Tham dự Lễ ký kết có đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên - Bí thư Huyện ủy, đồng chí Lê Thị Mai Loan, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện, các đồng chí Trưởng các cơ quan, đơn vị ký kết Quy chế phối hợp; Lãnh đạo và Kiểm sát viên, cán bộ cơ quan Viện kiểm sát huyện A Lưới.
Tại buổi Lễ, các đại biểu đã được nghe đồng chí Đinh Văn Bảo, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân huyện A Lưới thay mặt các đơn vị tham mưu báo cáo kết quả chuẩn bị xây dựng dự thảo quy chế phối hợp. Quy chế nhằm tăng cường công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện tốt việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 và Thông tư liên tịch số 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC ngày 29/12/2017 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Viện KSND tối cao. Quy chế quy định một số nội dung quan trọng như: Nội dung phối hợp; hình thức phối hợp; hoạt động phối hợp trong việc tiếp nhận, phân loại, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; thời hạn giải quyết cũng như việc thông báo kết quả tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố; vấn đề giải quyết khiếu nại, tố cáo trong hoạt động này.
Phát biểu chỉ đạo tại Lễ ký kết, đồng chí Nguyễn Thị Sửu, Tỉnh ủy viên – Bí thư Huyện ủy khẳng định việc ký kết Quy chế phối hợp giữa liên ngành các cơ quan là rất cần thiết và ý nghĩa, là cơ sở pháp lý, là sự cam kết nhằm tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố và điều tra truy tố các vụ án hình sự. Đồng chí đánh giá cao sự nỗ lực cố gắng của các Ngành trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn huyện biên giới A Lưới và trách nhiệm của Viện KSND huyện đã chủ động xây dựng Quy chế phối hợp với những nội dung cụ thể, đầy đủ, thống nhất, phù hợp với những quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015, các Hướng dẫn của liên ngành Trung ương. Đồng thời đề nghị trong thời gian tới các Ngành cần phải: Chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật; thực hiện nghiêm túc việc báo cáo Thường trực Huyện ủy theo quy định, phối hợp thực hiện tốt Quy chế liên ngành nhằm góp phần giải quyết có hiệu quả, đúng quy định đối với đơn tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; tiếp tục thực hiện tốt Quy chế, tạo sự thống nhất cao của các cấp, các ngành trong việc nhận thức và thực hiện sự chỉ đạo của Huyện ủy về tăng cường công tác lãnh, chỉ đạo việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm; lãnh đạo các Ngành tiếp tục quán triệt thực hiện nghiêm túc các Chỉ thị, Nghị quyết của Đảng, của Quốc hội, Tỉnh, Huyện... trong đó hướng trọng tâm công tác vào mục tiêu giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trong tình hình mới, góp phần thực hiện thành công các mục tiêu mà Nghị quyết Đảng toàn quốc lần thứ XIII, Đại hội tỉnh Đảng bộ và Đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra; phối hợp làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, hướng dẫn, vận động các tầng lớp nhân dân tham gia tố giác, báo tin về tội phạm; bảo đảm mọi tội phạm bị phát hiện phải được khởi tố, điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh, các quyết định của cơ quan tư pháp phải có căn cứ và đúng pháp luật; không để xảy ra oan sai, kiên quyết không bỏ lọt tội phạm; định kỳ sơ kết đánh giá việc thực hiện Quy chế để kịp thời rút kinh nghiệm, phát huy những kết quả đạt được, tìm ra nguyên nhân, điều kiện phạm tội cũng như các hạn chế, khó khăn để tháo gỡ.
Định kỳ 6 tháng, một năm, cấp ủy các cơ quan tiến hành tố tụng cần chủ động báo cáo cấp Ủy về tình hình tội phạm để làm cơ sở đề ra chủ trương, xây dựng Chỉ thị, Nghị quyết chỉ đạo trong công tác phòng, chống tội phạm cũng như công tác tiếp nhận, thụ lý, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố, phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương./.