Việt Tân cáo buộc Việt Nam vi phạm nhân quyền trong các lĩnh vực khác như bắt và giam giữ tùy tiện; tù nhân chính trị; sự độc lập của tư pháp, chúng tự vẽ ra các con số “chính quyền đã bắt giữ ít nhất 173 người hoạt động chính trị hoặc nhân quyền, trong đó có 24 người đang bị tạm giam chờ xét xử, có 19 người bị bắt giữ và 26 người khác bị kết án vì thực thi các quyền. Điển hình như việc những ngày qua trên trang Facebook của tổ chức khủng bố Việt Tân liên tục đăng tải các bài viết về nhân quyền ở Việt Nam và đòi thả tự do cho các đối tượng như Trương Văn Dũng, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang,… những kẻ mà chúng tự phong là “nhà hoạt động nhân quyền”.
Có lẽ người dân đều chẳng mấy xa lạ khi nhắc đến những cái tên như Trương Văn Dũng, Lê Đình Lượng, Phạm Đoan Trang, bởi từ lâu, các đối tượng trên đã được biết đến với hàng loạt các hành vi chống phá Nhà nước, công kích chính quyền, miệt thị đất nước. Thực chất đây đều là những kẻ phạm tội xâm phạm an ninh quốc gia, chống đối Đảng, Nhà nước và nhân dân đã bị xử lý theo đúng quy định của pháp luật Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trương Văn Dũng đã bị bắt để điều tra về tội tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, quy định tại điều 88 Bộ luật hình sự năm 1999, sửa đổi, bổ sung năm 2009. Các quyết định và lệnh nêu trên đã được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hà Nội phê chuẩn; Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Hà Nội tích cực điều tra và xử lý nghiêm theo quy định pháp luật.
Lê Đình Lượng vốn là đối tượng cộm cán, một cánh tay đắc lực của tổ chức Việt Tân, hoạt động phổ biến ở các địa bàn Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình. Thông qua các trang mạng xã hội, Lê Đình Lượng đăng tải, chia sẻ nhiều bài viết tuyên truyền ca ngợi, cổ vũ cho đường lối của Việt Tân, xuyên tạc về tình hình đất nước, lợi dụng các sự kiện chính trị, kinh tế-xã hội, môi trường để xuyên tạc, bóp méo sự thật nhằm gây tâm lý hoài nghi, hoang mang trong quần chúng nhân dân, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Lê Đình Lượng bị Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An tuyên án 20 năm tù và phạt quản chế 5 năm về tội hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân.
Đảng và Nhà nước ta luôn xác định việc thực thi quyền con người là một trong những mục tiêu quan trọng đã được thể hiện rất rõ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Cụ thể tại Điều 3, Hiến pháp 2013 quy định “Nhà nước bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân; công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền công dân; thực hiện mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, mọi người có cuộc sống ấm no, tự do, hạnh phúc, có điều kiện phát triển toàn diện”. Trên cơ sở Hiến pháp, các quy định về quyền con người tiếp tục được quy định cụ thể trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật chuyên ngành như Luật Tín ngưỡng Tôn giáo năm 2016, Luật An ninh mạng năm 2018, Luật Báo chí năm 2016…
Trên trường quốc tế, Việt Nam đã tham gia hầu hết các Công ước quốc tế cơ bản về quyền con người như: Công ước về các Quyền Dân sự và Chính trị 1966 (ICCPR), gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về các Quyền Kinh tế, Xã hội và Văn hóa 1966, gia nhập ngày 24/9/1982; Công ước về Xoá bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ 1979... và những đóng góp lớn được cộng đồng quốc tế công nhận. Đặc biệt, ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử trở thành thành viên của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025 tại phiên họp của Đại hội đồng Liên Hợp quốc khóa 77. Kết quả này không chỉ là minh chứng rõ ràng nhất về thành tựu nhân quyền ở Việt Nam mà còn là lời khẳng định sự tín nhiệm của quốc tế đối với Việt Nam trong lĩnh vực này.
Không chỉ riêng Việt Nam mà ở bất kỳ quốc gia nào trên thế giới, quyền của mỗi công dân phải gắn liền với trách nhiệm, nghĩa vụ với đất nước, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, người nào vi phạm pháp luật cũng sẽ bị xử lý nghiêm. Thực tế khách quan đã chứng minh không có việc Việt Nam vi phạm nhân quyền thông qua các hoạt động tố tụng. Ở Việt Nam không có khái niệm, danh xưng nào gọi những đối tượng vi phạm pháp luật là những nhà “hoạt động nhân quyền”,“bất đồng chính kiến” hay “tù nhân lương tâm”, “tù nhân chính trị” như những luận điệu mà các tổ chức chống phá đưa ra. “Báo cáo nhân quyền” mà các tổ chức lấy danh về nhân quyền đưa ra hằng năm nhằm cáo buộc tình hình vi phạm nhân quyền ở Việt Nam là dựa trên những thông tin thu thập theo kiểu cóp nhặt, phiến diện, xuyên tạc có chủ đích theo một chiều, không phản ánh đúng hiện thực khách quan. Do đó, những luận điệu của các cá nhân, tổ chức thù địch, thiếu thiện chí lấy cớ nhân quyền để quy chụp, chống phá Việt Nam chỉ là những luận điệu lạc lõng.
ĐTPB