Vĩnh biệt vị tướng tình báo tài năng, người con yêu quý của quê hương Thừa Thiên Huế
Cập nhật 15/09/2023

Vào lúc 5 giờ sáng 14/9/2023, tôi vừa choàng tỉnh thì nhận được tin dữ từ anh bạn cùng làm việc tại Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh ở Hà Nội điện vào: “Anh ơi, Thủ trưởng Vịnh mất rồi”.

 

Thủ trưởng Vịnh là cách gọi thân mật theo lối nhà binh dẫu rằng chúng tôi không phải là lính trong quân đội. Thế nhưng từ ngày cùng giúp việc cho ông ở Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, chúng tôi thường xưng hô với ông như thế.

Chỉ mấy ngày trước, từ Huế chúng tôi đi thực tế lên khu rừng Trần Hưng Đạo – nơi ra đời Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân ở Cao Bằng, lúc trở về Hà Nội thì đến thăm ông, biết ông đang nằm điều trị đặc biệt tại Bệnh viện 108 của quân đội. Dẫu biết bệnh tình của ông rất nặng, chúng tôi vẫn cứ hy vọng như mấy lần trước, bằng nghị lực của vị tướng rồi ông sẽ vượt qua cửa tử, lại bay vào Huế say sưa bàn chuyện làm sao để Bảo tàng Đại tướng Nguyễn Chí Thanh phát huy giá trị. Lần này, bệnh tình ông quá nặng, mặc dù được Đảng, Nhà nước, quân đội, các giáo sư, bác sĩ, gia đình tận tình chăm sóc, cứu chữa, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, nguyên Thường vụ Quân ủy Trung ương, nguyên Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, nguyên Tổng Cục trưởng Tổng Cục Tình báo Quốc phòng - người con yêu quý của quê hương Thừa Thiên Huế đã trút hơi thở cuối cùng vào rạng sáng 14/9 tại nhà riêng, phố Tân Nhuệ, phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, hưởng thọ 65 tuổi.

Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh sinh ngày 15/5/1959 tại Hà Nội. Trong hồ sơ lý lịch lại ghi ông sinh năm 1957, mà ông từng nói, là do khai tăng 2 tuổi để đủ tuổi nhập ngũ khi xin đi bộ đội.

Nguyễn Chí Vịnh nguyên quán làng Niêm Phò, xã Quảng Thọ, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế. Ông là con trai của Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, cố Chủ nhiệm Tổng Cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam.

Nguyễn Chí Vịnh mồ côi cha lúc mới gần 8 tuổi. Tháng ngày tuổi thơ khốn khó vì chiến tranh và người mẹ đau ốm. Ông lớn lên trong sự đùm bọc của Đảng, Nhà nước và những đồng đội của cha.

Từ năm 1973 đến 1976, ông là học sinh trường cấp 3 Lý Thường Kiệt nay là Trường trung học phổ thông Việt Đức, Hà Nội.

Từ năm 1976, ông học khóa 11, Học viện Kỹ thuật Quân sự. Từ năm 1978 đến tháng 8/1980 ông đi rèn luyện thực tế tại một đơn vị ở Thanh Hóa. Tháng 8/1980, ông chuyển sang học Trường Sĩ quan Thông tin.

Năm 1983, ông tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật thông tin, nay là Trường đại học Thông tin liên lạc.

Năm 2003, ông bảo vệ thành công Luận án Tiến sĩ chuyên ngành Quan hệ Quốc tế. Năm 2010, được phong học hàm Phó Giáo sư. Năm 2021 là Giáo sư chuyên ngành Quan hệ Quốc tế.

Tháng 8/1983, chàng trai trẻ Nguyễn Chí Vịnh tốt nghiệp Trường Sĩ quan Chỉ huy Kỹ thuật Thông tin, nay là Trường đại học Thông tin liên lạc, được phong quân hàm trung úy.

Ra trường, vì là con của cán bộ cấp cao, được đặc cách gửi sang học tập tại Liên Xô nhưng ông từ chối, quyết tâm xin đi chiến trường Campuchia. Trung úy Nguyễn Chí Vịnh được điều về Đoàn 817, đơn vị tình báo trực tiếp thực hiện nhiệm vụ tại chiến trường Campuchia. Kể từ lúc nhập ngũ cho đến khi nghỉ hưu, ông chủ yếu làm công tác tình báo, chỉ huy lực lượng tình báo quốc phòng.

Tháng 6/2000, ông được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng Cục trưởng Tình báo Quốc phòng. Tháng 2/2002, ông được thăng quân hàm Thiếu tướng. Đến tháng 12/2004, ông được thăng quân hàm Trung tướng.

Tháng 3/2009, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh được bổ nhiệm giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng kiêm Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng.

Từ tháng 8/2009, ông thôi kiêm nhiệm chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Tình báo Quốc phòng để toàn tâm, toàn ý thực hiện trọng trách Thứ trưởng Bộ Quốc phòng phụ trách đối ngoại.

Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng tháng 1/2011, Trung tướng Nguyễn Chí Vịnh, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội XI cũng chính là Đại hội đầu tiên có văn kiện đề cập trực tiếp đến công tác đối ngoại quốc phòng.

Tháng 12/2011, ông được thăng quân hàm Thượng tướng Quân đội nhân dân Việt Nam.

Tháng 1/2016, tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh tái đắc cử Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa XII.

Tháng 4/2016, ông được Bộ Chính trị chỉ định tham gia Thường vụ Quân ủy Trung ương. Ngày 20/2/2017, Thủ tướng Chính phủ đã bổ nhiệm lại Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh giữ chức vụ Thứ trưởng Bộ Quốc phòng.

Ghi nhận công lao đóng góp của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh, Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho ông nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Quân công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Chiến công hạng Nhất, Nhì, Ba; Huân chương Độc lập hạng nhất; Huy hiệu 40 năm tuổi Đảng.

Ông cũng được Nhà nước Campuchia trao tặng Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất; Huân chương Hoàng gia Sahametrei cấp Mohaséreivath (Đại thập tự). Liên bang Nga tặng Huân chương Hữu nghị; Nhà nước Cộng hòa Cuba tặng Huân chương Antonio Maceo; Nhật Bản tặng Huân chương Mặt trời mọc…

Tháng 12/2021, Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh được nghỉ công tác sau khi đã hoàn thành mọi nhiệm vụ, chức trách của một người quân nhân đã cống hiến hết mình cho quân đội, cho ngành tình báo, cho đất nước.

Mới đây nhất, vào tháng 3.2023, ông xuất bản cuốn sách Người thầy viết nhân kỷ niệm 100 năm (1922 – 2022) ngày sinh Thiếu tướng tình báo, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Đặng Trần Đức (tức ông Ba Quốc). Người thầy cũng chính là người Thủ trưởng trực tiếp nhiều năm của ông và của nhiều thế hệ tình báo quốc phòng Việt Nam.

Khoảng hơn mười năm nay, trong rất nhiều cuộc trả lời báo chí, ông thường nhấn mạnh rằng: “Trong bất cứ hoàn cảnh nào, người Việt Nam phải tự giải quyết mọi vấn đề của mình, quyết định vận mệnh của mình, nhất quyết không được để bên ngoài quyết định. Đồng thời, theo ông để đất nước phát triển, có thể có cách nghĩ khác nhau, cách làm khác nhau, tranh luận kịch liệt với nhau, nhưng cuối cùng phải đạt được sự thống nhất về đường lối và hành động. Chúng ta không tham gia vào những xung đột lợi ích của các nước lớn và Việt Nam phải tránh mọi cuộc chiến tranh, trước hết là những xung đột trên Biển Đông. Trong vấn đề Biển Đông, phải xem xét trên những vấn đề về lịch sử, những tuyên bố về chủ quyền và lợi ích quốc gia”.

Ông cũng bày tỏ việc tự tin vào chính mình và nếu không làm nghề này cũng có thể làm việc khác. Dù làm nghề gì đi nữa thì số phận cũng đã sắp đặt cho ông "suốt đời chỉ là một người lính".

Đồng thời, như bất cứ người Việt Nam nào, ông quan tâm đến tương lai đất nước. Dù ở thời đại nào, sự mất còn của đất nước, thịnh suy của dân tộc đều gắn với trách nhiệm của mỗi người dân bình thường đối với đất nước. Đó là điều ông luôn quan tâm và hướng tới”. Có lần, ông nói: "Nay mang trên vai quân hàm Thượng tướng, tôi rất tự hào và biết ơn Đảng, Nhà nước, biết ơn quân đội. Nhưng niềm tự hào theo suốt cuộc đời tôi, đã ăn vào máu thịt tôi từ thuở ấu thơ chính là chức “binh bét” mà ba tôi đặt.

Niềm tự hào ấy còn được nhân lên khi tên tôi cũng chính là tên khai sinh của ba tôi: Nguyễn Vịnh".

Ông là người góp phần rất lớn trong việc giữ vững sự tồn tại và phát triển của Tổng cục 2, Bộ Quốc phòng. Trong thời gian đảm nhiệm cương vị Tổng Cục trưởng Tổng Cục 2 (2002 – 2009), nhiều đơn vị dưới quyền được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân và nhiều danh hiệu cao quý khác.

Sự ra đi đột ngột của Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh là một mất mát lớn đối với Đảng, Nhà nước, quân đội, đặc biệt là ngành Tình báo quốc phòng Việt Nam và của Đảng bộ và nhân dân Quảng Điền, Thừa Thiên Huế.

Một nén hương lòng tiễn biệt vị tướng tình báo tài năng về thế giới người hiền.

Dương Phước Thu (Báo Thừa Thiên Huế)

 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày