Ông Nguyễn Viết Dũng - Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế. Ảnh: Hữu Phúc
Chia sẻ khó khăn
Sản xuất kinh doanh đình trệ, người lao động bị mất việc làm và các hoạt động mưu sinh cũng đầy trắc trở khiến cho việc tham gia và đóng các loại bảo hiểm gặp ách tắc. Chỉ riêng số tiền nợ của các đơn vị tham gia BHXH, bảo hiểm y tế (BHYT) và bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) tính đến tháng 10/2020 lên tới 227.711 triệu đồng, tăng 28.940 triệu đồng so với tháng trước. Hơn lúc nào hết, ở đây cần đến tấm lòng và sự sẻ chia.
Đồng hành vượt khó cùng doanh nghiệp và người lao động, BHXH Thừa Thiên Huế phối hợp với cơ quan Bưu điện chủ động hỗ trợ người dân vùng bão lũ, đảm bảo giúp họ không gián đoạn quyền lợi chế độ và chính sách về BHXH. Để các hoạt động vận hành tốt, BHXH cấp huyện xây dựng phương án ứng phó bão lũ, bảo đảm tiếp nhận hồ sơ và giải quyết kip thời chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN cho đơn vị, doanh nghiệp và người dân. Mặt khác, tạm ứng đủ kinh phí cho các cơ sở y tế để phục vụ hoạt động khám, chữa bệnh BHYT; phối hợp chặt chẽ với ngành y tế và các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT đảm bảo điều kiên thuận lợi nhất cho người dân.
Đầu tháng 11, ngay trong thời điểm bão lũ dữ dội, BHXH Thừa Thiên Huế trực tiếp trao tặng 250 thẻ BHYT cho người dân các xã thuộc huyện Phong Điền, Quảng Điền và thị xã Hương Trà bị thiệt hại nặng. Đây là món quà ý nghĩa, thiết thực của toàn thể cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành BHXH để chung tay, đóng góp ủng hộ đồng bào nơi lũ bão đi qua. Với tấm lòng thành và sự sẻ chia sâu sắc, BHXH tỉnh cũng kêu gọi sự ủng hộ của các tổ chức, cá nhân quyên góp tiền để mua thẻ BHYT tặng, kịp thời động viên tinh thần, chia sẻ những rủi ro và luôn đồng hàng với người dân bị thiệt hại do bão lũ.
Nhiều thủ tục hành chính được cải cách
Ước tính đến 31/12/2020, tổng số người tham gia BHXH bắt buộc ở Thừa Thiên Huế là 119.026 người, đạt 95,7%; số người tham gia BHXH tự nguyện là 14.000 người, đạt 2,62% và số người tham gia BHTN là 109.456 người, đạt 91,6%. Tỷ lệ người lao động tham gia BHXH so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 21,2%. Tỷ lệ nông dân và lao động khu vực phi chính thức tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi đạt 2.8%. Tỷ lệ người tham gia BHTN so với lực lượng lao động trong độ tuổi là 19,5%. Có thể nói, đó là dấu hiệu vui trong điều kiện lụt bão và dịch bệnh kéo dài gần trọn cả năm 2020.
Thực hiện Nghị quyết số 28 - NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội, đến nay ngành BHXH đã cắt giảm, đơn giản hóa khoảng 90% số lượng thủ tục hành chính (từ 263 còn 27 thủ tục), giảm khoảng 60% thời gian thực hiện thủ tục theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (từ 335 giờ xuống còn 147 giờ); tỷ lệ hồ sơ giao dịch điện tử trong thực hiện các chính sách BHXH, BHYT, BHTN của các đơn vị tham gia BHXH đạt gần 80%; thực hiện kết nối 100% cơ sở khám chữa bệnh trên toàn tỉnh; tin học hóa hầu hết các lĩnh vực, nghiệp vụ chính. Ngành cũng đã triển khai thực hiện 18 dịch vụ công trực tuyến cấp độ 3,4 trên cổng dịch vụ công ngành BHXH.
Thông qua việc nghiên cứu rà soát, đơn giản hóa các hồ sơ, quy trình, thủ tục hành chính gắn liền với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu của các bộ, ngành kịp thời, BHXH Thừa Thiên Huế đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện công khai, minh bạch kịp thời, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận, tìm hiểu các thu tục hành chính theo quy định. Hiện nay, 27/27 TTHC được công khai trên Trang thông tin điện tử của ngành và tổ chức niêm yết tại bộ phận “Tiếp nhận và trả kết quả TTHC” ở trụ sở cơ quan BHXH tỉnh và BHXH các huyện, thị xã.
Giao dịch tại phòng một cửa BHXH tỉnh. Ảnh: Hữu Phúc
Đưa chỉ tiêu BHXH, BHYT vào Nghị quyết
Cùng với sự vào cuộc của cấp ủy, chính quyền cơ sở trong tuyên truyền chủ trương, chính sách, sự quan tâm của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh và UBND tỉnh trong lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện và nhận thức về trách nhiệm của người sử dụng lao động, người lao động về chính sách BHXH, BHTN được nâng lên là thuận lợi cơ bản.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều khó khăn cần được nhận thức sâu sắc khi nhận thức về vai trò, tầm quan trọng của chính sách BHXH, BHTN đối với an sinh xã hội của một số cấp ủy, chính quyền chưa đầy đủ. Tính tuân thủ pháp luật về BHXH, BHTN của nhiều đơn vị sử dụng lao động trong nhiều doanh nghiệp và của người dân còn hạn chế. Chính sách BHXH tự nguyện chưa thật sự thu hút được người dân. Đặc biệt, tình hình dịch bệnh COVID - 19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng lớn đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; số lao động thất nghiệp lớn dẫn đến việc tham gia BHXH, BHTN.
Phát huy những kết quả đạt được đáng phấn khởi trong thực hiện Nghị quyết số 28 - NQ/TW và Nghị quyết số 102/NQ - CP, BHXH Thừa Thiên Huế đặt ra chỉ tiêu phấn đấu trong năm 2021 có 135.844 người tham gia BHXH bắt buộc, đạt 95,7%; 16.508 người tham gia BHXH tự nguyện (số người tham gia so với số người thuộc diện tham gia), đạt 2,75%; 124.705 người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (số người tham gia so với số người thuộc diện tham gia), đạt 93,6%. Tốc độ phát triển số người tham gia BHXH bắt buộc (năm sau so với năm trước): 112,2%; tốc độ phát triển số người tham gia BHXH tự nguyện (năm sau so với năm trước): 144%; tốc độ phát triển số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp (năm sau so với năm trước): 112,1%.
BHXH tỉnh kiến nghị HĐND tỉnh đưa chỉ tiêu thực hiện BHXH, BHYT vào Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hàng năm với tính chất là chỉ tiêu bắt buộc để tổ chức thực hiện; đồng thời, các ban của HĐND tỉnh phối hợp với các cơ quan quản lý Nhà nước tăng cường giám sát việc thực hiện pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương về BHXH, BHYT, đánh giá kết quả, hiệu lực thi hành các quy định, chỉ tiêu về BHXH và BHYT.
Nguyễn Viết Dũng
Giám đốc BHXH Thừa Thiên Huế
https://baothuathienhue.vn/bao-hiem-xa-hoi-vuot-kho-cung-nguoi-dan-doanh-nghiep-a94883.html