Trên mạng xã hội lại rộ lên các tin đồn: một số quốc gia NATO và phương Tây đã tuyên bố sẽ gửi vũ khí công nghệ cao đến Ucraina. Đáp lại, Nga cũng tuyên bố sẽ sử dụng vũ khí hạt nhân cấp chiến thuật để tự vệ nếu chủ quyền quốc gia bị đe dọa, v,v.. Tình hình trên làm cho cuộc xung đột quân sự Nga – Ucraina và châu Âu thêm nóng.
Lợi dụng tình thế này, ở nước ta, không ít người đã cầu mong Việt Nam sớm “có vũ khí hạt nhân”, “vũ khí công nghệ cao”. Từ đó, họ đưa ra quan điểm sai trái: phủ nhận sự cần thiết phải xây dựng nền quốc phòng toàn dân gắn với xây dựng, củng cố thế trận chiến tranh nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” vững chắc. Đằng sau luận điểm sai trái này là phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng, phủ nhận đường lối quốc phòng toàn dân, chiến tranh nhân dân, an ninh nhân dân; phủ nhận vai trò của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng; phủ nhận vai trò của Đảng ủy Công an Trung ương, Bộ Công an; phủ nhận sự đoàn kết, thống nhất ý cao của khối đại đoàn kết dân tộc, ý Đảng – lòng Dân ở nước ta.
Quan điểm này cho rằng để bảo vệ Tổ quốc, Đảng, Nhà nước không cần phải chi nhiều tiền của, công sức cho xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” cũng như các khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố, vì như thế là “dàn trải”, “không phù hợp”, “không có sức mạnh để chế áp vũ khí công nghệ cao”, “làm cho đất nước suy yếu”. Họ nêu các yêu sách đòi hỏi Đảng, Nhà nước ta dùng các khoản ngân sách chi cho quốc phòng, an ninh để mua sắm mới vũ khí công nghệ cao nhằm răn đe kẻ thù nếu có âm mưu xâm lược nước ta. Họ đã tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao, hạ thấp vai trò của con người; không thấy rõ mối quan hệ biện chứng giữa con người và vũ khí; tác dụng, giá trị và ý nghĩa của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; củng cố thế trận chiến tranh nhân dân và “thế trận lòng dân” ở nước ta.
Mong muốn có vũ khí công nghệ cao để bảo vệ vững chắc Tổ quốc là điều tốt nhưng không phải cứ muốn là làm ngay được. Hơn thế, suy xét đến cùng, vũ khí công nghệ cao dù hiện đại đến đâu, có sức mạnh đến mấy vẫn phải do con người sử dụng nó. Do đó, con người mới là nhân tố quyết định mọi thắng lợi, còn vũ khí, trang bị tốt sẽ chỉ góp phần nâng cao hiệu quả tác chiến; nó không thể quyết định thắng lợi; không thể thay thế vai trò của con người.
Ai đó mong muốn Việt Nam có ngay vũ khí công nghệ cao lúc này là ảo tưởng, là ước mơ hảo huyền; phi thực tế, bởi điều kiện kinh tế – xã hội và tiềm lực quân sự – quốc phòng – an ninh của nước ta chưa cho phép. Hơn thế, đưa ra yêu sách, các quan điểm sai trái rồi phê phán Đảng, Nhà nước ta “không quan tâm chăm lo mua sắm vũ khí công nghệ cao”…, là sai lầm, không thể chấp nhận.
Chiến thắng bằng bản lĩnh, trí tuệ, niềm tin và lòng dân, ý Đảng
Thực tế chứng minh rằng, khi thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược nước ta, nhân dân ta chỉ có các loại vũ khí thô sơ; hơn thế, chúng ta chỉ có “gan vàng, dạ sắt” nhưng bằng bản lĩnh và trí tuệ của mình; cả nước chung sức đồng lòng, đồng tâm hợp lực đánh giặc, chúng ta đã mưu trí, sáng tạo trong chiến đấu và chiến thắng mọi kẻ thù hung bạo, có “quân hùng tướng mạnh”, vũ khí tối tân, hiện đại; tiềm lực quân sự lớn mạnh hơn chúng ta gấp nhiều lần. Điều đó chứng minh rằng, bằng đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân và chiến tranh du kích, quân và dân ta đã tạo ra sức mạnh nội sinh vô cùng mạnh mẽ để chiến thắng quân xâm lược. Quan điểm tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí, phủ nhận sức mạnh của con người là hoàn toàn sai trái. Hậu duệ của những sai lầm ấy muốn lặp lại quan điểm sai lầm của các bậc tiền bối là điều đáng trách; tôn thờ thuyết “kỹ trị” đáng bị phê phán, loại bỏ.
