Gần đây, lợi dụng việc ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa (cấp ba) không hợp pháp, ngày 28/10/2024, trên trang blog VOA Tiếng Việt tán phát bài “Vì sao nhỏ không học lớn lên thành... tiến sĩ”, nói xấu, xuyên tạc, đẩy nóng bản chất vụ việc, quy kết cho rằng Bằng tiến sĩ của Thích Chân Quang là ví dụ sống động nhất cho minh chứng cho sự “thối nát” của hệ thống giáo dục hiện nay; kích động, hướng lái dư luận, phủ nhận thành tựu nền giáo dục đào tạo của nước ta, làm suy giảm uy tín của nền giáo dục Việt Nam. Điều này thể hiện bản chất cố hữu của những đối tượng thù địch, phản động đó là: xuyên tạc đường lối lãnh đạo của Đảng và sự quản lý của Nhà nước về giáo dục và đào tạo. Phủ nhận những thành quả to lớn của nền giáo dục đã đạt được. Thổi phồng một số hiện tượng tiêu cực, yếu kém trong giáo dục, làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào nền giáo dục nước nhà.
Quan điểm xuyên suốt của Việt Nam, giáo dục luôn được xác định là Quốc sách hàng đầu. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư phát triển, được ưu tiên đi trước trong các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội.
Dĩ nhiên, nền giáo dục - đào tạo vẫn có những mặt chưa đáp ứng được yêu cầu, và vẫn đang có những điều chỉnh để phù hợp hơn. Nhưng không thể dựa vào đó để có thể xuyên tạc, hạn chế phủ nhận những thành quả bản chất ưu việt của nền giáo dục Việt Nam.
Với những quyết tâm và nỗ lực thúc đẩy giáo dục, nước ta đã hoàn thành mục tiêu xóa mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học vào năm 2000; phổ cập giáo dục THCS vào năm 2010; giáo dục mầm non đạt chuẩn phổ cập cho trẻ 5 tuổi và giáo dục phổ thông có chuyển biến tốt. Đối với những nhóm yếu thế trong xã hội, nhất là với đồng bào dân tộc thiểu số và các đối tượng chính sách, Việt Nam đã ban hành và triển khai nhiều chủ trương để bảo đảm việc tiếp cận giáo dục, để không ai bị bỏ lại phía sau.
Cụ thể, năm 2019, lần đầu tiên đại học Việt Nam có tên trong các bảng xếp hạng uy tín, bao gồm: Xếp hạng học thuật của các trường đại học thế giới (ARWU) (một trong top 901-1.000); xếp hạng THE (hai trường trong top 801-1.000, một trong top 1.000+); và xếp hạng QS (một trường trong top 400-550).
Về xếp hạng quốc tế theo nhóm ngành, tại bảng xếp hạng các cơ sở GDĐH theo nhóm ngành năm 2023 của tổ chức Quacquarelli Symonds (QS), có 11 ngành đào tạo tại 6 cơ sở GDĐH của Việt Nam được xếp hạng trong top 51-630 tốt nhất thế giới. Trong đó, kết quả tập trung nhiều tại top 351-500, tại ngành Kỹ thuật với 5 nhóm ngành được xếp hạng và tại 4 cơ sở GDĐH gồm: Đại học Quốc gia Hà Nội, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh, Đại học Bách Khoa Hà Nội và Trường Đại học Tôn Đức Thắng.
Đặc biệt, trong 50 năm tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế, 288 học sinh Việt Nam đã giành được 271 huy chương, trong đó có 69 Huy chương Vàng. Tỷ lệ học sinh đoạt huy chương ở sân chơi quốc tế đạt 94%.
Năm 2024, Việt Nam có 7 đoàn học sinh tham dự các kỳ thi Olympic khu vực và quốc tế với 38 lượt học sinh tham gia. Gồm đoàn Tin học tham dự Olympic khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, đoàn Vật lí tham dự Olympic khu vực Châu Á và 5 đoàn tham dự Olympic quốc tế là Toán, Vật lí, Hóa học, Sinh học và Tin học.
Theo The Economist, học sinh Việt Nam được học trong một trong những hệ thống giáo dục tốt nhất thế giới, phản ánh qua thành tích xuất sắc trong các cuộc đánh giá quốc tế về đọc, toán và khoa học.
Dữ liệu mới nhất từ Ngân hàng Thế giới (WB) cho thấy, tính tổng điểm học tập, học sinh Việt Nam không chỉ vượt trội so với các bạn ở Malaysia và Thái Lan, mà còn ở Anh và Canada, các quốc gia giàu hơn gấp sáu lần.
Có thể thấy, dưới sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự điều hành linh động, sáng tạo của Nhà nước, cùng sự chung tay góp sức của các tầng lớp nhân dân, những năm qua ngành Giáo dục nước ta đã đạt được thành tựu về nhiều mặt, góp phần quan trọng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực cho công cuộc xây dựng, bảo vệ và đổi mới đất nước. Những thành tựu đáng ghi nhận đó đã chứng minh những luận điệu của các thế lực, đối tượng thù địch, phản động về nền giáo dục nước ta là sự xuyên tạc, bịa đặt, lỗi thời, lạc lõng và vô nghĩa./.
ITN