Đây là quan điểm, luận điệu xuyên tạc chúng ta cần phải kiên quyết đấu tranh, phản bác. Bởi lẽ, “tôn sư trọng đạo” là truyền thống quý báu của dân tộc Việt Nam. “Tôn sư” là tôn kính thầy cô giáo, những người đã có công khai tâm, mở trí cho mọi người. “Đạo” trong “trọng đạo” là đạo lý, đạo đức, “trọng đạo” nghĩa là phải tôn trọng người đã dạy cho chúng ta đạo đức, hiểu đạo lý làm người, đối nhân xử thế trong cuộc sống. “Trọng đạo” ở đây còn có nghĩa là rèn luyện đạo đức, chăm học để xứng đáng với sự dạy dỗ của thầy cô, là coi trọng và làm theo những điều đúng đắn mà người thầy đã dạy mình.
Kế thừa truyền thống quý báu của dân tộc, trong suốt quá trình lãnh đạo công cuộc cách mạng giải phóng và bảo vệ đất nước, Đảng và Nhà nước ta luôn tôn vinh nghề dạy học và vị trí người thầy giáo. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Có gì vẻ vang hơn là nghề đào tạo những thế hệ sau này tích cực góp phần xây dựng chủ nghĩa xã hội và chủ nghĩa cộng sản. Người thầy giáo tốt – thầy giáo xứng đáng là thầy giáo - là người vẻ vang nhất. Dù là tên tuổi không đăng trên báo, không được thưởng huân chương, song những thầy giáo tốt là những anh hùng vô danh”. Theo Chủ tịch Hồ Chí Minh “Một tấm gương sống còn có giá trị hơn 100 bài diễn văn tuyên truyền”. Người nói: Giáo dục được người thầy giáo, được cả một thế hệ, thầy tốt thì ảnh hưởng tốt, thầy xấu thì ảnh hưởng xấu; một tấm gương sáng của người thầy sẽ có cả một thế hệ noi theo, ngược lại một hành vi xấu của người thầy có thể làm tổn thương, làm mất niềm tin cả một lớp người. Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã nói: “Nghề dạy học là một nghề cao quý… nghề dạy học là một nghề sáng tạo vào bậc nhất trong các nghề sáng tạo… vì nó sáng tạo ra những con người sáng tạo”…
Ngày 28/9/1982, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) đã ra Quyết định số 167/HĐBT lấy ngày 20/11 hằng năm là Ngày Nhà giáo Việt Nam. Từ đó đến nay, ngày 20/11 hàng năm đã trở thành ngày hội truyền thống của toàn dân, được tổ chức trọng thể nhằm tôn vinh những đóng góp của các thế hệ nhà giáo đối với sự nghiệp giáo dục - đào tạo nước nhà. Bên cạnh đó, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách quan tâm chăm lo phát triển đội ngũ nhà giáo. Và với sự đóng góp rất lớn của đội ngũ thầy giáo, cô giáo mà giáo dục Việt Nam ngày càng đạt nhiều kết quả tích cực. Chất lượng giáo dục phổ thông cả đại trà và mũi nhọn có chuyển biến tốt, được thế giới ghi nhận. Giáo dục thường xuyên phát triển đa dạng về nội dung và hình thức. Đổi mới giáo dục đại học gắn với tăng cường tự chủ được triển khai, đào tạo gắn kết hơn với nhu cầu thị trường lao động; nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ được đẩy mạnh; công bố khoa học quốc tế tăng mạnh, xuất hiện ngày càng nhiều hơn cơ sở giáo dục đại học và nhóm ngành đào tạo xếp hạng cao trong khu vực và trên thế giới. Học sinh đạt được nhiều giải thưởng cao trong các kỳ thi Olympic quốc tế và khu vực, thể hiện trí tuệ và sức sáng tạo của người Việt Nam.
Trong bối cảnh khoa học kỹ thuật phát triển, nhiều yếu tố hiện đại, tiện ích có thể tham gia vào quá trình giáo dục con người. Đồng thời, trong quá trình phát triển, bên cạnh những thành tựu thì giáo dục Việt Nam nói riêng và thế giới nói chung vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. Có lúc, có nơi chúng ta nghe những vấn đề tiêu cực, không riêng gì ở Việt Nam mà ngay cả ở những nền giáo dục tiên tiến của thế giới. Tuy vậy, cần phải khẳng định rằng, dù xã hội có phát triển như thế nào đi nữa, người thầy vẫn luôn là biểu tượng cho nhân cách, chuẩn mực đạo đức và là người định hướng tri thức để học trò ham khám phá, tìm tòi; khơi lên ước mơ, hoài bão; gieo vào tâm hồn học trò những điều tốt đẹp; thổi bùng lên những khát vọng cao đẹp trong tương lai.
Vậy nên, Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 không chỉ là dịp để toàn xã hội tôn vinh, tri ân những người đã, đang gắn bó với nghề dạy học; mà còn lời nhắn gửi đối với đội ngũ nhà giáo tiếp tục nỗ lực, sáng tạo, cống hiến nhiều hơn cho sự nghiệp “trồng người”, tiếp thêm sức mạnh để thế hệ học sinh chăm chỉ học hành, góp phần dựng xây quê hương, đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hà Tiên