Thừa Thiên - Huế: Nhiều hộ tái định cư thiếu đất sản xuất
Cập nhật 01/10/2020
Sau khi nhường đất cho dự án thủy điện A Lưới (xã Hồng Thượng, huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế), hơn 100 hộ dân từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng phải chuyển đến khu tái định cư. Tuy nhiên, nhiều hộ không thể sản xuất do đất được cấp đổi lẫn nhiều đá...
 

 

Có đất nhưng không thể sản xuất

Khu tái định cư thủy điện A Lưới được thành lập năm 2011, gồm 106 hộ dân với 567 nhân khẩu di dời đến vùng tái định cư từ các xã Hồng Thái, Sơn Thủy, Hồng Thượng. Đây là các hộ dân nhường lại đất do ảnh hưởng khu vực lòng hồ thủy điện A Lưới.

Từ 106 hộ dân đầu tiên đến nay, khu tái định cư được chia thành 2 thôn A Đên và A Sáp với 165 hộ dân, 607 nhân khẩu. Sau nhiều năm xây dựng, đa số các hộ dân ở đây vẫn còn gặp nhiều khó khăn do đất cấp đổi đến vùng tái định cư lẫn nhiều đá, không có nước tưới nên không sản xuất được.

Một trong những hộ di dời đến khu tái định cư thủy điện A Lưới là bà Hồ Thị Liên cho biết, trước đây, nhà bà Liên ở xã Hồng Thượng. Năm 2011 sau khi nhượng 1 ha đất trồng sắn (diện tích nằm trong lòng hồ thủy điện), bà chuyển đến khu tái định cư. Ngoài được cấp đất ở, gia đình bà còn được cấp đất rẫy và đất trồng lúa.

Thế nhưng, diện tích đất trồng lúa nằm gần nhánh sông A Sáp lẫn nhiều đá không cày cấy được, địa hình cao nên có hệ thống thủy lợi nhưng khan hiếm nguồn nước tưới. Cũng theo bà Liên, mấy năm trước xã có đầu tư hệ thống kênh mương thủy lợi tương đối hoàn chỉnh, nhưng cũng không có nước mà tưới. Buổi đầu lên đây, bà con phải vác cuốc, xẻng đi bới đá mới trồng được cây.

Theo ông Lê Quang Vinh, Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới thông tin, các hộ dân thuộc diện di dời của dự án thuỷ điện A Lưới được cấp đổi đất ở bình quân mỗi hộ 2.000m2, đất sản xuất 10.500m2.

Trong đó, đất trồng lúa nước 2.500m2, đất trồng rừng sản xuất 8.000m2. Diện tích được cấp đổi tại khu tái định cư tương ứng với diện tích trước đây các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi dự án thủy điện A Lưới. Hiện tại, việc cấp đổi đất sản xuất lúa nước cho người dân tại khu tái định cư thủy điện A Lưới mới thực hiện được 9/24 ha, còn 15 ha phải bỏ hoang.

“Đến nay, đời sống của người dân tái định cư thuỷ điện dần đi vào ổn định; tuy nhiên, nhiều hộ dân vẫn còn gặp khó khăn do đất cấp đổi không sản xuất được hoặc thiếu đất sản xuất sau khi tách hộ. Tổng số hộ nghèo hiện nay của hai thôn tái định cư thuỷ điện A Đên và A Sáp là 36 hộ, chiếm tỷ lệ 37,5% tổng số hộ nghèo của toàn xã (tổng số hộ nghèo của toàn xã là 96 hộ). Thu nhập bình quân đầu người ở khu tái định cư thuỷ điện là 15,7 triệu đồng/người/năm, so với thu nhập bình quân đầu người của toàn xã thấp hơn 6,45 triệu đồng”- Chủ tịch UBND xã Hồng Thượng cho biết thêm.

Không chỉ những hộ dân tái định cư thủy điện A Lưới “khát” đất sản xuất, mà tình trạng thiếu đất sản xuất cũng đang diễn ra với rất nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện. Trong đó, điển hình tại thôn La Tưng (xã Lâm Đớt, huyện A Lưới); đây là một trong những xã có tỷ lệ nghèo cao nhất của huyện A Lưới, còn thôn La Tưng có thể xem là thôn đặc biệt khó khăn vùng dân tộc thiểu số. 

Vấn đề lớn nhất đối với người dân La Tưng hiện nay là thiếu đất sản xuất. Một khảo sát mới đây cho thấy, huyện A Lưới có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số thiếu đất sản xuất nếu chiếu theo quy định: Một hộ dân được cấp 0,75ha đất nông nghiệp và 2ha đất rừng. Thực tế này đã gây khó khăn trong làm ruộng, làm vườn và tổ chức chăn nuôi của người dân. Đây chính là rào cản lớn nhất khiến người dân mãi chưa thể thoát nghèo dù được hỗ trợ từ khá nhiều chương trình, dự án.

Tìm quỹ đất để cấp đổi cho người dân

Để tạo điều kiện cho người dân tái định cư thủy điện A Lưới có đất sản xuất, canh tác, mới đây, UBND xã Hồng Thượng, huyện A Lưới đã kiến nghị, đề xuất với các cấp, các ngành theo 3 phương án. 

Theo đó, đề nghị các cấp, các ngành chức năng quan tâm khảo sát, bố trí khu đất sản xuất mới có diện tích tương ứng 15 ha ruộng nước; hoặc nghiên cứu, hướng dẫn bà con chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với diện tích có nhiều đá sỏi hiện nay để phát triển kinh tế có hiệu quả.

Nếu không thực hiện được cả hai phương án trên thì đề nghị nhà nước đền bù bằng tiền mặt cho người dân để tự chuyển đổi ngành nghề và ban đầu có một ít vốn để phát triển kinh tế gia đình tùy theo điều kiện của mỗi hộ.

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch UBND huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, trước tình hình khó khăn của cư dân khu tái định cư thủy điện, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh phối hợp với UBND huyện tiến hành khảo sát thực tế tại khu tái định cư và thống nhất đề xuất UBND tỉnh phương án hỗ trợ sản xuất đối với các hộ dân ở đây. 

Theo đó, các phương án đưa ra là tìm quỹ đất có thể sản xuất lúa nước khác để cấp đổi cho người dân, đồng thời phải đảm bảo nước tưới đầy đủ và đất đai phải phù hợp với diện tích trồng cây lúa nước.

Dự trù kinh phí khoảng 17 tỷ đồng, bao gồm kinh phí giải phóng mặt bằng, khai hoang, xây dựng hệ thống thủy lợi; hoặc địa phương sẽ thu hồi và bồi thường toàn bộ 15 ha không sản xuất được lúa nước với kinh phí dự kiến khoảng 15 tỷ đồng, địa phương sẽ hướng dẫn người dân chuyển đổi ngành nghề phù hợp và sử dụng nguồn vốn được bồi thương hiệu quả. Hiện, UBND tỉnh giao Sở TN&MT tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan nghiên cứu, tham mưu UBND tỉnh chọn phương án phù hợp.

Ngoài ra, theo thống kê của UBND xã Hồng Thượng, hiện nay số hộ thiếu đất sản xuất là 59 hộ, các hộ này mới lập gia đình, chưa có nghề nghiệp ổn định nên cần có đất để sản xuất. Việc các hộ mới lập gia đình không có đất để sản xuất và các hộ gia đình thuộc diện được cấp đổi đất nhưng chưa có đất để sản xuất hiện nay đang gặp nhiều khó khăn, các giải pháp đang được địa phương tính đến. 

Theo baophapluat.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày