Cảnh giác trước luận điệu xuyên tạc khoác áo “Công đoàn độc lập” để mưu đồ chống phá
Cập nhật 25/12/2023

Trong thời điểm đại hội Công đoàn Việt Nam nhiệm kỳ 2023 – 2028 diễn ra vừa qua, các thế lực thù địch, phản động, phần tử bất mãn, cơ hội chính trị lại gia tăng chống phá với những luận điệu như: “Công đoàn Việt Nam chỉ là bù nhìn”; “chỉ có Công đoàn độc lập mới bảo vệ quyền lợi cho người lao động”...

 

Tổ chức Công đoàn sơ khai ở Việt Nam được hình thành từ những năm 1919 - 1925 tại nhà máy Ba Son - Sài Gòn do đồng chí Tôn Đức Thắng sáng lập. Trong mỗi thời kỳ, tên gọi, vị trí và vai trò của Công đoàn có nhưng thay đổi, phụ thuộc vào điều kiện chính trị, xã hội của đất nước. Cùng với đó, quá trình phát triển của Công đoàn cũng gắn liền và phản những bước phát triển của pháp luật về Công đoàn. Đến nay, theo quy định tại Điều 10, Hiến pháp năm 2013: “Công đoàn Việt Nam là tổ chức chính trị - xã hội của giai cấp công nhân và của người lao động được thành lập trên cơ sở tự nguyện, đại diện cho người lao động, chăm lo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động; tham gia quản lý nhà nước, quản lý kinh tế - xã hội; tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp về những vấn đề liên quan đến quyền, nghĩa vụ của người lao động; tuyên truyền, vận động người lao động học tập, nâng cao trình độ, kỹ năng nghề nghiệp, chấp hành pháp luật, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”. Bên cạnh đó, theo quy định tại Khoản 1, Điều 170, Bộ luật Lao động năm 2019: “Người lao động có quyền thành lập, gia nhập và hoạt động công đoàn theo quy định của Luật Công đoàn”. Đây là một quyền không mới do đã được pháp luật về lao động của Việt Nam ghi nhận cho người lao động từ lâu. Đồng thời, Khoản 2 Điều này bổ sung quy định cho phép “Người lao động trong doanh nghiệp có quyền thành lập, gia nhập và tham gia hoạt động của tổ chức, người lao động tại doanh nghiệp theo quy định tại các điều 172, 173 và 174 của Bộ luật này”. Quy định về gia nhập, tham gia tổ chức này là rất mới, độc lập với tổ chức công đoàn cơ sở truyền thống. Ngoài ra, Bộ luật Lao động cũng quy định, cả công đoàn và các tổ chức đại diện người lao động khác tại doanh nghiệp đều bình đẳng về quyền và nghĩa vụ trong việc đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Mặt khác, Nhà nước ta ghi nhận và cho phép quyền tự do lập hội của công dân nhưng việc lập hội phải đăng ký hoạt động theo quy định của pháp luật, được Nhà nước Việt Nam công nhận và được thể hiện tại Điều 25, Hiến pháp năm 2013: “Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định”.

Trải qua quá trình hình thành và phát triển, Công đoàn Việt Nam đã bảo vệ tốt quyền lợi, chăm lo cho người lao động, nhất là thời gian vừa qua, khi công nhân, người lao động và các doanh nghiệp gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kịp thời tham mưu, đề xuất với Chính phủ ban hành nghị quyết về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn. Cùng với đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng tham mưu, đề xuất với Đảng và Chính phủ về Đề án "Đầu tư xây dựng các thiết chế công đoàn tại các khu công nghiệp, khu chế xuất" và tổ chức đầu tư, xây dựng nhà ở, nhà trẻ, khu vui chơi, giải trí cho công nhân, người lao động... Tổ chức công đoàn đã làm tốt vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với công nhân, người lao động. Như vậy, không tổ chức, cá nhân nào có thể phủ nhận sự cần thiết, vai trò và uy tín của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, tổ chức công đoàn các cấp hiện nay. Còn cái gọi là “công đoàn độc lập” hay “nghiệp đoàn độc lập” do một số kẻ tự khởi xướng, thành lập thì hoàn toàn bất hợp pháp và không đại diện cho quyền, lợi ích hợp pháp của công nhân, người lao động. Bề ngoài, chúng tuyên bố “không làm chính trị” nhưng lại câu kết với các tổ chức chống phá Nhà nước Việt Nam như: Nghiệp đoàn FO, Lao động Việt, Nhóm bạn công nhân (thuộc Việt Tân), Luật khoa tạp chí, Hội nhà báo độc lập... đội lốt, mượn danh nghĩa công nhân, người lao động để thực hiện mưu đồ đen tối của thế lực thù địch, phản động chống phá Đảng, Nhà nước ta. Ngoài ra, thực tiễn nhiều quốc gia trên thế giới cho chúng ta thấy những bài học đắt giá, đó là, các hội, nhóm, tổ chức “dân sự” như “công đoàn độc lập”, “công đoàn đoàn kết”, “công đoàn tự do”,... lợi dụng sự nhận thức chưa đúng của công nhân về tổ chức công đoàn đã sử dụng nhiều chiêu trò dụ dỗ, lôi kéo công nhân vào cái bẫy của chúng để hình thành lực lượng chống đối, lật đổ chế độ nhằm cướp quyền lãnh đạo.

Từ các dẫn chứng trên, chúng ta có thể thấy, bản chất của các luận điệu sai trái, thù địch là chiêu trò, thủ đoạn hết sức thâm độc, nham hiểm nhằm hạ thấp vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam, từ đó phục vụ cho mưu đồ chống phá Đảng, Nhà nước, làm cho nước ta bị suy yếu, nhân dân ta mất đoàn kết. Nếu công nhân, người lao động không tỉnh táo, thiếu bản lĩnh sẽ mắc mưu kẻ xấu, vi phạm pháp luật. Do vậy, trong tình hình hiện nay, người dân cần nêu cao tinh thần cảnh giác, tích cực lên án, đấu tranh, phản bác luận điệu sai trái, thù địch nói chung, về tổ chức Công đoàn Việt Nam nói riêng.

 

BBT
Tin liên quan
Xem tin theo ngày