị cho lễ ra mắt sắp tới, GS. TS. Thái Kim Lan đang cùng các cộng sự sắp xếp lại không gian trưng bày bảo tàng. Trong số 5.000 hiện vật, gần 2.500 hiện vật đã được kiểm kê, phân loại, trưng bày theo các chủ đề: “Đi tìm thời gian đã mất”, “Sông Hương kể chuyện” và “Gốm cổ trong đời sống văn hóa vật chất, tinh thần của người xưa”.
Với đặc thù là bảo tàng chuyên đề về gốm cổ sông Hương đầu tiên ở Thừa Thiên Huế, nơi nghiên cứu, sưu tầm, bảo quản, lưu giữ và trưng bày, giáo dục, quảng bá, phát huy lâu dài giá trị di sản văn hóa sông Hương, bảo tàng là điểm đến văn hóa độc đáo để công chúng tham quan, học tập, tìm hiểu về lịch sử văn hóa và tương tác, trải nghiệm các hoạt động tái hiện lại cuộc sống của cư dân thời cổ, nghề làm gốm cổ truyền... Khác với các bảo tàng khác, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương khuyến khích khách tham quan sờ nắm hiện vật để cảm nhận được sự xù xì, trầm tích thời gian của chúng.
Theo GS. TS. Thái Kim Lan, việc quảng bá cho bảo tàng phát triển và trở thành một địa chỉ văn hóa thực sự của Huế là công việc bộn bề và lâu dài. Bà chia sẻ: “Mong muốn của chúng tôi đây sẽ là địa chỉ sống động với nhiều hoạt động khác nhau về văn hóa, vừa giữ gìn, vừa nối kết giữa quá khứ và hiện tại. Trong đó, trao truyền tình yêu di sản, văn hóa đến thế hệ trẻ một cách khoa học thông qua các hội thảo, giáo dục, workshop trải nghiệm về di sản là mục đích bảo tàng hướng đến, để di sản này trở thành cảm hứng, năng lực sáng tạo cho thế hệ trẻ. Hy vọng đây sẽ là không gian mở để kéo giới trẻ dần quay về với các giá trị văn hóa, lịch sử. Ngoài ra, bảo tàng này còn là nơi hội tụ của âm nhạc, thơ ca, sáng tác văn học nghệ thuật…”.
TS. Nguyễn Anh Thư, Khoa Di sản văn hóa, Đại học Văn hóa Hà Nội, người đảm nhận việc trưng bày, sắp xếp và số hóa của bảo tàng cho hay, ngay từ khi mới thành lập, Bảo tàng Gốm cổ sông Hương xác định rõ chiến lược phát triển theo hướng hiện đại và quảng bá các giá trị ra quốc tế. Bảo tàng chuẩn bị sách giới thiệu, clip, website, số hóa hiện vật, sử dụng nhiều ngôn ngữ khác nhau để có thể giới thiệu rộng rãi giá trị hiện vật đến với thế giới thông qua công nghệ số. Đồng thời, ứng dụng thuyết minh tự động, sử dụng QR code, tương tác trải nghiệm thực tế ảo... để du khách tự trải nghiệm, khám phá, tìm hiểu câu chuyện thông qua các cổ vật. Bảo tàng cũng sẽ kết nối khoa học với các bảo tàng khác tại Việt Nam và Đông Nam Á để nhiều người thấy vốn quý của văn hóa Huế.
Bài, ảnh: MINH HIỀN
https://baothuathienhue.vn/ke-cau-chuyen-ve-hue-thong-qua-gom-co-a110218.html