|
|
|
Hội thảo “Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu” Cập nhật 26/09/2022
Bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, trưởng bản là nhấn mạnh của đồng chí Phan Ngọc Thọ, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy tại Hội thảo “Xây dựng và bảo tồn giá trị văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu” do huyện Nam Đông tổ chức vừa qua.
Hiện nay, huyện Nam Đông có khoảng 46% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là người Cơtu. Đời sống văn hóa của đồng bào khá đa dạng, phong phú; các nghề thủ công truyền thống, nghệ thuật trình diễn được đúc kết qua nhiều thế hệ đã tạo nên bản sắc riêng có của đồng bào Cơtu, Nam Đông. Đến nay, 36/37 thôn của các xã định canh định cư có nhà Gươl, nhưng chỉ có 3 Gươl làm theo kiểu truyền thống; Trang phục của người Cơtu là một công trình dệt công phu mang tính thẩm mỹ cao nhưng không còn được sử dụng thường xuyên; qua khảo sát, tại nhà văn hóa dân tộc huyện có 137 hiện vật, tại các xã, thị trấn có 280 hiện vật về lao động sản xuất, nhạc cụ... đối với văn hóa phi vật thể: Toàn huyện có 109 nghệ nhân dân gian; đã tổ chức 13 lớp truyền dạy về văn hóa truyền thống cho hơn 350 học viên; về ầm thực có 26 món ăn, 6 loại thức uống và 24 loại thực phẩm, nông sản...
Trước nguy cơ bản sắc văn hóa truyền thống đặc sắc của người Cơtu ngày càng mai một, hội thảo đã nghe các nhà nghiên cứu đến từ Viện Văn hóa nghệ thuật Quốc gia Việt Nam tại Huế trao đổi từ khảo sát di sản văn hóa đến việc phát huy giá trị di sản gắn với du lịch ở Nam Đông; đề xuất mô hình Làng du lịch miền núi trên địa bàn huyện. Đặc biệt, là được nghe chia sẻ tâm huyết và trăn trở của các già làng, trưởng bản đối với vấn đề bảo tồn, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của người Cơtu cho hôm nay và mai sau.
Phát biểu tại hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Phan Ngọc Thọ rất phấn khởi, ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo và đồng bào dân tộc Cơtu huyên Nam Đông đã có những cách làm hay, sáng tạo để lưu giữ bản sắc văn hóa truyền thống của người Cơtu. Đồng thời nhấn mạnh, văn hóa là bản sắc dân tộc, văn hóa còn dân tộc còn, văn hóa mất dân tộc mất, do đó cấp ủy, chính quyền địa phương cần có những định hướng quan trọng để giữ gìn, phát huy giá trị bản sắc văn hóa dân tộc Cơtu. Đây là trách nhiệm của cả cộng đồng, trong đó có vai trò rất quan trọng của các già làng, trưởng bản những người giữ gìn hồn cốt bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy cũng lưu ý, huyện Nam Đông cần quan tâm thích đáng đến cơ sở hạ tầng, chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ làm công tác dân tộc thiểu số; cần đánh giá, xây dựng cơ sở dữ liệu về văn hóa dân tộc thiểu số; phát huy bản sắc văn hóa dân tộc gắn liền với xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và phát triển du lịch; đặc biệt là tăng cường giao lưu văn hóa để sưu tầm, phục dựng, giao lưu để học hỏi và phát triển; Việc xây dựng khu bảo tồn làng truyền thống dân tộc Cơtu cần toàn diện cả văn hóa vật thể và phi vật thể, đúng bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Cơtu; kết hợp hài hòa giữ bảo tồn và phát trển văn hóa, giữa bảo tồn và kết hợp khai thác du lịch góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH của địa phương.
tinhuytthue.vn Tin liên quan
|
|
|
|