Trước đây đã như vậy và trong tương lai vẫn sẽ là như vậy, chúng ta vẫn phải sử dụng các loại vũ khí, trang bị quân sự có trong biên chế để chiến đấu và chiến thắng kẻ thù. Vũ khí tinh thần sắc bén và trang bị quân sự hữu dụng do nhân dân ta nghiên cứu, tạo ra là kết quả của quá trình xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” mang lại, chẳng có lý do gì để “niêm cất”, “không sử dụng” các giá trị đã được khẳng định. Nguồn sức mạnh chỉ có thể có được khi chúng ta có niềm tin chiến thắng, biết tập trung xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” với các quy trình, quy chuẩn mới, phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ tác chiến mới, trong điều kiện kẻ thù sử dụng vũ khí công nghệ cao.
Ai đó cho rằng Việt Nam chỉ có thể bảo vệ vững chắc Tổ quốc chỉ khi có vũ khí công nghệ cao, nhất là có vũ khí mang đầu đạn hạt nhân như nước này, nước kia là chưa thực tế, không phù hợp. Ta là ta, ta không phải là bạn. Điều kiện kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của nước ta khác với nước họ. Quan điểm cho rằng “Việt Nam phải mua ngay vũ khí hạt nhân” để đối phó với chiến tranh công nghệ cao (nếu nó xảy ra) là hoàn toàn không phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của nước ta hiện nay. Những người có quan điểm này đã rơi vào phương pháp tư duy siêu hình; tự mình cô lập mình. Dù vô tình hay hữu ý, họ đã tước đi sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”.
Hơn ai hết, chúng ta hiểu rằng, trong điều kiện chiến trường rộng lớn, vũ khí công nghệ cao không đủ để tấn công tất cả các mục tiêu, mọi địa điểm, mọi địa hình, cản phá sức mạnh của nhân dân ta. Điều quan trọng là, trong điều kiện tác chiến và địa hình của nước ta, nếu chỉ bị phá hoại một số trọng điểm, mục tiêu thì chưa thể mất nước. Hơn thế, vũ khí công nghệ cao chỉ có thể áp dụng thành công ở một số chiến trường ở phương Tây, còn áp dụng ở Việt Nam và khuất phục ý chí, tinh thần của quân và dân ta, là do chúng ta quyết định.
Mặt khác, trong các hình thái chiến tranh, nếu quân địch tiến công trên bộ thì đó sẽ là điều kiện thuận lợi để chúng ta phát huy thế mạnh của nền quốc phòng toàn dân, thế trận chiến tranh nhân dân, chiến tranh du kích để tiêu diệt địch. Đây là ưu thế, sức mạnh vốn có của chúng ta, vì nó tạo ra sức mạnh tổng hợp, có sức đề kháng cao; có khả năng ngăn chặn, đẩy lùi nguy cơ xung đột và chiến tranh hiệu quả nhất, kể cả chiến tranh có sử dụng vũ khí công nghệcao.
Những người có quan điểm đối lập với đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng, Nhà nước ta đều biết rõ, chiến tranh dưới mọi hình thức đều gây ra những thiệt hại to lớn về người và tài sản; ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự ổn định chính trị, môi trường hòa bình và cuộc sống hạnh phúc của nhân dân. Vì vậy, giữ vững ổn định chính trị, môi trường hòa bình; không để xảy ra và không phải đối phó với chiến tranh là phương án tối ưu, thượng sách giữ nước. Cho nên, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” là một kế sách giữ nước từ sớm, từ xa; giữ nước từ khi nước chưa nguy; cớ sao lại phủ nhận nó; cớ sao sao phải nêu yêu sách đòi Đảng, Nhà nước phải mua sắm vũ khí hạt nhân khi điều kiện chưa cho phép.
Quan điểm sai trái cổ suy cho “hạt nhân hóa Việt Nam”; coi nhẹ, phủ nhận vai trò của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”, tiến tới phủ nhận vai trò nòng cốt của Quân đội và Công an trong xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân là phi lý, cần phải bác bỏ.
