Khoảng trống trên đồng
Cập nhật 05/01/2021

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp.

Sau những đợt quy hoạch đồng ruộng, dồn điền đổi thửa, kiên cố hóa kênh mương, bê tông hóa bờ vùng khiến cánh đồng làng tôi ngay ngắn, thẳng tắp. Cùng với đó, việc đưa máy móc vào đồng ruộng, từ làm đất đến gieo sạ rồi gặt hái, vận chuyển nông sản đã cho người nông dân khỏe nhẹ hơn xưa rất nhiều. Và nữa, việc tưới tiêu chủ động, lịch thời vụ hay các loại giống đều theo khuyến cáo thống nhất của chính quyền nên hạn chế được rủi ro, thất bát. Bởi vậy, đâu đâu cũng có thể thấy những đồng lúa với màu xanh mát mắt hay màu vàng no ấm.

Tuy nhiên, nếu nhìn kỹ vào đồng ruộng sẽ thấy khoảng trống không dễ bù đắp khiến nhiều người nuối tiếc, nhất là với những ai lớn lên nơi thôn dã. Khoảng trống ấy chính là sự mất dần những động vật thủy sinh gắn liền với ruộng đồng, chúng làm cho cánh đồng sống động hơn, đáng yêu hơn; ngược lại, chúng mất đi cũng đồng nghĩa báo hiệu môi trường ở đó đang tệ hại.

Dù đang mùa mưa nhưng lội trên đồng làng, tôi hầu như không còn thấy những loài cá quen thuộc nhưng dễ bị tổn thương như cá mương, cá mại hay cá thia, cá cấn. Cả những loài cá có sức đề kháng tốt như cá tràu hay cá rô, cá gáy giờ cũng rất ít trong tự nhiên. Với những ai sợ đỉa hay rắn nước thì nay có thể yên tâm lội ruộng, bởi những giống này giờ không dễ thấy; tôm tép hay cua ếch lại càng khó tìm; chỉ những loài gây hại thì lại khá nhiều, đó là ốc bươu vàng và sâu rầy. Dân gian đúc kết, ở đâu có nước ở đó có cá nhưng rất tiếc điều này không còn đúng với nhiều nơi nữa rồi. Nhìn cánh đồng trắng nước, lại trong veo nhưng vắng bóng cá tôm, tôi cảm thấy sự sống nơi đây đang mất đi một phần quý báu.

Nhớ mấy mươi năm trước, cứ thấy mưa là bọn trẻ chúng tôi lại xách lưới, xách lờ ra đồng rồi háo hức chờ tới lúc đổ cá vô giỏ; những khi người ta tát ao hồ, lại cầm nơm, rổ ngồi quanh trên bờ, chờ chủ ao bắt xong là nhào xuống hôi cá; rồi khi người và trâu đi bừa phía trước thì cả đám bám theo sau, thi nhau chộp những con cá phơi trắng trên mặt ruộng…

Tác nhân chủ yếu tiêu diệt động vật thủy sinh trên đồng ruộng chính là thuốc trừ sâu. Dù đã rất nhiều khuyến cáo, giải pháp nhưng dường như vẫn chưa hạn chế được tác hại trong sử dụng thuốc trừ sâu đối với môi trường. Cùng với đó, việc đánh bắt bằng châm điện càng đẩy nhanh quá trình tận diệt cá tôm.

Thiết nghĩ, bảo vệ sự đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường đồng ruộng là nỗi lo chung, đòi hỏi ý thức trách nhiệm của mỗi người.

Nguyễn Trọng Hoạt

https://baothuathienhue.vn/khoang-trong-tren-dong-a95318.html

Tin liên quan
Xem tin theo ngày