Thăm Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng
Đến Nhà văn hóa, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh ở xã Lộc An, chúng tôi bắt gặp các em học sinh say sưa đọc sách, tìm hiểu về cuộc đời và cống hiến cho quê hương, đất nước của Đại tướng.
Chị Trần Thị Xuân, nhân viên thư viện Nhà văn hóa, thư viện Ðại tướng Lê Ðức Anh cho biết: "Những ngày này, rất đông người dân và học sinh, sinh viên đến tham quan, tìm hiểu về những kỷ vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Ðại tướng".
Công trình Nhà văn hoá, thư viện Đại tướng Lê Đức Anh khánh thành năm 2012 ngay tại nơi ông sinh ra, với diện tích khoảng 4.000m2, bao gồm nhiều hạng mục như: hệ thống nhà lưu niệm, thư viện, sân vườn... Đây là nơi lưu giữ nhiều tư liệu, hiện vật, hình ảnh, đầu sách về cuộc đời, thân thế và sự nghiệp của Đại tướng Lê Đức Anh, trở thành một địa chỉ văn hóa đón học sinh, người dân và du khách tham quan, tìm hiểu.
Ông Lê Văn Lân, cháu gọi cố Chủ tịch nước, Đại tướng Lê Đức Anh là chú họ, kể: "Khi có kế hoạch xây dựng Nhà văn hóa, thư viện mang tên Đại tướng, ban đầu Đại tướng không đồng ý vì sợ làm phiền đến cuộc sống của người dân. Sau nhiều lần thuyết phục, Đại tướng mới đồng ý. Đại tướng nhắc nhở không nên xây lớn, ảnh hưởng đến ruộng đất, nhà cửa và cuộc sống của bà con trong làng".
Khắc ghi lời dặn
Ông Trần Văn Luật, 72 tuổi, Trưởng thôn Nam (làng Bàn Môn, xã Lộc An) nhớ lại: "Nhiều lần về quê, Đại tướng thường dặn bà con phải coi trọng sự học, chăm lo cho con cháu học hành đến nơi đến chốn để sau này xây dựng quê hương. Bà con xóm làng sống chan hòa, gắn bó với nhau, giúp đỡ những người gặp khó khăn để cùng nhau vươn lên trong cuộc sống. Đại tướng là người sống rất giản dị, luôn gần gũi, quan tâm đến cuộc sống của người dân, chân tình nhưng rất sâu sắc và luôn nặng tình với quê hương. Trong một lần về thăm quê, nhìn thấy con đường xuống bến sông Truồi bị xuống cấp, Đại tướng đã bỏ kinh phí để bê tông hóa con đường giúp bà con đi lại được thuận tiện hơn".
Cùng chung tâm sự, ông Lê Đức Đáng, 85 tuổi, ở thôn Nam cho hay: "Với người dân chúng tôi, Đại tướng không chỉ là người con kiệt xuất của quê hương, mà còn là một người giản dị, gần gũi. Ông thích ăn những món ăn dân dã, đậm chất quê hương, đặc biệt một thứ không thể thiếu được là nước chè xanh xứ Truồi. Bà con chúng tôi rất kính trọng Đại tướng và xem ông là tấm gương sáng để noi theo, cùng nhau đùm bọc sẻ chia khó khăn để xây dựng thôn xóm ngày càng phát triển".
Theo lời kể của người dân xã Lộc An, khi còn khỏe mạnh, Đại tướng nhiều lần về thăm quê. Mỗi lần về quê, ông thường đi thăm bà con trong thôn xóm, ân cần hỏi thăm tình hình cuộc sống, lao động sản xuất của bà con. Ông luôn nhắc nhở bà con họ hàng, con cháu ở làng Bàn Môn phải chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước; phát huy tinh thần thi đua yêu nước, tích cực lao động sản xuất để xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp.
Mỗi người dân Lộc An luôn tự hào và khắc ghi công lao to lớn của Đại tướng Lê Đức Anh cho sự nghiệp vẻ vang của Đảng, của dân tộc. Tấm gương sáng về tinh thần và nghị lực cách mạng, phẩm chất cao đẹp, cũng như tình cảm thiêng liêng mà Đại tướng dành cho quê hương là động lực để mỗi người dân Lộc An, Phú Lộc nói riêng và của toàn tỉnh nói chung vượt qua khó khăn, cùng nhau giữ gìn truyền thống, xây dựng quê hương trong giai đoạn mới.
Chủ tịch UBND xã Lộc An Trương Thanh Tín bày tỏ tự hào khi lớp cán bộ trẻ ở địa phương luôn khắc ghi lời căn dặn của Đại tướng, đó là quan tâm đến công tác dân vận và thực hiện tốt việc phát huy sức dân.