Đảm bảo môi trường trong phát triển
Thực tế phát triển tại các KKT trong cả nước, có thể thấy tương đối rõ nét 2 mô hình phát triển. Thứ nhất là mô hình KKT dựa vào phát triển công nghiệp, dịch vụ, có cảng biển nước sâu, gắn với hệ thống giao thông đường bộ liên kết vùng kinh tế trọng điểm; thứ hai là mô hình KKT dựa vào phát triển du lịch biển đảo và dịch vụ. Riêng với Chân Mây - Lăng Cô là KKT mà có sự kết hợp cả hai mô hình trên, nên những trở lực nhiều hơn là điều được thể hiện khá rõ.
TS. Trần Du Lịch, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ phân tích, việc chỉ chọn một lĩnh vực ưu tiên sẽ giúp KKT thuận lợi hơn khi đưa ra các chính sách phát triển, thu hút nhà đầu tư. Việc cùng tồn tại hai lĩnh vực bắt buộc phải có sự lựa chọn 1 trong 2, hoặc nếu kết hợp thì phải gấp bội những giải pháp so với các nơi khác. Theo tôi, ở Chân Mây - Lăng Cô, để phát triển bền vững, phù hợp với xu hướng thì nên ưu tiên chọn du lịch.
Theo TS. Trần Du Lịch, năm 2018, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch Quốc gia Lăng Cô - Cảnh Dương. Ngoài “trung tâm” du lịch ở TP. Huế, Lăng Cô - Cảnh Dương là khu vực có tiềm năng phát triển du lịch lớn nhất của cả khu vực miền Trung, với những sản phẩm du lịch nổi bật về nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, các sự kiện văn hóa - thể thao, cảng quốc tế... Đây là cơ hội lớn mà Thừa Thiên Huế nói chung và KKT Chân Mây - Lăng Cô cần nắm bắt vì trong cả nước, việc được quy hoạch thành khu du lịch quốc gia không nhiều nơi có.
Nhiều ý kiến cho rằng, du lịch là ngành có tính phát triển bền vững, thu trong dân nhiều hơn so với thu ngân sách Nhà nước; trong khi đó, công nghiệp lại ngược lại. Với một địa phương công nghiệp chưa phát triển mạnh và nguồn thu ngân sách hàng năm còn ít như Thừa Thiên Huế thì công nghiệp là lĩnh vực nên được ưu tiên hơn. Khi công nghiệp phát triển, sẽ tạo động lực cho cả ngành kinh tế khác phát triển theo.
Ông Lê Văn Tuệ, Trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh cho biết, vấn đề này không ít lần được phân tích, đánh giá. Quá trình phát triển tại KKT dù còn những xung đột, song giải pháp để khắc phục là có. Hơn thế, khi công nghiệp phát triển mà vẫn đảm bảo yếu tố môi trường, công nghiệp sạch lại còn là động lực để du lịch phát triển. Trái lại, du lịch phát triển càng tạo ra sự năng động cho KKT, giúp thu hút thêm nhiều đầu tư mới. Tạo sự hài hòa, tương hỗ lẫn nhau là điều phải làm trong tương lai.
Ông Trần Quang Hào, Giám đốc Huetourist cho rằng, đối với Chân Mây – Lăng Cô có trường học, có chợ, có cộng đồng dân cư nên cơ bản sẽ có những sự lựa chọn, phân luồng khác nhau giữa nhu cầu du lịch và công nghiệp. Trong một đô thị, du lịch và công nghiệp hoàn toàn có thể kết hợp. Tại một số quốc gia mà tôi có dịp đến như Pháp, Malaysia, Singapore…, việc khai thác song song giữa du lịch và công nghiệp ở trong một khu vực vẫn diễn ra bình thường.
“Tại KKT Chân Mây - Lăng Cô bắt buộc phải có nhiều thay đổi, trước hết là quy hoạch, đầu tư hạ tầng đồng bộ từ vĩ mô đến chi tiết dựa trên đánh giá tác động môi trường. Ở những cảng biển mà tôi đã từng đến, công nghiệp di chuyển bằng đường hầm, phía trên là du lịch. Cơ sở vật chất hậu cần tại cảng rất quy mô, tất cả đều thông qua dây chuyền để đảm bảo môi trường, chứ không có tình trạng nhếch nhác, dăm gỗ, bụi bặm. Về giao thông, có phân luồng những tuyến đường riêng dành cho công nghiệp và du lịch”, ông Trần Quang Hào góp ý.
Phát triển công nghiệp sạch, hài hòa với du lịch
Theo lãnh đạo Ban quản lý các Khu kinh tế, công nghiệp tỉnh, để phát triển công nghiệp không nhất thiết phải thu hút tất cả các dự án sản xuất công nghiệp mà phải có chọn lọc, phù hợp với định hướng phát triển của KKT là du lịch nghỉ dưỡng và công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường, tiến đến sẽ hình thành các khu công nghiệp sinh thái theo hướng toàn cầu.
