Về mối quan hệ giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế, Cương lĩnh của Đảng đã nêu rõ: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại dân tộc, tự chủ, hòa bình, hợp tác và phát triển; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế; nâng cao vị thế của đất nước; vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì một nước Việt Nam xã hội chủ nghĩa giàu mạnh; là bạn, đối tác tin cậy và thành viên có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế, góp phần vào sự nghiệp hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới".
Độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế là mối quan hệ biện chứng, tất yếu, khách quan. Mỗi quốc gia, dân tộc phải có độc lập, tự chủ mới có thể chủ động hội nhập quốc tế. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ như hiện nay thì không có quốc gia nào tự cô lập mình mà phát triển được. Độc lập, tự chủ là tiền đề, là điều kiện cho đất nước phát triển tốt hơn, có điều kiện để đảm bảo cho độc lập, tự chủ. Trong các Văn kiện của Đại hội XI, XII đều xác định rõ đường lối đối ngoại của nước ta thể hiện mối quan hệ biện chứng giữa độc lập, tự chủ và hội nhập quốc tế. Báo cáo chính trị tại Đại hội XIII của Đảng khẳng định: "Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại. Bảo đảm cao nhất lợi ích quốc gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc và luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại, chủ động và tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế".
Thực tiễn qua thực hiện công cuộc đổi mới, Việt Nam hội nhập ngày càng sâu rộng vào khu vực và thế giới, đem lại những thành quả hết sức to lớn, toàn diện ở các lĩnh vực: hội nhập kinh tế quốc tế, hội nhập quốc tế trong lĩnh vực chính trị, hội nhập trong lĩnh vực văn hóa - xã hội và hội nhập trong lĩnh vực quốc phòng - an ninh. Sự chuyển mình mạnh mẽ của Việt Nam trong 37 năm qua đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Hai tiếng "Việt Nam" từ chỗ gắn liền "Vietnam War" (chiến tranh ở Việt Nam) đã chuyển sang "Vietnam Renewal" (công cuộc đổi mới ở Việt Nam). Thậm chí, "đổi mới" (doimoi) đã đi vào kho từ vựng quốc tế.
Dư luận quốc tế bày tỏ sự ngưỡng mộ trước những thành tựu của Việt Nam trong xây dựng và phát triển đất nước, đánh giá rất cao đường lối đổi mới và coi nước ta là một trong những "hình mẫu" tiêu biểu về việc thực hiện có hiệu quả công cuộc giảm nghèo, phát triển đất nước, giữ vững môi trường hòa bình, ổn định. Một trong những bước đi đầu tiên trên con đường hội nhập của Việt Nam là việc ký Hiệp định Thương mại dệt may với Cộng đồng châu Âu vào năm 1992, sau đó là gia nhập ASEAN năm 1995 và Tổ chức Thương mại thế giới năm 2007.
Việt Nam đang dần trở thành "một ngôi sao sáng" trên truyền thông quốc tế, dư luận về các thành tựu đối ngoại của Việt Nam xuất hiện đặc biệt nhiều, đưa Việt Nam vào tâm điểm của báo chí thế giới vào các thời điểm tổ chức thành công các hội nghị quan trọng, như Năm APEC Việt Nam mà đỉnh cao là Tuần lễ cấp cao APEC tháng 11/2017, Hội nghị Thượng đỉnh WEF-ASEAN năm 2018, Hội nghị Thượng đỉnh Hoa Kỳ - Triều Tiên năm 2019 và chuỗi những sự kiện trong năm Chủ tịch ASEAN 2020.
Ở phạm vi toàn cầu, Việt Nam được dư luận quốc tế đặc biệt chú ý và đánh giá cao khi được bầu làm Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc với số phiếu cao kỷ lục; nhận định Việt Nam đang trở thành thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế. Quan hệ song phương giữa Việt Nam với các nước lớn cũng là một trong những yếu tố được dư luận quốc tế đánh giá cao. Viện Lowy đánh giá sức mạnh mềm về năng lực ngoại giao Việt Nam gia tăng vượt bậc trong năm 2020 (tăng 3 bậc), xếp hạng 9/26 quốc gia và vùng lãnh thổ được khảo sát tại châu Á năm 2020.
Chúng ta đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hầu hết các nước trên thế giới trên nguyên tắc tôn trọng độc lập, chủ quyền, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Năm 2020 đã có 112 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Nguồn vốn FDI thu hút vào nước ta tăng mạnh, từ 428,5 triệu USD năm 1991 lên 4 tỷ USD năm 2006 và đạt mức 20 tỷ USD năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu của nền kinh tế nước ta tăng rất nhanh, từ 1,74 tỷ USD năm 1986 lên 10 tỷ USD năm 1996, 45 tỷ năm 2006 và đạt 287,8 tỷ USD năm 2020.
Việt Nam đã ký hơn 100 thỏa thuận, điều ước quốc tế có nội dung văn hóa. Nhờ có hội nhập mạnh mẽ về văn hóa mà bạn bè quốc tế đến Việt Nam ngày càng nhiều và cũng từ đó hình thành nhiều dự án, công trình văn hóa tại Việt Nam với quy mô ngày càng được mở rộng. Việt Nam đã từng bước mở rộng hợp tác quốc phòng - an ninh với các nước lớn và các nước trong khu vực. Đến nay, nước ta đã có quan hệ quốc phòng chính thức với trên 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, đặt văn phòng tùy viên quân sự tại 37 nước và hơn 49 nước có văn phòng tùy viên quân sự tại Việt Nam.
Với phương châm "dĩ bất biến ứng vạn biến", độc lập tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa và khả năng xử lý các vấn đề ngoại giao phức tạp, kể cả trong quản lý quan hệ với các nước lớn, ngoại giao Việt Nam đã góp phần quan trọng vào sức mạnh tổng hợp của đất nước. Những thành tựu đạt được trong hội nhập quốc tế nói riêng, trong sự nghiệp đổi mới của nước ta nói chung là những minh chứng, luận cứ xác thực nhất để bác bỏ những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch trong lĩnh vực này. Điều đó khẳng định chủ trương đúng đắn trong đường lối, chính sách đối ngoại của Đảng và Nhà nước ta.