|
|
|
Vạch trần luận điệu xuyên tạc về công tác bảo đảm quyền bình đẳng của phụ nữ Việt Nam Cập nhật 22/10/2024 | |
Trong thời gian vừa qua, Facebook “BPSOS - Đề Án Dân Quyền Việt Nam” đăng tải các bài viết, video phỏng vấn Nguyễn Đình Thắng – kẻ thành lập tổ chức phản động lưu vong “Ủy ban cứu người vượt biển” (BPSOS) với các luận điệu xuyên tạc như: “Việt Nam che đậy nạn nhân buôn người và bạo lực với phụ nữ”, “nhiều phụ nữ người Mông chỉ vì theo đạo Tin Lành bị cưỡng ép bỏ đạo, đuổi khỏi làng, vi phạm quyền của phụ nữ”, “nữ công nhân đi xuất khẩu lao động bị bóc lột, hãm hiếp, bị buôn bán, làm nô lệ rồi về Việt Nam không được giúp đỡ, những người nào lên tiếng đòi công lý thì bị Công an khống chế, đe doạ”, “có rất nhiều phụ nữ người Mông, người thượng vì họ theo đạo Tin lành không có giấy tờ tùy thân, lấy chồng không có hôn thú, sinh con không có giấy khai sinh, con cái lớn lên không được đi học, họ không được đi làm, bệnh hoạn cũng không thể đi bác sĩ… là hình thức trừng phạt, đàn áp phụ nữ”, “chưa kể những nữ tù nhân lương tâm và vợ của những người đi tù cũng bị công an đến bức chế, đe doạ, khủng bố tinh thần”, “các hội nhóm phụ nữ ở Việt Nam thực chất là một cánh tay, một công cụ của nhà nước, của đảng”… cùng nhiều nội dung xấu độc, sai sự thật, chống Đảng và Nhà nước.
Là một trong những tổ chức nổi đình, nổi đám trên không gian mạng, BPSOS và Nguyễn Đình Thắng dưới vỏ bọc dân chủ, nhân quyền, tư vấn, hỗ trợ tị nạn cho những người vượt biên thường xuyên có các hoạt động khuếch trương thanh thế, xuyên tạc tình hình dân tộc, tôn giáo, nhân quyền, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam. Nhưng mấy ai biết được rằng, Thắng và BPSOS từng dùng mọi chiêu trò để hứa hẹn, lừa đảo sau đó khiến cho hàng ngàn người Việt Nam xuất cảnh trái phép đang bị bỏ mặc, sống chui lủi, đói khổ trong các trại tị nạn ở Thái Lan; triệt để lợi dụng hỗ trợ của một số tổ chức, đối tượng có tầm ảnh hưởng và quan điểm thiếu thiện chí với Việt Nam; tham gia một số diễn đàn từ đó phát biểu xuyên tạc tình hình nhân quyền Việt Nam; phát động các chiến dịch vận động chính giới các nước thông qua dự luật nhân quyền nhằm áp đặt chế tài, gây sức ép đòi Việt Nam trả tự do cho số đối tượng chống đối trong nước bị bắt và xử lý.
Từ khi thành lập đến nay, BPSOS và Thắng chưa tạo dựng được bất kỳ lợi ích nào cho xã hội, cho cộng đồng, cho những người dân mà tất cả chỉ dừng lại ở các hoạt động lừa đảo, lợi dụng những người yếu thế để trục lợi cũng như đẩy họ vào con đường tị nạn. Các hoạt động của Thắng và BPSOS chỉ làm phương hại đến lợi ích của quốc gia và dân tộc Việt Nam.
Thực tế ở Việt Nam, quyền của phụ nữ luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm đảm bảo và được cụ thể hóa tại các văn bản pháp luật như Bộ luật Dân sự, Luật Hôn nhân và gia đình, Bộ luật Lao động và đặc biệt là Luật Bình đẳng giới năm 2006 với mục tiêu: “Xoá bỏ phân biệt đối xử về giới, tạo cơ hội như nhau cho nam và nữ trong phát triển kinh tế - xã hội và phát triển nguồn nhân lực, tiến tới bình đẳng giới thực chất giữa nam, nữ và thiết lập, củng cố quan hệ hợp tác, hỗ trợ giữa nam, nữ trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình”.
Đảng và Nhà nước đã có nhiều quy định hướng dẫn, giao chỉ tiêu nữ cho từng địa phương tuyên truyền, vận động để quần chúng hiểu và bầu đại biểu nữ vào các cơ quan Đảng, Quốc hội và chính quyền các cấp. Nhờ đó, tỷ lệ nữ trong các cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, đoàn thể quần chúng ngày một tăng thêm; ngày càng nhiều phụ nữ giữ các trọng trách trong các cơ quan Đảng, Nhà nước và được trọng dụng trong các lĩnh vực kinh tế, xã hội. Tỷ lệ nữ giới đại diện trong cơ quan lập pháp của Việt Nam luôn thuộc nhóm có thứ hạng cao nhất trong khu vực nói riêng và trên thế giới nói chung. Quốc hội khóa XV có 499 đại biểu thì có 151 đại biểu nữ, chiếm tỷ lệ 30,26%; hơn 70% phụ nữ Việt Nam trong độ tuổi lao động tham gia lực lượng lao động. Tỉ lệ này trên toàn cầu là 47,2% và tỉ lệ trung bình của khu vực châu Á-Thái Bình Dương là 43,9%. Đặc biệt, tỷ lệ phụ nữ làm chủ doanh nghiệp và cơ sở kinh doanh ở nước ta luôn đạt trên 30%, thuộc nhóm cao nhất của khu vực Đông Nam Á. Việt Nam đã đạt được hầu hết các chỉ tiêu đề ra về bình đẳng giới trong giáo dục. Tỷ lệ giáo viên nữ các cấp học từ mầm non đến trung học cơ sở đạt chuẩn đào tạo rất cao, không có sự khác biệt giữa nam và nữ. Công bằng xã hội trong tiếp cận giáo dục đã được cải thiện, đặc biệt người dân tộc thiểu số, con em các gia đình nghèo, trẻ em gái và các đối tượng bị thiệt thòi ngày càng được quan tâm. Tỷ lệ trẻ em gái học tiểu học và trung học cơ sở tăng lên hàng năm.
Vì vậy, mọi luận điệu xuyên tạc của BPSOS và Nguyễn Đình Thắng về quyền của người phụ nữ ở Việt Nam cần phải bị lên án và bác bỏ. Chúng ta hãy nhìn rõ bản chất của Thắng và BPSOS, từ đó đề cao cảnh giác trước mọi hoạt động dụ dỗ, xuyên tạc cũng như không tham gia vào các hoạt động có liên quan.
THST
Tin liên quan
|
|
|
|