1. Khẳng định rằng, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ở Việt Nam hiện nay được xem là vấn đề “nóng”, đã “trở thành xu thế không thể đảo ngược, được đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân đánh giá cao, bạn bè quốc tế ghi nhận”. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ ra tham nhũng như “giặc nội xâm”, nhiệm vụ chống tham nhũng “cũng cần kíp như đánh giặc trên mặt trận”. Trong suốt quá trình lãnh đạo đất nước qua gần 40 năm đổi mới, Đảng ta cũng chỉ rõ tham nhũng gây ra rất nhiều hậu quả to lớn, “trở thành vật cản lớn cho thành công của công cuộc đổi mới, sức chiến đấu của Đảng, đe dọa sự tồn vong của Đảng, của chế độ, làm tổn hại thanh danh, uy tín của Đảng, xói mòn lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa. Do đó, Đảng ta xác định, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là một nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Đây là nhiệm vụ vừa cấp bách, vừa lâu dài; phải tiến hành kiên quyết, kiên trì, liên tục với những bước đi vững chắc, tích cực, chủ động và có trọng tâm, trọng điểm.
2. Với những nhận thức đúng đắn, sâu sắc về bản chất, hậu quả của tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, đề ra các nhiệm vụ, giải pháp phòng, chống tham nhũng, tiêu cực “ngày càng đồng bộ, có trọng tâm, trọng điểm, với bước đi, lộ trình phù hợp cho từng giai đoạn phát triển của đất nước”. Những con số về xử lý kỷ luật của Đảng và xử lý hình sự trong các vụ án tham nhũng, kinh tế thời gian qua đã cho thấy quyết tâm rất cao, nỗ lực rất lớn, nói đi đôi với làm của Đảng và Nhà nước ta trong việc phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không chỉ là tuyên ngôn, “hô khẩu hiệu” mà đã trở thành quyết tâm chính trị và hành động thực tế của cả hệ thống chính trị. Chưa bao giờ chúng ta xử lý nghiêm khắc nhiều cán bộ sai phạm, nhất là các cán bộ cấp cao như thời gian qua. Điều đó cho thấy, việc này không phải nhằm “che mắt thế gian”, “đấu đá, thanh trừng nội bộ”, “tranh giành quyền lực”, mà thực chất là răn đe, ngăn ngừa để không xảy ra sai phạm, “xử một vài người để cứu muôn người”.
3. Đảng ta chỉ có một mục tiêu duy nhất trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực là vì lợi ích của Đảng, của dân tộc, của đất nước và nhân dân, không phải vì lợi ích của bất cứ cá nhân hay phe cánh nào. Chúng ta “kiên quyết không để lọt vào cấp ủy những cán bộ không đủ tiêu chuẩn, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng”, tăng cường công tác quản lý cán bộ, ban hành các quy định về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ, bảo đảm “có vào, có ra, có lên, có xuống” trong công tác cán bộ, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín giảm sút; khẳng định rõ sự đoàn kết, quyết tâm trong việc lựa chọn cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ. Thực tế đã chứng minh, mục tiêu của chúng ta đủ lớn, sự đoàn kết và quyết tâm cao thì chúng ta mới có thể đạt được kết quả rất quan trọng, làm cho tham nhũng từng bước được đẩy lùi, kinh tế - xã hội phát triển, an ninh chính trị được giữ vững, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ngày càng nâng lên, niềm tin của cán bộ, đảng viên, nhân dân Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa được tăng cường… Những hành động, bước đi và kết quả nêu trên của Đảng chính là minh chứng hùng hồn nhất đập tan các luận điệu xuyên tạc, sai trái của các thế lực thù địch./.
TH