Tựu trung, các phần tử chống đối, cơ hội chính trị cho rằng cuộc kháng chiến chống Pháp của dân tộc ta chỉ là cuộc đụng độ giữa hai thế lực hiếu chiến; thực chất quân đội Pháp dưới sự hậu thuẫn của Mỹ có mặt ở Việt Nam là để ngăn Việt Nam xâm lược một nước khác… Những luận điệu phủ nhận lịch sử như trên được lặp đi lặp lại chính là chiêu bài “mưa dầm thấm đất” được các thế lực thù địch tung ra nhằm phủ nhận, gieo rắc nghi ngờ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò lãnh đạo cách mạng của Đảng ta.
Lịch sử đã chứng minh, ngay từ cuối năm 1953, được sự giúp đỡ của Mỹ, thực dân Pháp đã tiến hành xây dựng Điện Biên Phủ thành một tập đoàn cứ điểm quân sự mạnh nhất Đông Dương. Nhiều tướng lĩnh và chính khách Pháp, Mỹ đã đến Điện Biên Phủ và tuyên bố đây là một pháo đài quân sự “bất khả xâm phạm”, “con nhím thép giữa núi rừng Tây Bắc” sẵn sàng nghiền nát bộ đội chủ lực của Việt Nam. Những người cầm đầu bộ máy chiến tranh của Pháp ở Đông Dương đã lấy Điện Biên Phủ làm điểm quyết chiến chiến lược với ta. Để đập tan âm mưu của thực dân Pháp, quyết giành hòa bình, độc lập, tự do, Đảng và Nhà nước ta, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh đã huy động tối đa sức người, sức của cho chiến dịch lịch sử này. Đã có 55.000 quân được huy động để tham gia lực lượng chiến đấu, trên 260.000 dân công và 27.400 tấn gạo được huy động. Hàng vạn thanh niên xung phong cũng được huy động làm nhiệm vụ mở đường. Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng, với tài thao lược quân sự sắc bén của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Tổng chỉ huy chiến dịch đã chỉ đạo bộ đội ta chuyển phương châm tác chiến từ “đánh nhanh, giải quyết nhanh” sang “đánh chắc, tiến chắc”. Sau khi công tác chuẩn bị hoàn thành, ngày 13/3/1954, quân ta nổ súng tiến công Điện Biên Phủ. Sau 56 ngày đêm “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” của quân và dân ta, ngày 7/5/1954 tướng Đờ Cát và toàn bộ Bộ tham mưu của Tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ phải đầu hàng và bị bắt sống.
Kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ không chỉ buộc Chính phủ Pháp phải ký Hiệp định Genéve, chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình, cam kết tôn trọng độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam, mà còn buộc chúng phải công nhận độc lập của nhân dân Lào và Campuchia, rút quân khỏi ba nước Đông Dương. Tiếp nối chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ, dân tộc ta đã viết tiếp bản anh hùng ca chói lọi trong thời đại Hồ Chí Minh, lập nên những chiến công hiển hách: Chiến thắng “Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không” năm 1972; chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, cả nước đi lên xây dựng chủ nghĩa xã hội, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc.
Chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ là kỳ tích vẻ vang của thời đại Hồ Chí Minh, là sự kết tinh của ý chí, niềm tin cháy bỏng và khát vọng thiêng liêng của toàn Đảng, toàn quân, toàn Dân ta vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Toàn dân, toàn quân ta long trọng tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ, chúng ta càng thêm tự hào về Đảng Cộng sản Việt Nam quang vinh, về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại; tự hào về dân tộc Việt Nam và Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Mỗi cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân cần góp sức mình làm lan tỏa sâu rộng về ý nghĩa, giá trị, tầm vóc dân tộc và thời đại, tinh thần, bản lĩnh, trí tuệ và chủ nghĩa anh hùng cách mạng của Chiến thắng Điện Biên Phủ. Đồng thời, cần cảnh giác, kiên quyết, kịp thời đấu tranh phản bác những luận điệu sai trái, thù địch, phản động cố tình xuyên tạc, bóp méo ý nghĩa của Chiến thắng Điện Biên Phủ, góp phần bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng; phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, đại đoàn kết toàn dân, chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc.
Hà Tiên