Ở Việt Nam, thanh niên trong độ tuổi từ 16-30 là một lực lượng đông đảo. Theo số liệu thống kê của Ủy ban Quốc gia về thanh niên, Việt Nam có hơn 22,1 triệu người trong độ tuổi thanh niên, chiếm khoảng 22,5% dân số cả nước và gần 36% lực lượng lao động. Từ khi ra đời đến nay, trong suốt quá trình lãnh đạo cách mạng, Đảng ta luôn đề cao vai trò, vị trí quan trọng của thanh niên; xác định thanh niên là đội quân xung kích của cách mạng, Ðoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là đội dự bị tin cậy của Ðảng; công tác thanh niên là vấn đề sống còn của dân tộc, là một trong những nhân tố quyết định thành bại của cách mạng. Nghị quyết Trung ương 7 (khóa X) của Đảng khẳng định: “Thanh niên là rường cột của nước nhà, chủ nhân tương lai của đất nước, là lực lượng xung kích trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, hội nhập quốc tế và xây dựng chủ nghĩa xã hội”.
Xác định đúng đắn vị trí của thanh niên, trong những năm qua, Đảng ta đã xây dựng được đội ngũ thanh niên vừa có đạo đức, nhân cách vừa có tri thức, sức khỏe; có tinh thần nhiệt tình cách mạng, hăng hái, tiên phong, ham học hỏi, có tinh thần đổi mới, sáng tạo; tiếp nối truyền thống hào hùng của dân tộc, của Ðảng, nêu cao lòng yêu nước, ý thức xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; sống có trách nhiệm với gia đình, xã hội; có ý chí vươn lên trong học tập, lao động, công tác, lập thân, lập nghiệp, làm giàu chính đáng; mong muốn được cống hiến cho đất nước, có việc làm, thu nhập ổn định, có đời sống văn hóa tinh thần phong phú, môi trường sống an toàn, lành mạnh. Trong Báo cáo chính trị của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn khóa XI tại Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh lần thứ XII khẳng định: Phần lớn thanh niên Việt Nam hiện nay có tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc; luôn vững tin vào sự lãnh đạo của Đảng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội; tiếp tục phát huy vai trò xung kích, sáng tạo, khẳng định bản lĩnh trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tích cực hoạt động xã hội, tình nguyện vì cuộc sống cộng đồng.
Tuy nhiên, do mặt trái của kinh tế thị trường, những thách thức của hội nhập kinh tế thế giới cùng những hạn chế nhất định về trình độ, kinh nghiệm sống nên vẫn còn một bộ phận không nhỏ thanh niên dễ bị các thế lực thù địch không có thiện cảm với chế độ chính trị của Việt Nam lợi dụng, lôi kéo, nhằm biến thanh niên thành lực lượng chống đối sự nghiệp cách mạng.
Với sự bùng nổ của internet và mạng xã hội, các thế lực thù địch đã triệt để lợi dụng các thiết bị truyền thông để tấn công, tác động vào thanh niên, ra sức phát tán các hình ảnh, video clip với nội dung bịa đặt, xuyên tạc, vu khống. Trên các trang mạng xã hội, chúng đăng tải những thông tin lập lờ, suy diễn, không đúng bản chất, như: phủ nhận những thành tựu trong phục hồi nền kinh tế, phát triển của đất nước, nhất là sau hậu quả nặng nề của đại dịch Covid-19; lợi dụng các cuộc xung đột quân sự giữa Nga – Ukraine, xung đột giữa Israel – lực lượng Hamas và phản ứng của Việt Nam để hạ thấp vị thế, uy tín của nước ta trên trường quốc tế. Chúng tạo ra các hội, nhóm, tổ chức các diễn đàn núp bóng dưới danh nghĩa “yêu nước” để lôi kéo thanh niên truy cập và bình luận theo hướng tiêu cực nhằm gieo rắc sự hoài nghi, chán nản dẫn tới mất phương hướng, dao động niềm tin với Đảng, với chế độ.
Với sự hiếu kỳ, khám phá của thanh niên, các thế lực thù địch còn liên tục phát tán các thông tin giật gân, bôi nhọ danh dự cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, quân đội. Chúng khoét sâu vào những vụ án tham nhũng, tiêu cực trong xã hội, cho rằng “chế độ một Đảng là căn cơ sinh ra tham nhũng”, “con đường đi lên chủ nghĩa xã hội là nguyên nhân gây tham nhũng xảy ra tràn lan”… từ đó kích động sự bất mãn của một bộ phận thanh niên đối với chế độ. Bên cạnh đó, chúng còn lợi dụng các sự kiện lớn như: chuyến thăm của lãnh đạo các nước đến Việt Nam (Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden thăm Việt Nam vào tháng 9-2023; Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình sang thăm Việt Nam vào tháng 12-2023…); các sự kiện lịch sử (Chiến tranh biên giới phía Bắc, trận chiến Gạc Ma…)… để tăng cường xúi giục thanh niên chống đối chính trị hoặc tham gia các hoạt động gây rối làm mất an ninh, trật tự xã hội.
Những phương thức nêu trên chỉ là thủ đoạn mà các thế lực thù địch sử dụng để lôi kéo thanh niên. Âm mưu thâm độc của chúng là muốn biến thanh niên trở thành lực lượng “đi đầu”, “trung tâm” cho các hoạt động chống phá của chúng. Nếu không lôi kéo được, chúng sẽ cố gắng tạo ra một bộ phận thanh niên tôn thờ chủ nghĩa cá nhân, sống ích kỷ, chạy theo lợi ích vật chất, coi trọng đồng tiền; phai nhạt lý tưởng cách mạng, thờ ơ với chính trị, với vận mệnh của đất nước…
Để đấu tranh với những âm mưu đó, công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, hiểu biết cho thanh niên phải được ưu tiên hàng đầu. Bên cạnh sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì mỗi thanh niên cũng cần tạo ra cho mình “hệ thống miễn dịch” để tránh bị lôi kéo, kích động, tự biến mình thành “con rối” trong chiêu bài của các thế lực thù địch, phản động.
T.H