Vạch trần, bác bỏ các luận điệu sai trái về lấy phiếu tín nhiệm
Cập nhật 07/06/2023

Vừa qua, tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với 21 Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư theo quy định mới của Đảng, Quy định 96-QĐ/TW, ngày 02/02/2023 về việc lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị.

 

Ngay lập tức, vẫn tiếp tục với chiêu bài bịa đặt, bóp méo sự thật, các thế lực phản động, các phần tử thiếu thiện chí đã sử dụng sự kiện này để thực hiện các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam. Trên fanpage của Việt Nam thời báo, Đài Á châu Tự do có các bài viết: “Lấy phiếu tín nhiệm để phe nhóm có cớ trị nhau?”, “Luật hóa việc phe nhóm triệt nhau?”, “Nhà quan sát: Nên ra Luật về Đảng, không cần thiết phải lấy phiếu tín nhiệm trong nội bộ”. Điểm chung của những bài viết này là cho rằng việc lấy phiếu tín nhiệm chỉ là “trò hề chính trị” để các phe nhóm trong Đảng mượn danh thanh trừng, triệt phá lẫn nhau; Đảng đang “lấn sân” chính quyền, thao túng nhà nước…

Rõ ràng, đây là luận điệu vô cùng trắng trợn, nguy hiểm mà chúng ta cần vạch trần, phản bác.

Cần khẳng định rằng, lấy phiếu tín nhiệm đội ngũ cán bộ lãnh đạo chủ chốt là việc làm hết sức cần thiết nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Thực tế, đây không phải lần đầu Ban Chấp hành Trung ương lấy phiếu tín nhiệm đối với chức danh, chức vụ lãnh đạo, quản lý trong hệ thống chính trị. Tuy nhiên, với Quy định 96-QĐ/TW (thay thế Quy định 262-QĐ/TW, ngày 8/10/2014), việc lấy phiếu tín nhiệm không chỉ có ý nghĩa “tham khảo” mà được sử dụng trực tiếp vào công tác đánh giá, bố trí, điều động và thực hiện chính sách đối với cán bộ.

Với quy định những trường hợp có trên 50% nhưng dưới 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp thì đưa ra khỏi quy hoạch các chức vụ cao hơn; xem xét cho thôi giữ chức vụ đang đảm nhiệm, bố trí công tác khác hoặc cho từ chức. Trường hợp có từ 2/3 số phiếu tín nhiệm thấp trở lên thì miễn nhiệm chức vụ đang đảm nhiệm và bố trí công tác khác (thấp hơn) mà không chờ đến hết nhiệm kỳ, hết thời hạn bổ nhiệm… thực sự là bước thay đổi mạnh mẽ, quyết liệt, được ví như “lửa thử vàng”, góp phần khắc phục tính hình thức của việc lấy phiếu tín nhiệm so với trước đây. Nếu cán bộ làm việc không tốt dẫn tới tín nhiệm thấp sẽ bị xử lý. Cán bộ tín nhiệm cao sẽ có động lực tiếp tục thực hiện tốt nhiệm vụ, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám đương đầu với thử thách, năng động, sáng tạo, đổi mới… Từ đó cho thấy việc lấy phiếu tín nhiệm lần này đã thể hiện sự đồng bộ, nhất quán với các chủ trương của Đảng về công tác cán bộ, như: Quy định số 41-QĐ/TW, 03/11/2021 về việc từ chức, miễn nhiệm cán bộ, Thông báo kết luận số 20-TB/TW, ngày 8/9/2022 về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật, đồng thời góp phần xây dựng đội ngũ lãnh đạo quản lý các cấp đủ phẩm chất, năng lực, uy tín ngang tầm nhiệm vụ.

Trong phát biểu khai mạc Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu: “Bảo đảm tính dân chủ, khách quan, công tâm, công khai, minh bạch trong việc lấy phiếu tín nhiệm và sử dụng kết quả lấy phiếu tín nhiệm. Kiên quyết không để xảy ra vi phạm hoặc lợi dụng việc lấy phiếu tín nhiệm để gây chia rẽ, làm mất đoàn kết nội bộ”. Việc xác định 3 mức độ “tín nhiệm cao, tín nhiệm, tín nhiệm thấp” trong quy trình lấy phiếu tín nhiệm đối với cán bộ lãnh đạo không phải là hình thức “cào bằng” khi xem xét, nhận định mức độ hoàn thành cương vị chức trách của cán bộ, mà chủ yếu nhằm tiếp cận, đánh giá đúng phẩm chất, năng lực và chất lượng, hiệu quả công tác của người được lấy phiếu tín nhiệm. Hơn nữa, việc xác định 3 mức độ tín nhiệm này nhằm bảo đảm cho việc lấy phiếu tín nhiệm được khách quan hơn, thận trọng và thấu đáo hơn, tránh hiện tượng cảm tính mà người bỏ phiếu dễ nhận định, đánh giá chưa đúng mực, chuẩn xác về cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm. Đồng thời, Quy định 96 đã đưa “ý thức tổ chức kỷ luật, việc chấp hành các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Đảng, nhất là nguyên tắc tập trung dân chủ, tự phê bình và phê bình” vào tiêu chí lấy phiếu tín nhiệm. Điều này cho thấy “sức nặng” của lá phiếu không chỉ đơn thuần là năng lực, phẩm chất, uy tín của cán bộ mà còn tăng cường sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng -  vấn đề được Đảng đặc biệt quan tâm.

Sau Trung ương, các bộ, ngành, địa phương, cơ quan sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm đối với các chức vụ lãnh đạo, quản lý theo quy định. Điều này phù hợp với phương châm “trên trước, dưới sau”, “trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”, thể hiện sự đồng bộ, thống nhất, tạo ra một mẫu mực từ Trung ương đến cơ sở.

Như vậy, lấy phiếu tín nhiệm tại Hội nghị Trung ương giữa nhiệm kỳ vừa qua cho thấy sự quyết tâm của Đảng ta trong nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo các cấp, góp phần xây dựng Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh toàn diện. Đó cũng là thực tế sinh động đánh đổ những luận điệu xuyên tạc của các phần tử cơ hội chính trị, thiếu thiện chí đối với Việt Nam.

Hà Tiên 

Tin liên quan
Xem tin theo ngày