Những người này đã không hiểu giá trị, ý nghĩa và tác dụng của việc xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân, xây dựng và củng cố “thế trận lòng dân” là thiếu niềm tin vào sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc; là quan điểm “ăn sổi ở thì”; không nhìn thấy sự cần thiết phải xây dựng toàn diện cả tiềm lực, thế trận, lực lượng do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, nhân dân là chủ, làm chủ; là sự lựa chọn tối ưu nhất đối của quân và dân ta. Đây là cơ sở lý luận – thực tiễn vững chắc để bác bỏ quan điểm lệch lạc, sai trái khi tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao; phủ nhận vai trò của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân”; phủ nhận sức mạnh của nhân tố chính trị – tinh thần của nhân dân ta.
Rõ ràng là, lấy một quan điểm sai trái để xuyên tạc chủ trương, đường lối đúng đắn của Đảng, cản trở việc quy tụ, tập hợp và phát huy thế mạnh, sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” là sai lầm nghiêm trọng, cần phải vạch trần, phê phán và trấn chỉnh.
Kiên định vào chủ trương, đường lối đúng, kế sách hay
Phát huy thế mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” là phương thức hữu dụng, làm cho kẻ địch có vũ khí công nghệ cao phải khiếp sợ, kinh hoàng; mất niềm tin; không thể sử dụng hiệu quả vũ khí công nghệ cao. Hơn thế, trong chiến tranh nhân dân, quân và dân ta có thể làm thay đổi quy luật, làm biến dạng địa hình, di chuyển, dịch chuyển, làm mục tiêu giả, tổ chức hệ thống phòng không nhân dân rộng khắp, có thể tiêu diệt được các loại máy bay mang vũ khí công nghệ cao, tên lửa hành trình của địch; giành thế chủ động trên chiến trường và chiến thắng.
Những người nhận thức sai trái về sức mạnh của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân”; tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao nhưng họ không hiểu hạn chế của nó, nhất là giới hạn không thể vượt qua của nó khi họ không thể tiến công, phá hủy, xâm chiếm tất cả các mục tiêu trên khắp dải đất hình chữ S của Việt Nam.
Vì vậy, đấu tranh phản bác, vạch trần bản chất, âm mưu, thủ đoạn và các hành vi đề cao “thuyết kỹ trị” và vũ khí công nghệ cao; phủ nhận vai trò của nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và “thế trận lòng dân” có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong tình hình mới.
Việc tuyệt đối hóa vai trò của vũ khí công nghệ cao sẽ tạo ra tâm lý ỷ nại vào kỹ thuật, công nghệ, dẫn đến việc sao nhãng yếu tố chính trị – tinh thần; lo ngại, sợ sệt, thiếu tự tin, bi quan, giảm sút ý chí chiến đấu. Nhận thức sai trái sẽ dẫn đến hành vi phủ nhận chủ trương, đường lối chính trị – quân sự của Đảng ta; ca ngợi không công cho địch, nhất là sức mạnh vũ khí công nghệ cao mà kẻ thù sử dụng chống chúng ta, làm cho tâm lý “sùng ngoại”, phụ thuộc vào phương Tây lan tràn. Đây là “khe hở”, nuôi dưỡng, làm nảy nở âm mưu chống cộng, dẫn đến thủ đoạn “phi chính trị hóa” quân đội và công an, chúng ta phải hết sức đề cao cảnh giác; không mắc mưu địch.
Nếu coi thường, từ bỏ chủ trương, đường lối xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân; xây dựng, củng cố “thế trận lòng dân” và các khu vực phòng thủ, chúng ta sẽ đánh mất ưu thế, sức mạnh của riêng mình. Điều đó trái với bản chất truyền thống cách mạng, không phát huy được nhân tố chính trị – tinh thần của quân và dân ta.
Đó là cơ sở quan trọng để bác bỏ quan điểm sai trái đang tán phát, lan truyền trên mạng xã hội, khi cho rằng “trong điều kiện tác chiến bằng vũ khí công nghệ cao, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh nhân dân và xây dựng “thế trận lòng dân” là không cần thiết”, rất cần phải đấu tranh, phản bác; không để quan điểm sai trái này tràn lan, lây nhiễm, gây hại cho xã hội ta. Tuyệt đối không để quan điểm sai trái này gây bệnh, nảy mầm, thúc đẩy việc thực hiện âm mưu “phi chính trị hóa” lực lượng vũ trang; “phi Đảng Cộng sản hóa” Nhà nước và các hoạt động chính trị – xã hội khác./.