Nắm tay nhau vượt qua gian khó
Nằm ở khúc ruột miền Trung, năm 2020, Thừa Thiên Huế oằn mình chống chọi nhiều cơn bão, lũ chồng lũ.
Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020-2025 dự kiến tổ chức từ ngày 15 đến 17/10 đã tạm hoãn. Ban Thường vụ Tỉnh ủy quyết định tập trung cao độ cho công tác khắc phục hậu quả thiên tai. Các đồng chí lãnh đạo tỉnh luôn có mặt kịp thời trước và sau các đợt bão lũ để kiểm tra công tác ứng phó, khắc phục hậu quả và nhất là trong cuộc tìm kiếm 13 liệt sĩ hy sinh và 17 công nhân bị mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3 (Phong Xuân, Phong Điền).
Khó khăn, thiệt hại nhưng trong gian khó, người dân lại thấy ấm lòng khi cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc sẻ chia. Hàng triệu suất quà đong đầy yêu thương đã đến với người dân vùng lũ. Biết bao tấm lòng từ phương xa cùng hướng về Thừa Thiên Huế, chia sẻ khó khăn với người dân.
Trước đó, Thừa Thiên Huế chịu ảnh hưởng lớn dịch COVID-19 trên nhiều mặt. Ảnh hưởng của nó chắc chắn sẽ còn nghiêm trọng hơn nếu như tỉnh không triển khai quyết liệt các biện pháp phòng chống. Khó có thể tin khi nằm giữa 2 vùng dịch mà Thừa Thiên Huế vẫn an toàn. Người dân Huế tự hào về điều đó và càng tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc mạnh mẽ, đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị.
Dịch bệnh và thiên tai bão lũ ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế - xã hội năm 2020 ở tỉnh nhà không hề nhỏ, ước thiệt hại khoảng 13.000 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) cả năm ước đạt 2,06%, mức thấp nhất từ trước đến nay. Song như khẳng định của UVTW Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Lê Trường Lưu trong kỳ họp HĐND tỉnh cuối năm 2020 vừa qua: “Với những kết quả đã đạt được, có thể khẳng định chúng ta đã bước đầu thành công trong thực hiện “nhiệm vụ kép”: vừa thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh, vừa triển khai thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội”. Một năm rất khó khăn nhưng một con số ấn tượng là thu ngân sách nhà nước ước đạt 8.455 tỷ đồng, vượt 11,2% so với dự toán, tăng 0,7% so với cùng kỳ.
Niềm tin trong năm khởi đầu mới
Mục tiêu của Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI là đến năm 2025 trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hoá Huế, với đặc trưng văn hóa, di sản, sinh thái, cảnh quan, thân thiện môi trường và thông minh; đến năm 2030 là một trong những trung tâm lớn, đặc sắc của khu vực Đông Nam Á về văn hoá, du lịch và y tế chuyên sâu; một trong những trung tâm lớn của cả nước về khoa học và công nghệ, giáo dục và đào tạo đa ngành, đa lĩnh vực, chất lượng cao... Xa hơn, tầm nhìn đến năm 2045, Thừa Thiên Huế là thành phố Festival, trung tâm văn hóa, du lịch và y tế chuyên sâu đặc sắc của châu Á. Phấn đấu trong nhiệm kỳ mới, tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân/năm của tỉnh từ 7,5 - 8,5%; GRDP bình quân đầu người đến năm 2025: 3.500 - 4.000 USD; cân bằng ngân sách vào năm 2025...
Nhìn lại năm 2020, Thừa Thiên Huế bước đầu thành công trong thực hiện “nhiệm vụ kép”, nhưng sự khởi đầu nhiệm kỳ mới 2020-2025 của Đảng bộ tỉnh vẫn chồng chất bao khó khăn, thách thức.
Thừa Thiên Huế xác định năm 2021- năm đầu tiên của nhiệm kỳ mới hết sức quan trọng và có ý nghĩa, phải tạo sức bật mới để phục hồi, tăng tốc phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu tốc độ tăng trưởng GRDP trong năm 2021 là 7,4 - 8,4%; GRDP bình quân đầu người 2.300 USD/người; vốn đầu tư toàn xã hội tăng 8-10% so với thực hiện năm 2020… Nhiều giải pháp đã được tỉnh đề ra, như tạo mọi điều kiện thuận lợi để phục hồi kinh tế; huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng đồng bộ hạ tầng kinh tế - xã hội; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh... Lãnh đạo tỉnh đã lưu ý các cấp ủy, chính quyền phải nghiêm túc trong công tác phòng chống dịch bệnh; quan tâm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; khắc phục hậu quả bão lụt và ổn định đời sống Nhân dân…
Thiên tai ngày càng diễn biến phức tạp, khó lường nên cần nghiên cứu thêm các giải pháp ứng phó lũ lụt. Người dân Thừa Thiên Huế đã có nhiều kinh nghiệm để “sống chung với lũ”, nhưng phải có thêm nhiều giải pháp để tránh thiệt hại trong sản xuất, nuôi trồng thủy sản và cả hạ tầng…Năm 2021, rất nhiều dự án trên địa bàn tỉnh được triển khai. Một vấn đề cũ thường được nói đến là một số dự án triển khai chậm do vướng công tác giải phóng mặt bằng, ảnh hưởng đến công tác giải ngân vốn đầu tư công. Đó cũng là một thực tế mà tỉnh phải tập trung khắc phục…
Những chỉ tiêu, nhiệm vụ đề ra trong năm 2021 và 5 năm 2020-2025 sẽ không dễ dàng đạt được nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt và đầy trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân. “Các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương, các cơ quan, đơn vị khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình hành động và xác định các nhiệm vụ trọng tâm, đột phá gắn với phân công trách nhiệm cụ thể, thời gian hoàn thành để thực hiện có hiệu quả nhất về các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2021”, đó là chỉ đạo của Bí thư Tỉnh ủy Lê Trường Lưu tại Hội nghị Tỉnh ủy lần thứ 2 (khóa XVI).
Bài: Thùy Hương
Ảnh: Hoàng Phước
https://baothuathienhue.vn/tang-toc-tren-chang-duong-moi-a94887.html