HÀ NỘI - HUẾ - SÀI GÒN: Dòng sinh mệnh dân tộc, nhìn từ các đô thị văn hiến
Cập nhật 08/10/2020

Kỷ niệm 60 năm kết nghĩa của ba thành phố Hà Nội - Huế - Sài Gòn, được sự đồng ý của lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế, Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật cùng Hội Khoa học Lịch sử tỉnh tổ chức hội thảo khoa học “Hà Nội - Huế - Sài Gòn: Dòng sinh mệnh dân tộc - nhìn từ các đô thị văn hiến”.

Sứ mệnh dân tộc

Không có Phú Xuân - Huế sẽ không có Đồng Nai - Gia Định - Sài Gòn thế kỷ XVII - XVIII, nhưng nếu không có trục kết nối và ly tâm của Thăng Long từ thế kỷ XIV đến thế kỷ XVII sẽ không có Phú Xuân - Huế thế kỷ XVII - XVIII. Như vậy, mối quan hệ giữa ba trung tâm Hà Nội - Huế - Sài Gòn hình thành từ thời Trần đầu thế kỷ XIV, xác lập vào thời chúa Nguyễn thế kỷ XVII - XVIII, phát triển từ thế kỷ XIX, khi Huế là Kinh đô của cả nước và tiếp nối trong quá trình đấu tranh bảo vệ độc lập dân tộc, xây dựng quê hương, đất nước trong hơn thế kỷ qua.

Nghiên cứu về sứ mệnh của Hà Nội trong lịch sử, GS.TS. Nguyễn Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Hà Nội học và phát triển Thủ đô, nhận xét: “Trong tiến trình lịch sử Việt Nam tính từ Vương triều Lý cho đến Vương triều Nguyễn, bên cạnh Thăng Long - Hà Nội, Huế và Sài Gòn đều là những trụ cột quyết định thành công trong mỗi chặng đường, mỗi giai đoạn mở cõi, định cõi, thống nhất đất nước, thống nhất quốc gia dân tộc”.

Nghiên cứu về sứ mệnh Phú Xuân - Huế trong lịch sử, trong bài "Vai trò Phú Xuân- Huế trong sứ mệnh xác lập, thực thi và bảo vệ chủ quyền tại Hoàng Sa và Trường Sa", tôi (PGS.TS. Đỗ Bang) đã nhận định: “Dưới triều Gia Long, nhà vua đã xác lập chủ quyền ở quần đảo Hoàng Sa như là một thực tế hiển nhiên được quốc tế thừa nhận qua sự kiện nhà vua cho thủy quân ra tuyên bố chủ quyền tại Hoàng Sa vào năm 1816. Chủ quyền tại Hoàng Sa – Trường Sa được vua Minh Mạng đưa lên hàng quốc sách và được các vua Thiệu Trị, Tự Đức tiếp tục thực hiện trở thành giá trị truyền thống, một vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, một minh chứng lịch sử và cơ sở pháp lý mang tính quốc tế trong công cuộc đấu tranh chủ quyền biển đảo”.

Quá trình lịch sử 

Mối quan hệ Hà Nội - Huế - Sài Gòn trong lịch sử vừa là mối quan hệ sinh thành, hỗ trợ, tương tác mang tính đạo lý và lợi ích sống còn; vừa là quan hệ đẳng cấp quyền lực. Mối quan hệ đẳng cấp quyền lực tuy có xung đột, mâu thuẫn trong một số thuộc cấp lãnh đạo, chỉ huy, nhưng chỉ nhất thời khi đất nước chia cắt thế kỷ XVII-XVIII giữa Thăng Long - Phú Xuân và 1954-1975 giữa Sài Gòn - Hà Nội. Bản chất vấn đề là Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một, vì do cùng một cội nguồn lịch sử và cùng một sứ mệnh của dân tộc, trong đó có sứ mệnh đấu tranh thống nhất đất nước.

TS. Phan Thanh Hải trong bài “Huế trong dòng chảy lịch sử dân tộc và mối tương quan: Huế - Hà Nội - Sài Gòn” cho rằng: “Từ cái nôi đồng bằng Bắc bộ và Thanh Nghệ, trong suốt 1.000 năm qua, văn minh Việt đã không ngừng được chuyển tải mạnh mẽ về phương Nam thông qua trung tâm Phú Xuân-Huế để rồi sau đó hình thành một trung tâm khác ở Nam bộ, đó là Sài Gòn-Gia Định. Bởi vậy, trong nghìn năm phát triển của Thăng Long-Hà Nội và của đất nước, Huế đã đóng góp một phần rất quan trọng. Đánh giá đúng điều này sẽ giúp cho việc nhìn nhận lịch sử phát triển của dân tộc khách quan và công bằng hơn”.

Ngoài sứ mệnh sinh thành và thống nhất, còn có sứ mệnh mở nước của các triều đại Lý, Trần, Hồ, Lê khi đóng đô ở Thăng Long và chúa Nguyễn tại Phú Xuân đã thể hiện trong bài "Vai trò Phú Xuân trong sứ mệnh mở đất Đàng Trong" của TS. Đỗ Quỳnh Nga.

PGS.TS. Lê Bá Trình, qua bài "Giao thoa", tiếp biến văn hóa giữa ba đô thị văn hiến: Hà Nội - Huế - Sài Gòn, lịch sử và hiện tại”, nhận xét: “Có thể khẳng định rằng, sự giao thoa, tiếp biến văn hóa giữa ba đô thị văn hiến: Hà Nội, Huế, Sài Gòn trong lịch sử và hiện tại luôn đóng vai trò trụ cột trong mạch nguồn văn hiến của dân tộc Việt Nam”.


Các đại biểu dự tọa đàm, gặp mặt kỷ niệm 60 năm kết nghĩa ba thành phố: Hà Nội - Huế - Sài Gòn
được Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MMTTQ Việt Nam TP. Hà Nội tổ chức ngày 3/10/2020.

Những giá trị đặc trưng

Một trong những giá trị đặc trưng của ba đô thị Hà Nội, Huế, Sài Gòn đó là giá trị văn hiến. Chính giá trị văn hiến đã kết nối bền chặt tình cảm và sứ mệnh  nhân dân của ba địa phương.

Nhà báo Dương Phước Thu trong bài “60 năm trước, Hà Nội chính thức kết nghĩa với Huế và Sài Gòn” có bình luận: “Mỗi lần kỷ niệm là dịp chúng ta dành nhiều thời gian hơn để trân trọng nhìn lại quá khứ một cách nghiêm túc, để hiểu kỹ hơn về một quá khứ oai hùng, nhân văn và đầy tự hào dân tộc, để được chuyển tải thông điệp mới, truyền cảm hứng mới, để được tiếp thêm năng lượng mới trong một hoàn cảnh mới thúc đẩy công cuộc xây dựng quê hương, bảo vệ Tổ quốc, phát triển đất nước nhìn từ bài học lịch sử vô giá của sự đoàn kết anh em - đoàn kết Bắc Nam; Hà Nội, Huế, Sài Gòn - thành phố Hồ Chí Minh mãi mãi là con một nhà”.

Đề nghị lãnh đạo ba địa phương dành quỹ đất tương xứng để xây dựng "Không gian Lịch sử - Văn hóa Hà Nội - Huế - Sài Gòn", như là sự ghi nhận quá khứ kết nối bền chặt ba thành phố và tiếp tục bồi đắp cho tương lai.

PGS.TS. ĐỖ BANG

(Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thừa Thiên Huế)

Theo baothuathienhue.vn
Tin liên quan
Xem tin theo ngày