Trang facebook của Đài Á châu tự do (RFA) phát tán các bài: “Công cuộc chống tham nhũng sẽ ra sao khi mất người đốt lò Nguyễn Phú Trọng?”, “Thời Chủ tịch Tô Lâm, chính sách về ngoại giao và nội trị Việt Nam có gì thay đổi?”. Trong đó, đưa ra nhận định về chính trường Việt Nam sau sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng: “Để thành công trong chuyện hậu đốt lò sau khi ông Trọng mất, phụ thuộc vào một số yếu tố, trong đó quan trọng nhất là người kế nhiệm phải chuyển chế độ này từ độc đảng toàn trị sang độc tài toàn trị”; “Tô Lâm sẽ sử dụng quyền lực hiện có của mình nhằm loại trừ các đối thủ trong Đảng, thay vì tập trung vào cải tiến các chính sách quốc gia”…
Nghe qua cũng biết đây là những nhận định mang tính suy diễn, quy chụp, bôi đen sự thật, kích động nhằm gây tâm lý bất an trong xã hội, phục vụ ý đồ thâm độc về chính trị.
Bất cứ người nào cũng đều hiểu rằng tham nhũng là vấn nạn của tất cả các quốc gia, dù quốc gia đó theo chế độ chính trị nào đi nữa. Là chính đảng duy nhất lãnh đạo đất nước, từ rất sớm, Đảng Cộng sản Việt Nam đã nhận thức rất rõ sự nguy hại và những hệ lụy khôn lường của tham nhũng. Đảng ta xác định tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, không chỉ gây thiệt hại về vật chất, kinh tế, tiền bạc mà còn gây ra các tác hại tiềm ẩn, khôn lường. Nguy hiểm nhất là tham nhũng, tiêu cực làm hư hỏng đội ngũ cán bộ, dẫn đến “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá”, từ đó, gây ra khủng hoảng chính trị, trực tiếp đe dọa sự tồn vong của chế độ.
Nhận thức đầy đủ tính nghiêm trọng và sự nguy hại của tham nhũng, tiêu cực, Đảng ta đã đưa ra nhiều chủ trương, giải pháp tích cực để phòng, chống. Trong đó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã để lại dấu ấn đặc biệt trong công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Dưới sự chỉ đạo quyết liệt kiên trì, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, nghiêm minh nhưng rất nhân văn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã được tiến hành rất quyết liệt, bài bản, toàn diện, đi vào chiều sâu. Chỉ tính riêng từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XIII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã ban hành trên 100 văn bản để tăng cường công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (tăng 02 lần so với nửa đầu nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng). Quốc hội đã thông qua 24 luật, pháp lệnh và ban hành nhiều nghị quyết quan trọng; Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành 335 nghị định, 86 quyết định; các bộ, ngành ban hành gần 1.800 thông tư, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước trên các lĩnh vực, từng bước hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để “không thể” tham nhũng, tiêu cực. Nhiều vụ án về tham nhũng đã được xét xử, qua đó đã xử lý nghiêm các tổ chức đảng, đảng viên vi phạm; góp phần răn đe, ngăn chặn suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, trách nhiệm nêu gương, vi phạm những điều đảng viên không được làm.
Đặc biệt, cuốn sách “Kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, góp phần xây dựng Đảng và Nhà nước ta ngày càng trong sạch, vững mạnh” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng được xuất bản, quán triệt đã thể hiện quan điểm xuyên suốt, nhất quán của người đứng đầu Đảng ta về công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, rèn luyện đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên. Cuốn sách với sự đúc rút sâu sắc kinh nghiệm thực tiễn phong phú, sinh động đã góp phần làm sáng rõ bước phát triển mới trong tư duy lý luận của Đảng về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, được xem là cẩm nang về công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng ta.
Tại Hội nghị sáng ngày 3/8, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa 13 bầu Chủ tịch nước Tô Lâm giữ cương vị Tổng Bí thư nhiệm kỳ 2021-2026. Phát biểu tại cuộc họp sau sau khi được bầu làm Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm nhấn mạnh: “Công việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt để chiến thắng được giặc nội xâm này”. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm cũng khẳng định sẽ đẩy mạnh phòng chống tham nhũng, tiêu cực theo phương châm không ngừng ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai, xử lý một người để cảnh tỉnh cả vùng, cả lĩnh vực, xử lý trước hết ở cơ quan có chức năng phòng chống tiêu cực, góp phần làm trong sạch nội bộ Đảng!
Qua đó, có thể thấy, từ di sản đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để lại, nhất là tinh thần “trên dưới đồng lòng”, “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng” và “dọc ngang thông suốt” sẽ không ngừng lan tỏa, tạo nên sức mạnh “đốt cháy” cái sai, cái xấu, cái ác. Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực luôn được Đảng, Nhà nước ta tiến hành mạnh mẽ và rộng khắp ở các cấp, các ngành và toàn bộ hệ thống chính trị. Hơn bao giờ hết, cán bộ, đảng viên và nhân dân cần phải chung sức, đồng lòng, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, đấu tranh làm thất bại âm mưu chia rẽ của các phần tử cơ hội, thế lực thù địch, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước thật sự trong sạch, vững mạnh; thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nước Việt Nam phồn vinh, hạnh phúc mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trọn đời ấp ủ, phấn đấu hy sinh.
Hà Tiên