Cảng Chân Mây được đầu tư và phân luồng khai thác du lịch, công nghiệp
Thời gian qua có một số doanh nghiệp đề xuất xây dựng kho chứa, bãi chứa than tại khu cảng Chân Mây để nhập khẩu than từ nước ngoài cung cấp cho các nhà máy trên địa bàn tỉnh và khu vực miền Trung. Nếu được cấp phép đầu tư, việc nhập khẩu than tại cảng Chân Mây có thể mang lại nguồn thu ngân sách khá lớn cho tỉnh. Tuy nhiên, do nhà đầu tư chưa đề xuất được các giải pháp bảo vệ môi trường của dự án nên UBND tỉnh đã chỉ đạo chưa xem xét cấp phép đầu tư dự án. Trên địa bàn KKT Chân Mây - Lăng Cô không có dự án sử dụng nhiên liệu đốt là than đá, thay vào đó sử dụng điện, gas và viên nén năng lượng làm nhiên liệu đốt. Sẽ không có chuyện những nhà máy với ống khói hướng lên bầu trời và nhả khói trong quá trình sản xuất.
“Điều này chúng tôi nghĩ thời gian đầu sẽ hạn chế sự phát triển công nghiệp. Tuy nhiên, trong xu thế hiện nay và tương lai, công nghiệp sạch, thân thiện với môi trường là định hướng mà các tỉnh, các quốc gia đang hướng đến và với định hướng đó sẽ hạn chế tối đa xung đột giữa phát triển du lịch và phát triển công nghiệp đối với địa bàn KKT Chân Mây - Lăng Cô”, ông Lê Văn Tuệ khẳng định.
Một nghiên cứu mới đây, thế giới nói chung và trong nước nói riêng đang dần chuyển sang xu hướng phát triển công nghiệp công nghệ cao, đảm bảo môi trường. Tín hiệu khả quan tại Chân Mây - Lăng Cô, khoảng 2 năm trở lại, nhiều dự án sản xuất công nghiệp quy mô lớn, sử dụng công nghệ tiên tiến, ít ảnh hưởng đến môi trường đã đầu tư. Cụ thể đến nay đã thu hút được 6 dự án sản xuất công nghiệp với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 6.700 tỷ đồng, trong đó có một số dự án lớn, dự kiến đóng góp nhiều cho ngân sách như 2 dự án sản xuất lắp ráp ô tô, dự án sản xuất đồ chơi Billion Max, dự án sản xuất phụ kiện ô tô Nakamoto, dự án dệt tất Sunjin, dự án gia công thạch anh cung cấp cho ngành điện tử. Hiện nay, có rất nhiều nhà đầu tư đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc,… cũng đang tìm hiểu, nghiên cứu đầu tư các dự án sản xuất công nghiệp tại KKT.
Người đứng đầu Ban Quản lý Khu kinh tế - Công nghiệp tỉnh thông tin, thời gian qua, để bắt kịp xu hướng, ban quản lý đã tiến hành rà soát quy hoạch chung xây dựng KKT và đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh cục bộ quy hoạch chung cho phù hợp với tình hình thực tế. Tỉnh ủy cũng đã ban hành Nghị quyết 02-NQ/TU ngày 23/6/2006 của Tỉnh ủy về phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô và định kỳ 5 năm tiến hành đánh giá, tổng kết quá trình thực hiện Nghị quyết để có hướng điều chỉnh định hướng phát triển phù hợp. Hiện đang phối hợp với các đơn vị tư vấn, tham vấn ý kiến của các chuyên gia để tiếp tục rà soát các quy hoạch phân khu, định hướng phát triển KKT Chân Mây - Lăng Cô; trong đó, những nút thắt về phát triển đô thị, nông thôn mới cũng được đề xuất điều chỉnh phù hợp.
Theo các chuyên gia kinh tế, để phát triển kinh tế - xã hội tại KKT Chân Mây - Lăng Cô phải có các điều kiện cần là vốn, lao động, nguồn nguyên liệu, thị trường, công nghệ và cơ chế, chính sách quản lý sản xuất, kinh doanh phù hợp, giúp các doanh nghiệp phát huy hết năng lực của họ, tạo ra được những sản phẩm có sức cạnh tranh với thị trường. Trong đó, yếu tố cơ chế, chính sách quản lý sản xuất, kinh doanh được xác định là quan trọng. Đại bộ phận các nước phát triển nhanh trên thế giới đều lấy sự đột phá trong cơ chế, chính sách làm động lực đột phá. Nhưng tuyệt đối không đánh đổi lấy phát triển trước mắt mà làm mất đi tính bền vững, lâu dài.
Tại buổi tiếp, làm việc với đại diện dự án Nhà máy điện khí LNG Chân Mây cùng các đối tác nhằm thống nhất một số nội dung xúc tiến dự án tại KKT Chân Mây - Lăng Cô mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ nhấn mạnh, tỉnh đặc biệt quan tâm đến lĩnh vực môi trường nên các dự án thân thiện với môi trường luôn được ưu tiên. Đây cũng là định hướng xuyên suốt của tỉnh đối với phát triển công nghiệp ở KKT Chân Mây - Lăng Cô.
Bài, ảnh: Quang Sang
Theo baothuathienhue.vn
https://baothuathienhue.vn/dulich/huong-den-phat-trien-ben-vung-khu-kinh-te-chan-may-lang-co-bai-2-lua-chon-nha-dau-tu-phu-hop-hai-hoa-trong-phat-trien-a94585.html